Khi xảy ra cháy, những người lính cứu hỏa luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ ngọn lửa, khói, sức nóng và các nguy cơ sập đổ công trình. Với các vụ cháy có hóa chất bên trong, mức độ nguy hiểm lại tăng lên nhiều lần với các tình huống nổ kèm khói, khí độc phát sinh…
Khi xảy ra cháy, những người lính cứu hỏa luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ ngọn lửa, khói, sức nóng và các nguy cơ sập đổ công trình. Với các vụ cháy có hóa chất bên trong, mức độ nguy hiểm lại tăng lên nhiều lần với các tình huống nổ kèm khói, khí độc phát sinh…
Lửa, khói và nhiệt độ cao tỏa ra khủng khiếp trong vụ cháy tại Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) chiều 28-6. Ảnh: Đ.Tùng |
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, để xử lý được vụ cháy hóa chất vừa đảm bảo hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn, đòi hỏi lực lượng tham gia chữa cháy phải luôn tỉnh táo, trinh sát đám cháy tốt và hơn hết là lòng dũng cảm khi đối diện áp lực từ ngọn lửa.
* Luôn đối diện với hiểm nguy
Đầu giờ chiều 28-6, còi báo động chữa cháy hối hả reo, các cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ) nhanh chóng lên xe chữa cháy lao về hướng công ty báo cháy. Sau khoảng 10 phút di chuyển, lực lượng chữa cháy đã có mặt tại Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa). Lúc này, khói và lửa từ nhà xưởng bên trong bốc lên cuồn cuộn, cao hàng trăm mét. Các CB-CS tiến nhanh vào bên trong các nhà xưởng triển khai hoạt động chữa cháy.
Có mặt tại hiện trường, những người lính cứu hỏa như những chiến binh lao vào chiến đấu với giặc lửa. Bên trong xưởng, các thùng phuy hóa chất (dùng sản xuất mực in) được nhiệt độ nung nóng, liên tục phát ra tiếng nổ lớn. Nắp của các thùng phuy hóa chất bay vèo vèo lên cao, văng ra ngoài hàng rào của doanh nghiệp. Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên, bao trùm toàn bộ 1.500m2 nhà xưởng của công ty này.
Lực lượng cứu hỏa liên tục được tăng cường từ các đơn vị quân đội và công ty ở gần đó. Những người lính cứu hỏa ngoài ra sức dập lửa ngăn cháy lớn trong khu nhà xưởng, còn tập trung phun nước làm mát, hạ nhiệt các bồn chứa hóa chất xung quanh để ngăn cháy lan.
Sau hơn 1 giờ chữa cháy khẩn trương, vụ cháy tại Công ty TNHH Hóa chất Arirang cơ bản được dập tắt, không gây cháy lan sang các doanh nghiệp khác. Những người lính cứu hỏa mặt lấm lem, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Trung úy Nguyễn Khánh Duy, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa lau vội những vệt đen trên má nói: “Trước khi đến hiện trường, thông qua mạng xã hội, chúng tôi cũng nắm sơ bộ được không gian nơi xảy ra cháy, ngọn lửa. Từ đó, nhanh chóng kiểm tra công ty đó chuyên sản xuất gì, cháy từ khu vực nào, bên trong có chứa gì… để chủ động lên phương án chữa cháy phù hợp, tránh được những nguy hiểm, rủi ro”.
Ngoài vụ cháy nói trên, trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy có liên quan đến hóa chất. Điển hình như vụ cháy xưởng sơn PU của ông Đ.V.H. vào chiều 1-11-2020 tại xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) gây thiệt hại hơn 900 triệu đồng (do đốt rác cháy lan vào). Hay cháy tại xưởng sơn Công ty TNHH Thương mại quốc tế Gia Mỹ vào chiều 23-5-2019 trong Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) phải huy động 15 xe chữa cháy để dập tắt…
Thiếu tá Phạm Phúc Phương, Phó đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa cho biết: “Hiện nay, nhiều công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn sử dụng hóa chất để sản xuất nên tích trữ lượng lớn hóa chất trong các nhà xưởng. Nếu không cẩn thận để xảy ra cháy, nổ hóa chất sẽ rất nguy hiểm. Cháy hóa chất rất dễ gây cháy lan, cháy lớn, thậm chí tạo ra những tình huống nổ nguy hiểm gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho lực lượng chữa cháy. Do đó, việc nhanh chóng dập tắt các đám cháy có liên quan đến hóa chất sẽ ngăn chặn được hậu quả nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoặc khu dân cư lân cận”.
* Nhanh trí xử lý tình huống
Để tránh những nguy hiểm trong khi chữa cháy các vụ cháy hóa chất, theo thiếu tá Phạm Phúc Phương, người lính cứu hỏa chuyên nghiệp không chỉ dũng cảm mà còn phải nhanh trí xử lý tình huống, chọn phương án tối ưu nhất để vừa đảm bảo hiệu quả chữa cháy, vừa đảm bảo an toàn tính mạng. Điển hình như đối diện với ngọn lửa đang bùng phát lớn, các thùng phuy hóa chất có thể nổ, văng nắp ra bất kỳ lúc nào…, lực lượng chữa cháy cần phải dựa vào các điểm che chắn (bờ tường) rồi mới phun nước. Hoặc trước khi tiến vào dập tắt ngọn lửa, cần phải đảm bảo các cấu kiện công trình còn vững chắc, tránh nguy cơ sập đổ…
Lực lượng chữa cháy tập trung phun nước làm mát và dập tắt vụ cháy tại Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) chiều 28-6. Ảnh: Đ.Tùng |
Tất cả những việc này đòi hỏi các hướng chữa cháy phải có sự đồng bộ, ăn ý và thống nhất trong thực hiện. Đặc biệt, quá trình chữa cháy có liên quan hóa chất, nếu không đánh giá đúng tình hình, triển khai đội hình hiệu quả sẽ dễ kéo dài thời gian cháy, gây cháy lan và các nguy cơ khác.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa chia sẻ, trước khi chữa cháy, người chỉ huy đã phải cử cán bộ trinh sát đám cháy, thông qua nắm thông tin từ cơ sở để xác định rõ chủng loại, cách sắp xếp, khối lượng hóa chất bên trong. Khi đó, chỉ huy chữa cháy mới triển khai phương án chữa cháy với việc phun nước hạ nhiệt đám cháy, ngăn cháy lan, bảo vệ các bồn hóa chất kế bên. Sau khi đảm bảo an toàn mới có thể tiến vào phun bọt dập tắt vụ cháy hoàn toàn.
Không chỉ vậy, khó khăn trong việc dập tắt các đám cháy có hóa chất bên trong là việc lựa chọn chất chữa cháy (nước, bọt, bột…) phù hợp, đạt hiệu quả tối đa. Việc này cũng phụ thuộc vào điều kiện xây dựng, vật liệu sản phẩm lưu trữ bên trong của từng cơ sở. Đối diện với khó khăn trên, lực lượng chữa cháy cần phải có cách tiếp cận khác nhau để triển khai các phương tiện chữa cháy và sử dụng chất chữa cháy cho phù hợp. Đồng thời, tuyệt đối không phun nước khi chưa rõ loại hóa chất trong cơ sở hoặc đối với các loại hóa chất kỵ nước.
Trung tá Lê Đức Hiệp, Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) nhận định: “Để nắm rõ tính chất các loại hóa chất thường gặp khi chữa cháy, chúng tôi thường xuyên được cử đi học, tập huấn các chiến thuật, phương pháp chữa cháy để áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, cuối năm 2020, Đồng Nai là một trong 5 địa phương trên cả nước sớm được cấp bộ trang phục bảo hộ PCCC mới, bảo vệ CB-CS tốt hơn khi chữa cháy, trong đó có các vụ cháy hóa chất”.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho hay, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc phòng và công an các địa phương đã cố gắng chủ động, đảm bảo an toàn khi xử lý các sự cố cháy có hóa chất xảy ra. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác trinh sát đám cháy, bám sát cơ sở nên trong các vụ cháy hóa chất ở một số khu công nghiệp, lực lượng chữa cháy nhanh chóng khống chế đám cháy, ngăn cháy lan, cháy lớn sang các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp. |
Đăng Tùng