Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Giải pháp trong tình trạng bình thường mới

04:10, 28/10/2021

Để thực hiện hiệu quả, linh hoạt trong tình trạng bình thường mới, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực với nhiều giải pháp thiết thực.

[links()]Để thực hiện hiệu quả, linh hoạt trong tình trạng bình thường mới, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đang nỗ lực với nhiều giải pháp thiết thực.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang và các ngành tặng quà hỗ trợ khó khăn cho người dân tại tâm dịch Biên Hòa. Ảnh: N.Hà
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang và các ngành tặng quà hỗ trợ khó khăn cho người dân tại tâm dịch Biên Hòa. Ảnh: N.Hà

Trong đó, đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội để giữ vững an ninh trật tự. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cho các cấp, ngành và toàn dân về công tác đảm bảo an toàn phòng, dịch trong hoạt động bình thường mới. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và quá trình số hóa trong đời sống là những nhóm giải pháp thiết thực trong tình trạng bình thường mới.

* Hiệu quả từ an sinh xã hội…

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và “không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói trong đại dịch”, các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội. Qua đó, kết nối cộng đồng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thông qua hệ thống cập nhật thông tin trên trang Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh và bản đồ cập nhật tình trạng Covid-19 do Sở TT-TT và Viễn thông Đồng Nai cùng các ngành phối hợp thực hiện, cấp ủy, chính quyền và toàn dân có ngay nguồn thông tin chính thống hàng ngày. Đồng thời, từ nguồn thông tin này, tình hình thực hiện công tác an sinh xã hội được cập nhật.

Cùng các giải pháp thực hiện bình thường mới, việc quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân để đảm bảo an ninh trật tự là một trong những trụ cột của phát triển bền vững. Trước hết trụ cột phục hồi nền kinh tế, tạo động lực cho xã hội, nhất là người yếu thế vươn lên…

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thường trực Ban Tiếp nhận và điều phối các nguồn lực phòng, chống dịch của tỉnh, đến sáng ngày 22-10, toàn tỉnh đã tiếp nhận các nguồn lực ủng hộ phòng chống dịch trị giá trên 341,7 tỷ đồng. Đã có trên 2,1 triệu lượt người được thụ hưởng từ các nguồn quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, việc tiếp nhận và điều phối tốt các nguồn lực phòng, chống dịch đã góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Thông qua kênh của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội, các nguồn lực tiếp nhận đều được phân bổ về hỗ trợ cho nhân dân khó khăn trong các vùng dịch, nhất là những vùng đỏ dịch diễn biến phức tạp.

“Những trường hợp được hỗ trợ đều đúng đối tượng, kể cả những trường hợp được hỗ trợ nhiều lần. Qua đó, kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Thông qua kênh ứng dụng cập nhật thông tin và bản đồ Covid-19 hằng ngày, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể có căn cứ xác thực kịp thời hỗ trợ, thực hiện an sinh xã hội”, ông Cao Văn Quang cho biết.

* Nâng cao ý thức cho cộng đồng…

Việc truyền thông, nâng cao ý thức người dân về phòng, chống dịch và thích ứng linh hoạt với tình trạng bình thường mới cũng được đẩy mạnh và là vấn đề cấp thiết đặt ra trong tình trạng bình thường mới. TS.Đỗ Văn Quân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, gần 2 năm qua, Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện gần như bị động. Hầu hết trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Các biện pháp công nghệ chưa đảm bảo; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập.

Khử khuẩn trước khi vào làm việc được nhiều DN, cơ quan ứng dụng. Ảnh: N.Hà
Khử khuẩn trước khi vào làm việc được nhiều DN, cơ quan ứng dụng. Ảnh: N.Hà

Cũng theo TS.Đỗ Văn Quân, để thực hiện tình trạng bình thường mới, Việt Nam đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt việc Chính phủ đề ra 6 nguyên tắc phải quán triệt sâu rộng trong toàn xã hội: Y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Những nguyên tắc này đã và đang được các cấp, ngành trong tỉnh ứng dụng để linh hoạt thích ứng trong tình trạng bình thường mới. Trong đó, Chỉ thị 20-CT/UBND ngày 23-10-2021 của UBND tỉnh là một giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trừ các vùng cách ly, phong tỏa.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị người dân luôn nêu cao ý thức tự giác, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và thực hiện 5K của Bộ Y tế. Đề nghị các cơ quan truyền thông vào cuộc tuyên truyền mạnh để người dân sử dụng CNTT để khai báo y tế điện tử khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc khi di chuyển; đăng ký tiêm vaccine, đăng ký khám chữa bệnh, cập nhật chứng nhận tiêm chủng; quét mã QR khi ra, vào địa điểm công cộng, điểm tập trung đông người, các điểm sản xuất, kinh doanh, sự kiện đông người, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng…

Đồng thời, người dân tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 (test nhanh) theo hướng dẫn của cơ quan y tế khi có yêu cầu hoặc khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác. Nếu kết quả dương tính liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Trạm Y tế cấp xã hoặc Trung tâm Y tế cấp huyện, thành phố nơi cư trú.  

Người dân tham gia lưu thông trong nội tỉnh khi đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi và 14 ngày sau tiêm hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng. Khi tham gia lưu thông, người dân phải sử dụng mã QR trên ứng dụng PC-Covid và thể hiện lịch sử tiêm chủng; trường hợp không có mã QR thì xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi và 14 ngày sau tiêm hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng khi các cơ quan chức năng yêu cầu. Khuyến cáo người dân chưa được tiêm chỉ tham gia lưu thông khi thật sự cần thiết. Đối với việc đi lại ngoài tỉnh phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông - vận tải và yêu cầu địa phương nơi đến. 

Duy trì các chốt kiểm soát phòng, chống dịch giáp ranh các tỉnh, thành lân cận để kiểm soát dịch Covid-19. Các chốt kiểm soát đường thủy, cửa khẩu cảng, các chốt kiểm soát khu vực phong tỏa trong phạm vi hẹp nhất. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập các chốt kiểm soát tiếp giáp quốc lộ thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo không cản trở lưu thông. 

Các hoạt động tập trung đông người: Sự kiện, đám tang, đám cưới, được hoạt động tối đa không quá 30 người (trong nhà) và không quá 45 người (ngoài trời) cùng một địa điểm. Các hoạt động phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. 100% người tham gia phải được tiêm ít nhất mũi 1 sau 14 ngày hoặc giấy xác nhận người đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng… 

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, DN và người dân triển khai thực hiện. Trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; các sở, ban, ngành có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các tổ chức, người dân thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của đơn vị, đảm bảo công tác phòng, chống dịch; đồng thời có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện theo quy định. 

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến DN và người dân tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động trên; kịp thời ghi nhận, tiếp thu các phản ánh, đánh giá, khó khăn, vướng mắc của DN và người dân, chủ động báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, đối với trường hợp đặc biệt cần thiết thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội nhưng chưa được quy định trong văn bản này sẽ được xem xét xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Quá trình thực hiện căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá, xác định cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh các nội dung cho phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn "bình thường mới", đồng thời đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với thực hiện tốt văn bản của tỉnh về tình trạng bình thường mới, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, coi là trụ cột để đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện cho việc phục hồi kinh tế và phát triển bền vững sau đại dịch.

Đồng chí Nguyễn Hữu Định, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất cho rằng, dịch Covid-19 gây ra những hậu quả hết sức nặng nề về mọi mặt. Nhưng chính trong bối cảnh này, các hoạt động của con người phải được chuyển đổi để phù hợp; đặc biệt vận dụng CNTT, đẩy mạnh số hóa trong đời sống được tăng cường. Rõ nhất trong hoạt động này là việc dạy và học trực tuyến; làm việc từ xa và nhiều hoạt động khác. Việc ứng dụng CNTT trong các mặt của đời sống đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức và toàn dân phải thích ứng để hài hòa trong giai đoạn bình thường mới.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều