Báo Đồng Nai điện tử
En

Trân trọng những tấm lòng nhân ái

10:10, 29/10/2021

Trong thời điểm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã và đang xuất hiện nhiều cá nhân sẵn sàng đóng góp của cải vật chất, đứng ra làm cầu nối giữa người có với người khó, huy động lực lượng… để cùng với chính quyền địa phương trợ giúp thiết thực cho người khó khăn.

Trong thời điểm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã và đang xuất hiện nhiều cá nhân sẵn sàng đóng góp của cải vật chất, đứng ra làm cầu nối giữa người có với người khó, huy động lực lượng… để cùng với chính quyền địa phương trợ giúp thiết thực cho người khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh trao quà cho các cơ sở y tế. Ảnh: Thanh Liêm
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh trao quà cho các cơ sở y tế. Ảnh: Thanh Liêm

Trong đó, nhiều cá nhân đã trở thành “đầu tàu” kết nối mọi người cùng tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

* Kết nối phục vụ nhân dân

Hưởng ứng lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, chuyên viên Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã cùng Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Khối vận động cán bộ, hội viên tham gia đóng góp trên 253 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong vai trò Trưởng nhóm thiện nguyện Tâm Minh, ông Liêm đã kết nối các thành viên là công chức, viên chức, giáo viên, công an, quân đội tham gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Để từ đó, 1 tấn gạo, 100 thùng mì gói, 100 vỉ trứng, 700kg cá khô, 1 tấn rau củ quả đã kịp thời chuyển đến tay người dân trong các khu phong tỏa, cách ly y tế. Đồng thời, 90 ngàn khẩu trang, 300 kính chắn giọt bắn, 250 bộ đồ bảo hộ y tế, 1 ngàn chai nước khoáng cùng 1 ngàn hộp sữa đặc đã được chuyển đến các bệnh viện điều trị Covid-19 và nhân viên y tế… với tổng giá trị trên 1,1 tỷ đồng.

Nhằm kịp thời ghi nhận, biểu dương các tấm gương người tốt việc tốt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập hợp, lựa chọn 118 điển hình gồm: 23 tập thể và 95 cá nhân từ các địa phương, đơn vị để xem xét khen thưởng. Đồng thời, các huyện, thành phố cũng tiến hành lập danh sách các tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để kịp thời tuyên dương, khen thưởng ở cấp huyện, thành phố.

Ông Liêm chia sẻ: “Mỗi phần quà gửi đến người dân hoàn cảnh khó khăn, lực lượng làm nhiệm vụ trong thời điểm dịch bệnh là sự chung sức, đóng góp vì cộng động của hội viên Hội Cựu chiến binh Khối cũng như thành viên Nhóm thiện nguyện Tâm Minh. Bản thân tôi chỉ là cầu nối gắn kết mọi người cùng làm việc có ích trong lúc cuộc sống người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh”.

Tương tự, đã 3 năm qua, ông Lê Phan Quý, Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ nhân dân và đảm bảo an toàn giao thông H.Cẩm Mỹ đã vận động, tập hợp những thanh niên có tinh thần tình nguyện giúp đỡ người dân. Qua đó, thành viên CLB đã hỗ trợ giúp đỡ người dân trong hơn 20 vụ tai nạn giao thông; đồng thời, thay hơn 100 ruột xe, vá xe cho trên 1 ngàn phương tiện xe 2 bánh của bà con.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, ông Quý và các thành viên trong CLB sẵn sàng nhận nhiệm vụ, xác định tinh thần không ngại khó khăn khi tham gia vào đội hình tình nguyện do Huyện đoàn Cẩm Mỹ phát động.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó bí thư Huyện đoàn Cẩm Mỹ cho biết: “Khi Huyện đoàn triển khai thực hiện Chuyến xe 0 đồng để kịp thời vận chuyển hàng hóa đến với người dân ở nhà để phòng dịch bệnh, bằng sự nhiệt tình, ông Quý đã tiên phong sử dụng xe ô tô của mình để tham gia Chuyến xe 0 đồng. Khi nhu cầu cần vận chuyển lớn, ông Quý cùng các thành viên trong CLB huy động thêm xe để kịp thời thu hoạch, vận chuyển hàng hóa đến với người dân. Nhờ có ông Quý cũng như những tình nguyện viên khác mà nhiều hoạt động trợ giúp người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đã diễn ra thuận lợi”.

Về phần mình, ông Quý chia sẻ: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi tham gia làm tình nguyện viên bản thân tôi cũng như 12 thành viên trong CLB đều có lo lắng. Song xác định việc vận chuyển lương thực, thực phẩm đến với người dân khu vực phong tỏa, cách ly y tế là nhiệm vụ cấp thiết, cộng thêm đây là việc nhóm đã có nhiều kinh nghiệm nên tất cả đều cố gắng vượt qua trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhờ vậy mà các thành viên tham gia đã vận chuyển hơn 8 ngàn suất ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt trực, trao 350 phần quà cho các hộ khó khăn. Đồng thời, nhằm giúp người dân thu hoạch nông sản khi phải thực hiện cách ly y tế theo quy định, thu hoạch rau củ quả mà người dân đóng góp, các thành viên trong CLB đã thu hoạch và vận chuyển 120 tấn rau củ quả cho người dân tại các khu phong tỏa, cách ly y tế.

* Lấy của riêng làm việc chung

Cùng với vai trò là cầu nối, trong thời điểm cuộc sống người dân gặp khó khăn, nhiều cá nhân dù thu nhập từ việc làm bị ảnh hưởng song vẫn sẵn sàng chia sẻ tích lũy của bản thân để giúp người kém may mắn.

Từ tháng 7, quán cơm niêu của gia đình bà Đặng Thị Ngọc Nở (ngụ P.Suối Tre, TP.Long Khánh) phải đóng cửa theo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Điều này dẫn đến nguồn thu của gia đình bà bị đứt đoạn. Vậy nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bà Nở cùng gia đình đã có việc làm đầy nghĩa tình.

Bà Nở bộc bạch: “Từ gian bếp có sẵn và thế mạnh là phục vụ ăn uống, gia đình tôi đã nấu mỗi ngày 100 suất cơm để hỗ trợ cho lực lượng trực các chốt kiểm soát phòng dịch. Mong muốn của gia đình là cùng chia sẻ khó khăn với các lực lượng chống dịch để sớm vượt qua đại dịch”.

Từ ngày 9-7 đến 22-9, bếp cơm của gia đình bà Nở đã hỗ trợ gần 8 ngàn suất cơm với tổng giá trị trên 228 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình bà cũng hỗ trợ nhiều phần quà khác cho lực lượng phòng, chống dịch.

Còn với gia đình bà Hoàng Thị Định (ngụ ấp Hòa Bình, xã Giang Điền, H.Trảng Bom), ngay khi địa phương triển khai các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã hỗ trợ 1 tấn gạo cùng 30 triệu đồng để mua trứng, mì gói, rau củ cho công nhân nhà trọ, lực lượng ở tuyến đầu chống dịch tại xã. Đặc biệt, khi đời sống người ở trọ gặp khó khăn, bà Hoàng đã ngay lập tức có giải pháp trợ giúp để người xa xứ bớt nỗi lo. Cụ thể, bà đã giảm 80% chi phí thuê trọ (tiền phòng, tiền điện, nước) và tặng thực phẩm cho người đang sinh sống tại 17 phòng trọ. Việc làm này được gia đình bà thực hiện liên tục từ tháng 7 đến nay.

Chị Ông Thị Hậu, ở trọ tại gia đình bà Định, cho biết: “Gia đình tôi đã ở trọ tại đây hơn 6 năm. Khi dịch bệnh gây gián đoạn việc làm, đồng nghĩa với thu nhập của gia đình thời điểm đó không còn, gia đình tôi có ý định về quê. Trước khó khăn đó, sự san sẻ của chủ nhà trọ đã giúp gia đình tôi tiếp tục nán lại chờ dịch bệnh từng bước được khống chế để trở lại làm việc”.

Văn Truyên

Tin xem nhiều