Báo Đồng Nai điện tử
En

'Cánh tay' nối dài trong thực hiện tín dụng chính sách

09:09, 17/09/2021

Cùng với cán bộ, công nhân viên của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), những tổ trưởng phụ trách của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) ở ấp, khu phố đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách.

Cùng với cán bộ, công nhân viên của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), những tổ trưởng phụ trách của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) ở ấp, khu phố đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách.

Ông Đặng Vinh Quang, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1, xã Núi Tượng (H.Tân Phú) đến thăm hỏi việc sử dụng vốn vay tín dụng chính sách của một tổ viên. Ảnh: Thanh Hoa
Ông Đặng Vinh Quang, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1, xã Núi Tượng (H.Tân Phú) đến thăm hỏi việc sử dụng vốn vay tín dụng chính sách của một tổ viên. Ảnh: Thanh Hoa

Nhờ có đội ngũ không chuyên này mà việc cho vay, thu nợ, giám sát sử dụng vốn được thực hiện xuyên suốt, liên tục và đóng góp vào chất lượng chương trình cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

* Nhịp cầu tín dụng chính sách

Ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho hay, với vai trò là người đầu tiên tiếp nhận nguyện vọng vay tín dụng chính sách của người dân sau đó hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ, những tổ trưởng tổ TK-VV ở ấp, khu phố là nơi đầu tiên người dân tìm đến.

Đây là lực lượng trực tiếp thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho các tổ viên hiểu rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng xã hội về quy định, thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH. Tuyên truyền vận động các tổ viên gửi tiền tiết kiệm; tiếp nhận đơn xin vay của tổ viên gửi đến và tổ chức họp tổ để bình xét công khai.

Tổ trưởng tổ TK-VV còn thông báo cho tổ viên biết lịch giải ngân của ngân hàng, chứng kiến việc ngân hàng phát tiền trực tiếp đến hộ vay; đôn đốc các tổ viên trong tổ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi, đóng tiết kiệm đúng hạn; kiểm tra, xác minh và có ý kiến về việc tổ viên đề nghị gia hạn nợ; điều chỉnh kỳ hạn nợ, xử lý nợ rủi ro khi phát sinh; phối hợp với chính quyền, đoàn thể nhận ủy thác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn…

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 2.378 tổ TK-VV tương ứng với 2.378 người phụ trách các tổ. Mỗi cá nhân đứng đầu tổ TK-VV đóng vai trò là “cánh tay” nối dài giúp kết nối thành viên trong tổ với hệ thống Ngân hàng CSXH.

Bà Ngô Thị Hải cho hay, năm 2004, bà được người dân tại ấp 3, xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ TK-VV. Là “tay ngang” tham gia công tác tín dụng nên để có kiến thức cần thiết với vai trò mình đảm nhận, ngoài sự nhiệt tình, bà Hải thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngân hàng và tổ chức hội nhận vốn ủy thác tổ chức để tự trang bị cho mình năng lực quản lý tổ TK-VV.

Hiện 48 thành viên trong tổ do bà Hải quản lý đang vay số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, trong tổ phát sinh vay mới gần 750 triệu đồng và số tiền trả nợ gốc, lãi là gần 730 triệu đồng. Nhiều năm qua, tổ TK-VV này không có nợ xấu, không có nợ quá hạn.

Theo bà Hải, để có được kết quả này, bà phải luôn theo sát tổ viên trong quá trình sử dụng vốn, hướng dẫn hội viên chấp hành tốt các chính sách tín dụng của Ngân hàng CSXH đề ra. Đồng thời, việc giải ngân kịp thời đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn, thực hiện tốt công tác tư vấn cách thức làm ăn kết hợp với kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Tương tự, khi đã 51 tuổi, bà Phạm Thị Mai cũng “tay ngang” được giao vai trò Tổ trưởng Tổ TK-VV ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch. 11 năm gắn bó với công tác này, bà Mai đã hỗ trợ 55 tổ viên vay vốn, sử dụng tiền vay có hiệu quả để qua đó đem lại thu nhập cho gia đình, hoàn thành nghĩa vụ của người vay vốn.

Hiện tổ TK-VV do bà Mai làm quản lý đang cho 55 hội viên là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Nhiều năm qua, trong tổ không có nợ quá hạn, không xảy ra tình trạng tiêu cực. Kết quả này có được là do bà Mai luôn ý thức vai trò, trách nhiệm trong việc làm cầu nối để bắt nhịp giữa hệ thống Ngân hàng CSXH với người vay.

“Khi tiếp nhận nguyện vọng của người dân về vay tín dụng chính sách, tôi phải tìm hiểu mục đích vay vốn của bà con dùng vào việc gì và có đáp ứng điều kiện vay hay không. Khi người dân đủ điều kiện vay, tôi hướng dẫn hộ vay gia nhập tổ và tổ chức họp tổ để bình xét cho vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ có nhu cầu vay vốn kịp thời, nhằm tạo công ăn việc làm, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn ấp” - bà Hải nói.

* “Quản gia” của hàng chục gia đình

Cùng với vai trò cầu nối, mỗi tổ trưởng tổ TK-VV còn đóng vai trò là “quản gia” của hàng chục gia đình tổ viên trong việc giúp mỗi tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, tự tiết kiệm chi tiêu để có tiền hoàn trả nợ vay, đồng hành cùng người vay hoàn thành đúng nghĩa vụ với Nhà nước, kịp thời hỗ trợ người vay lúc khó khăn…

Bà Huỳnh Thị Thúy Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc là một trong số những tổ trưởng tổ TK-VV đã phát huy vai trò, trách nhiệm đó.

Toàn tỉnh hiện có 2.012/2.378 tổ TK-VV không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 84,6%.

Trước đây, ấp Bưng Cần là một trong những địa bàn khó khăn của H.Xuân Lộc trong triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, từ khi bà Mai làm Tổ trưởng Tổ TK-VV ấp, địa bàn này đã có sự chuyển mình rõ rệt: các hộ có nợ xấu đều tích cực trả nợ dần cho ngân hàng bên cạnh việc trả lãi, gửi tiền tiết kiệm hằng tháng, trả nợ gốc theo phân kỳ, tham gia sinh hoạt tổ định kỳ hằng tháng…

Chia sẻ về bí quyết giúp người dân trong ấp thay đổi nhận thức trong đầu tư sản xuất và thực hiện nghĩa vụ của người vay, bà Mai bộc bạch: “Đầu tiên, tôi thường xuyên thăm hỏi bà con để nắm bắt tâm tư, khó khăn của họ. Tiếp theo, cần xác định đâu là khó khăn, trở ngại lớn nhất của gia đình họ và cuối cùng là phối hợp với hội đoàn thể, chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH để cùng tháo gỡ khó khăn. Khi khó khăn lớn nhất được tháo gỡ thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng hơn”.

Ông Ngô Duy Phương, ngụ ấp Bưng Cần cho hay, năm 2015, gia đình ông là hộ nghèo được tổ TK-VV, Hội Nông dân, UBND xã giới thiệu để Ngân hàng CSXH giải quyết cho vay vốn từ chương trình hộ nghèo để trồng thanh long, bưởi da xanh. Nhưng số vốn này không được sử dụng đúng mục đích dẫn đến gia đình không thực hiện đúng việc trả lãi, trả nợ cho ngân hàng theo quy định. “Khi biết thực tế này, bà Mai cùng ban ấp đã tìm đến trao đổi cùng gia đình và tìm cách trợ giúp. Qua đó, gia đình đã có thêm động lực, cơ hội lao động để chăm sóc vườn bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ nên có thu nhập thường xuyên. Đàn bò được hỗ trợ đã cho sinh sản đều đặn. Từ đó, gia đình đã hoàn thành việc trả lãi, nợ gốc cho ngân hàng theo đúng quy định”.

Bà Phạm Thị Mai, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cát Lái (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) nhận tiền tiết kiệm của một tổ viên
Bà Phạm Thị Mai, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cát Lái (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) nhận tiền tiết kiệm của một tổ viên

Còn với ông Đặng Vinh Quang, Tổ trưởng Tổ TK-VV ấp 1, xã Núi Tượng, H.Tân Phú, cùng với việc tận tình hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay, ông còn thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách ưu đãi của ngân hàng đến hộ vay. Nhờ vậy, 55 tổ viên do ông quản lý nhiều năm liền không có trường hợp nào nợ quá hạn, tiền lãi thu đầy đủ hằng tháng. Đồng thời, ông còn vận động thành viên trong tổ điều chỉnh chi tiêu hằng ngày để gửi tiết kiệm cho ngân hàng nơi vay vốn để làm nguồn tiền trả nợ sau này lúc đến hạn khi hệ thống Ngân hàng CSXH triển khai chương trình tiết kiệm của hội viên.

“Ban đầu bà con còn ngại, vì số tiền họ có thể để dành hằng tháng rất ít. Nhưng tôi động viên cứ có bao nhiêu tiết kiệm bấy nhiêu, tôi sẽ đến nhận, bà con không có gì phải ngại. Vậy là đến đúng ngày tháng đã hẹn, tôi đến nhận tiền của bà con gửi cho ngân hàng. Có hộ chỉ có 200 ngàn đồng/tháng. Nhưng bà con rất mừng vì đây là một hình thức giúp họ vừa tiết kiệm, vừa có lãi từ tiền gửi và cũng là cách họ trả dần tiền vay”.

Thông qua sự nhiệt tình của ông Quang trong việc dành thời gian động viên, kết nối thành viên trong tổ mà tổ TK-VV do ông quản lý đã tiết kiệm được hơn 286,5 triệu đồng và số tiền chủ động dành dụm trả nợ của người vay đang tiếp tục tăng lên từng tháng. Đây cũng là một trong số ít các tổ TK-VV tuy số tổ viên ít song có số tiền tiết kiệm bình quân khá cao so với mặt bằng chung.

Mạnh Chính - Sông Thao

Tin xem nhiều