Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong giới trẻ

08:06, 10/06/2021

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai), trong những năm gần đây, xu hướng người bị nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa. Đáng chú ý là nhiều người trẻ nhiễm HIV/AIDS do thiếu hiểu biết, chủ quan trong phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai), trong những năm gần đây, xu hướng người bị nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa. Đáng chú ý là nhiều người trẻ nhiễm HIV/AIDS do thiếu hiểu biết, chủ quan trong phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

Hiện nay, việc điều trị HIV bằng thuốc ARV hiệu quả rất cao. Trong ảnh: Một bệnh nhân bị nhiễm HIV đến điều trị bằng thuốc ARV tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Tố Tâm
Hiện nay, việc điều trị HIV bằng thuốc ARV hiệu quả rất cao. Trong ảnh: Một bệnh nhân bị nhiễm HIV đến điều trị bằng thuốc ARV tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Tố Tâm

Ngoài những ca nhiễm HIV từ mẹ sang con, do tiêm chích ma túy chung thì tình trạng nhiễm HIV từ quan hệ đồng tính nam (MSM) ở độ tuổi rất trẻ đang tăng cao và rất khó kiểm soát.

* Người trẻ còn chủ quan với bệnh

Theo CDC Đồng Nai, hiện nay có trên 5,7 ngàn người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý và điều trị tại Đồng Nai, trong đó có khoảng 75% người nhiễm ở độ tuổi từ 16-35. Chỉ tính riêng quý I-2021, số người nhiễm mới trên toàn tỉnh là 268 trường hợp (tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có đến gần 80% ở độ tuổi từ 16-35.

Nhiều người trẻ nhiễm HIV/AIDS xác nhận, họ bị nhiễm HIV/AIDS do còn lơ là, mất cảnh giác và chưa lường trước được những hậu quả xảy ra khi nhiễm bệnh. Như trường hợp anh N.V.C. (26 tuổi, ngụ H.Định Quán) là một ví dụ. Từ khi biết mình bị nhiễm HIV đến nay đã hơn 5 năm, hằng tháng anh C. đều đến khám và điều trị bằng thuốc ARV tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai. Hiện tại, sức khỏe của anh đã ổn định và anh vẫn đi làm bình thường, nhưng anh luôn hối hận vì chủ quan khi quan hệ đồng tính đã khiến anh bị nhiễm bệnh từ bạn tình.

Theo CDC Đồng Nai, toàn tỉnh có 9 phòng khám điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, 11 phòng khám điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại các huyện, thành phố và 3 phòng xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại: CDC Đồng Nai, Trung tâm Y tế H.Long Thành và Trung tâm Y tế TP.Long Khánh. Theo kế hoạch năm 2021, dự kiến triển khai thêm phòng xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Y tế H.Định Quán.

Anh C. kể, khi mới 19 tuổi, anh làm quen với một người đồng giới và bắt đầu nảy sinh tình cảm. Nhưng do nghĩ bạn tình là một người đáng tin cậy và chung thủy nên anh C. đã chủ quan không thực hiện các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Một thời gian ngắn sau đó, anh thấy bản thân có một số biểu hiện như: sốt, viêm họng, nổi phát ban, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết… nên đi khám và phát hiện đã nhiễm bệnh. “Tôi không dám nói tình trạng bệnh cho người thân, bạn bè biết, bởi tôi sợ mọi người lo lắng và kỳ thị. Tuy nhiên, tôi luôn ý thức về việc giữ an toàn cho những người xung quanh và không muốn bản thân lại đi gieo mầm bệnh cho người khác” - anh C. chia sẻ.

Tương tự, anh Đ.T. (21 tuổi, ngụ TP.Long Khánh) cũng bị nhiễm HIV vì thiếu hiểu biết về căn bệnh thế kỷ. Anh T. kể, khi đang học lớp 11, T. quen một người bạn đồng giới qua mạng xã hội và đắm đuối trong tình yêu với người này mà không hề biết bạn tình nhiễm HIV (do người này giấu bệnh). Đến khi anh T. biết mình nhiễm bệnh thì đã quá muộn. Anh T. phải bỏ dở con đường học hành để đi điều trị bệnh. Nhờ các tình nguyện viên trong nhóm đồng đẳng ở TP.Long Khánh mà anh T. vượt qua được cú sốc đầu đời, dần ổn định tinh thần, yên tâm chữa bệnh và tìm việc làm có thu nhập ổn định phụ giúp gia đình.

* Cần trang bị kiến thức về bệnh HIV/AIDS

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho biết, hiện nay xu hướng giới trẻ bị nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng cao, nhất là trong độ tuổi từ 16-35. Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn so với đường máu. Tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nam giới. Trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng ở nhóm đối tượng MSM.

Tình nguyện viên của một nhóm đồng đẳng tại TP.Long Khánh tư vấn cho một bạn trẻ đồng tính về nguy cơ nhiễm HIV và cách phòng tránh. Ảnh: Tố Tâm
Tình nguyện viên của một nhóm đồng đẳng tại TP.Long Khánh tư vấn cho một bạn trẻ đồng tính về nguy cơ nhiễm HIV và cách phòng tránh. Ảnh: Tố Tâm

Theo BS Quang, nguyên nhân người bị nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa là do thanh thiếu niên tuổi mới lớn chưa có biện pháp quan hệ tình dục an toàn, thiếu hiểu biết về căn bệnh HIV/AIDS, thiếu sự quản lý của gia đình... Đặc biệt, hiện nay tình trạng quan hệ đồng giới ở người trẻ ngày càng nhiều, họ thường quan hệ tình dục theo nhóm hoặc thường thay đổi bạn tình mà không áp dụng các biện pháp an toàn cũng tạo nguy cơ lây bệnh rất cao.

Trao đổi về vấn đề này, anh L.T.M., Trưởng Nhóm đồng đẳng Gnet (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay người nhiễm HIV/AIDS vẫn bị cộng đồng kỳ thị nên sẽ có tâm lý che giấu, không dám bộc lộ việc bản thân bị bệnh cho người khác biết, kể cả với bạn tình, gây nên tình trạng lây nhiễm bệnh khi quan hệ tình dục không an toàn. Đó là chưa kể có một số người mang tâm thế bi quan, tiêu cực muốn gieo rắc mầm bệnh cho người khác để “trả thù đời”.

Đặc biệt, theo anh M., ở nhóm cộng đồng người đồng giới nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng họ thường sống khép mình, không dám tiếp cận với các dịch vụ y tế để tiến hành xét nghiệm HIV. “Hiện nay, tình trạng người trẻ bị nhiễm HIV cũng khá nhiều nhưng sau khi biết bản thân bị nhiễm bệnh thì một số người không chịu chữa trị, bỏ đi, khiến cho việc lây nhiễm khó kiểm soát” - anh Minh nhận định.

BS Quang cho biết thêm, hiện nay việc điều trị HIV bằng thuốc ARV hiệu quả rất cao. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc thì vẫn khỏe mạnh, làm việc, lao động, học tập như người bình thường. Tuy nhiên, việc điều trị phải thường xuyên, đảm bảo uống thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng thuốc và tái khám đúng hẹn. Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi người phải tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lây nhiễm HIV đã được cảnh báo.

Để ngăn chặn các ca mới nhiễm HIV, nhất là những trường hợp còn trẻ tuổi, BS Quang cho biết thêm, giới trẻ nói chung và người đồng giới nói riêng cần trang bị kiến thức về bệnh HIV/AIDS, duy trì quan hệ tình dục an toàn để phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ thủy chung với một bạn tình, không tiêm chích ma túy. Khi có hành vi quan hệ tình dục không an toàn hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lây nhiễm HIV, cần đến các cơ sở y tế, phòng khám để được tư vấn và làm xét nghiệm để có phác đồ điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV.

BS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho biết, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về căn bệnh HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung tuyên truyền cho nhóm đối tượng nguy cơ cao (người đồng tính, người hoạt động mại dâm và tiêm chích ma túy) để họ biết cách chủ động phòng bệnh; hướng dẫn cho nhóm đối tượng này xét nghiệm HIV thường xuyên 3 tháng/lần; sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Đặc biệt, đối với người có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đã bị nhiễm thì cần điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) và tham gia điều trị ARV để khỏe mạnh và tránh lây nhiễm cho người khác.

Tố Tâm

Tin xem nhiều