Báo Đồng Nai điện tử
En

Những hậu phương vững chắc

10:09, 30/09/2021

Trong khi người chồng, người con tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 thì những người vợ, người mẹ đã trở thành hậu phương vững chắc để chồng, con của họ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong khi người chồng, người con tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 thì những người vợ, người mẹ đã trở thành hậu phương vững chắc để chồng, con của họ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những người vợ dù vất vả ở nhà với bộn bề công việc nhưng vẫn luôn động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: Chị Hoàng Thị Thảo (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) dành thời gian chăm lo cho các con để chồng yên tâm công tác. Ảnh: Tố Tâm
Những người vợ dù vất vả ở nhà với bộn bề công việc nhưng vẫn luôn động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: Chị Hoàng Thị Thảo (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) dành thời gian chăm lo cho các con để chồng yên tâm công tác. Ảnh: Tố Tâm

Dù có nhiều khó khăn, vất vả với bộn bề công việc gia đình và xã hội, nhưng những “hậu phương” vẫn không quên cố gắng, động viên, chia sẻ để chồng, con nơi tuyến đầu vững vàng trước những khó khăn, nguy hiểm của dịch bệnh.

* Vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch

Tranh thủ giờ cơm trưa, thượng úy Nguyễn Văn Chiến công tác tại Công an H.Tân Phú gọi điện thoại về nhà hỏi thăm 2 con nhỏ mới 2 tuổi và 6 tuổi. Nhìn thấy các con khỏe mạnh, nô đùa qua màn hình điện thoại, anh lại vững tâm tiếp tục nhiệm vụ phòng, chống dịch. Từ cuộc điện thoại, mẹ vợ anh Chiến liên tục nhắn nhủ: “Con cứ yên tâm làm việc ở tuyến đầu, mẹ chăm 2 cháu rất tốt. Dịch bệnh ổn định lại sớm về với các con”.

Mỗi ngày gọi điện về chỉ cần nhìn thấy các con và gia đình bình yên là anh Chiến lại có thêm động lực tiếp tục làm nhiệm vụ. Anh kể, gia đình anh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn anh công tác tại Công an H.Tân Phú. Tuy hơi xa, nhưng lúc trước mỗi tuần anh đều tranh thủ về với vợ con. Từ ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, vì nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an nên đã hơn 3 tháng qua, cuộc gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình chỉ thông qua điện thoại.

Anh Chiến kể, khi có dịch bệnh, anh ở tại đơn vị, còn vợ anh phải làm việc “3 tại chỗ” ở công ty nên 2 con nhỏ đều một tay mẹ vợ anh chăm sóc. Thời gian đầu, các con của anh thường quấy khóc nhưng được bà ngoại vỗ về, yêu thương nên bọn trẻ dần quen với sự vắng mặt của cả cha và mẹ. “Mỗi lần gọi điện về, mẹ vợ tôi đều bảo cứ yên tâm, mọi việc có mẹ lo rồi. Tôi thật sự rất biết ơn mẹ vợ tôi đã dành thời gian để làm hậu phương vững chắc cho vợ chồng tôi yên tâm làm việc. Mỗi lần gọi điện gia đình tôi đều động viên nhau để cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này” - anh Chiến chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ tại P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), chị Hoàng Thị Thảo (30 tuổi) vẫn tất bật với những công việc nội trợ từ nấu ăn, giặt dũ, dọn dẹp đến việc dạy các con học. Những công việc không tên đã khiến chị chẳng còn thời gian dành cho bản thân mình. Chị Thảo có chồng làm bộ đội nên ngay từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đến nay, anh phải ra tuyến đầu chống dịch gần 5 tháng chưa về nhà. Một mình chị phải xoay xở mọi việc trong nhà.

Chị Thảo kể, khi con khỏe mạnh, mọi việc đối với chị rất đơn giản nhưng những lúc con ốm đau, một mình chị xoay vần cả ngày lẫn đêm mà không hết việc. Biết chồng rất vất vả nơi tuyến đầu chống dịch nên chị tự nhủ bản thân phải cố gắng cáng đáng mọi việc trong nhà để chồng yên tâm công tác. “Tôi chỉ mong nhanh hết dịch bệnh để gia đình được sum vầy, con thấy bố về và tôi cũng được đỡ đần phần nào trong việc nhà, nhất là lúc con ốm đau. Tôi sẽ cố gắng trở thành hậu phương vững chắc để chồng có điểm tựa vững vàng trong công tác” - chị Thảo cho hay.

* Vừa là hậu phương, vừa ở tuyến đầu

Từ ngày làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát đến nay, chị Cao Thị Hạnh (28 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) bắt đầu một ngày mới vào lúc 4 giờ để chuẩn bị thức ăn cho con nhỏ chỉ mới 8 tháng tuổi, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho kịp giờ đến cơ quan làm việc.

Chị Cao Thị Hạnh, bác sĩ Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch không chỉ chăm lo gia đình mà còn tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: Tố Tâm
Chị Cao Thị Hạnh, bác sĩ Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch không chỉ chăm lo gia đình mà còn tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: Tố Tâm

Là bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch, còn chồng làm công an nên chị không chỉ là hậu phương mà còn ở tuyến đầu chống dịch. Khi vừa hết thời gian thai sản, chị Hạnh đã xông pha ra tuyến đầu, cùng đội ngũ y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Chị Hạnh kể, sau khi sinh con, khi đang áp lực với những khó khăn trong việc làm mẹ, chồng chị lại tham gia tuyến đầu chống dịch không về nhà hơn 3 tháng qua, cả ông bà nội, ngoại đều không ở gần để hỗ trợ nên chị đã phải đấu tranh tư tưởng lựa chọn giữa công việc và chăm lo gia đình. Yêu nghề và ý thức được sự quan trọng của lực lượng y tế trong tình hình dịch bệnh, cộng với lời động viên hằng ngày từ chồng, chị đã tự sắp xếp việc nhà để tham gia tuyến đầu chống dịch.

Để chu toàn mọi việc, chị Hạnh phải thức khuya, dậy sớm hơn bình thường. “Mỗi ngày, tôi dậy từ sớm để làm đồ ăn sẵn cho con, sau đó gửi con nhờ em gái chăm và 6 giờ bắt đầu đi làm. Công việc của tôi phải đi lấy mẫu xét nghiệm hoặc tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên đi lại nhiều và khá vất vả. Đến trưa, tôi tranh thủ về làm việc nội trợ, chăm con rồi tiếp tục quay lại công việc” - chị Hạnh kể.

Theo chị Hạnh, là lực lượng y tế đã rất vất vả, áp lực, khi về nhà lại một mình chăm con nên để vượt qua khó khăn, mỗi ngày chị tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa. Bởi theo chị, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những người lính tuyến đầu như vợ chồng chị cần nỗ lực hết mình trong công việc, trách nhiệm với cộng đồng thì dịch bệnh mới nhanh chóng được đẩy lùi, đưa xã hội trở về cuộc sống “bình thường mới”. “Khi quyết định đi làm, tôi đã chuẩn bị tâm lý việc hai mẹ con có thể sẽ bị nhiễm Covid-19 và xảy ra tình huống xấu nhất bất cứ lúc nào. Do con còn dùng sữa mẹ và không nỡ xa con nên tôi luôn chú ý phòng hộ kỹ lưỡng khi làm nhiệm vụ, định kỳ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để sớm phát hiện bệnh để có cách phòng ngừa cho con. Tôi tin rằng, chỉ cần mọi người cùng cố gắng sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, gia đình tôi lại được đoàn tụ bên nhau” - chị Hạnh bộc bạch.

Khi chứng kiến chị Nguyễn Thị Tuyết (34 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) phải trải qua một ngày với bộn bề lo toan mới hiểu sự vất vả của một người vợ vừa là hậu phương, vừa ở tuyến đầu chống dịch. Chị Tuyết là phóng viên, còn chồng là bộ đội nên cả hai đều ở tuyến đầu chống dịch. Trong khi nhà có 3 con nhỏ (1 bé 8 tuổi và 2 bé sinh đôi mới 2 tuổi) nên từ sớm đến tối chị tất bật với vô vàn công việc, không có chút ngơi nghỉ.

Mỗi buổi sáng, trong lúc giúp con gái lớn 8 tuổi học trực tuyến thì chị Tuyết lại phải cho 2 bé sinh đôi ăn uống. Tranh thủ giờ trưa lúc các con nghỉ ngơi, chị lại dọn dẹp, nấu nướng và chuẩn bị viết bài. Những lúc phải đi phỏng vấn, chị Tuyết đành để con lớn trông 2 đứa em nhỏ hoặc nhờ mẹ chồng trông giữ các con.

Mọi việc trong nhà đến ngoài xã hội khá vất vả, chị Tuyết và chồng thường xuyên dành thời gian để gọi điện thăm hỏi, động viên nhau cùng cố gắng vượt qua đại dịch. Chị chỉ mong cả gia đình đều bình an thì mọi vất vả, khó khăn chị đều vượt qua được.

Trong khi những người đàn ông đều xông pha ra tuyến đầu chống dịch thì những người vợ, người mẹ cũng phải căng mình vất vả với vô số việc nhà, việc xã hội. Thế nhưng, họ không một lời than thở và trách móc mà chỉ cố gắng từng ngày để làm hậu phương vững chắc, giúp người chồng, người con yên tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho rằng, những người mẹ, người vợ có con, có chồng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 thật sự rất vất vả. Nhiều người trong số đó không chỉ thực hiện công việc xã hội mà còn là người mẹ tận tâm, người vợ đảm đang, gánh trọng trách chăm lo cho gia đình. Mong rằng các chị, các mẹ “chân cứng, đá mềm” để mãi là điểm tựa, là hậu phương vững chắc trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong đại dịch Covid-19.

Tố Tâm

Tin xem nhiều