Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Những người hùng nơi tuyến đầu chống dịch

07:05, 25/05/2021

Từ ngày Bệnh viện Phổi Đồng Nai chuyển công năng thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh Covid-19, các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện thường xuyên thay phiên nhau vào ca trực để điều trị cho các bệnh nhân và theo dõi các ca nghi ngờ, F1.

[links()]Từ ngày Bệnh viện Phổi Đồng Nai chuyển công năng thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh Covid-19, các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện thường xuyên thay phiên nhau vào ca trực để điều trị cho các bệnh nhân và theo dõi các ca nghi ngờ, F1. Họ chỉ có mong ước duy nhất là dịch bệnh nhanh chóng kết thúc để được trở về nhà, về bên vòng tay yêu thương của người thân trong gia đình sau nhiều ngày xa cách.

Lực lượng chức năng theo dõi hoạt động của người trong khu cách ly TP.Long Khánh qua hệ thống camera giám sát. Ảnh: H.Dung
Lực lượng chức năng theo dõi hoạt động của người trong khu cách ly TP.Long Khánh qua hệ thống camera giám sát. Ảnh: H.Dung

* Gác lại hạnh phúc riêng

Đang trực tiếp điều trị cho 8 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai là BS Nguyễn Ngọc Khánh. Tham gia kíp trực cùng anh còn có 5 người khác, bao gồm 1 điều dưỡng, 1 hộ lý, 1 nhân viên phun thuốc khử khuẩn, 1 kỹ thuật viên X-quang và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm.

BS Khánh cho biết, đúng ngày 30-4, khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, anh được lãnh đạo bệnh viện điều động vào ca trực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là công dân Việt Nam nhập cảnh từ Nhật Bản, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất và cách ly ngay tại Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 (đóng tại xã An Phước, H.Long Thành) đêm 17-4. Đến ngày 30-4, trường hợp này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được đưa ngay vào Bệnh viện Phổi Đồng Nai để điều trị. Từ đó đến nay, đã có thêm 7 bệnh nhân khác được chuyển vào bệnh viện để điều trị.

Cũng như các bác sĩ khác trong bệnh viện, BS Khánh đã chuẩn bị sẵn tinh thần từ trước, sau khi được điều động, anh tức tốc vào bệnh viện. Lúc anh đi, 2 con của anh (đang học lớp 3 và lớp 6) nắm chặt tay cha, mong cha sớm trở về nhà.

Trong gần một tháng qua, BS Khánh cùng ê-kíp trực ở tại bệnh viện, không được ra ngoài. Hằng ngày, anh theo dõi dấu hiệu sinh tồn của các bệnh nhân, xem các bệnh nhân có ai bị sốt, ho, khó thở, đau họng hay không. Rất may, đến nay cả 8 bệnh nhân đều không có triệu chứng của bệnh đường hô hấp, có 6 bệnh nhân đã 4-5 lần âm tính với SARS-CoV-2. Điều mà BS Khánh và kíp trực lo ngại là trong đợt dịch này, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan rất nhanh. Do đó, việc mặc đồ bảo hộ, ra - vào phòng điều trị đến khi đi ra ngoài, về phòng làm việc phải tuân thủ đúng quy định, không được để xảy ra sơ suất.

“Để vơi đi nỗi nhớ nhà, hằng ngày tôi gọi điện và nói chuyện với các con qua Zalo hoặc Viber. Chưa khi nào tôi xa gia đình lâu đến thế và chưa biết đến ngày nào mới được trở về nhà. Tôi chỉ mong sao dịch bệnh giảm bớt, các ca bệnh đều có kết quả âm tính, được xuất viện. Khi đó, tôi chỉ cần cách ly thêm 14 ngày nữa là sẽ được về nhà” - BS Khánh tâm sự.

Còn với BS Phạm Thị Thắm, sau 2 đợt điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 của tỉnh (một chuyên gia người Ấn Độ, một người Việt Nam nhập cảnh từ Nhật Bản, hiện cả 2 trường hợp này đã khỏi bệnh và xuất viện), điều chị cảm thấy quan trọng nhất trong cuộc đời là sức khỏe và gia đình. Những ngày xa gia đình để làm nhiệm vụ trong bệnh viện, không ít lần nước mắt của nữ bác sĩ đã rơi vì nhớ người thân. Tuy nhiên, những cảm xúc đó dần được kìm nén, tạo động lực để chị làm việc tốt hơn, với một mong muốn sẽ không có nhiều người phải xa gia đình, để tất cả mọi người cùng sớm trở về cuộc sống bình thường như trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.

* Nỗ lực giữ an toàn trong khu cách ly

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết, toàn tỉnh hiện có 18 khu cách ly tập trung với công suất gần 3 ngàn giường cách ly. Trong đó, khu cách ly Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 là nơi đã và đang cách ly tập trung nhiều người nhất (hơn 3,4 ngàn người/tổng số hơn 7,4 ngàn người thuộc diện cách ly tập trung toàn tỉnh). Mỗi đợt cách ly, nơi đây tiếp nhận hàng trăm người là công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về. Do đó, nguy cơ xuất hiện ca bệnh và lây nhiễm chéo trong khu cách ly rất cao.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai là những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai là những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: H.Dung

Để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng, Ban điều hành khu cách ly thường xuyên quán triệt lực lượng y tế, quân đội, công an làm nhiệm vụ trong khu cách ly phải thực hiện nghiêm việc bảo hộ khi tiếp xúc với người thuộc diện cách ly. Đồng thời, tuyên truyền để những người cách ly cùng một phòng hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với nhau. Từ việc lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ đồ ăn, nước uống, vật dụng hằng ngày… đến việc thu gom rác thải để xử lý đều được thực hiện theo đúng quy trình.

Đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung của TP.Long Khánh, điều dưỡng Võ Thị Ngọc Ánh, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ, nhiệm vụ hằng ngày của chị là đi đo thân nhiệt vào buổi sáng, chiều cho các trường hợp đang cách ly; viết phiếu theo dõi sức khỏe cho từng người và phụ giúp việc lập danh sách, lấy thông tin trực tiếp từ những người cách ly để làm giấy xác nhận hết cách ly cho họ.

“Những ngày đầu khi làm nhiệm vụ ở khu cách ly, tôi có chút lo lắng nhưng sau đó, mọi người cùng vào “guồng” nên đều tập trung làm nhiệm vụ. Điều mà bản thân tôi cũng như các anh em làm việc trong khu cách ly vui mừng nhất là mỗi lần nhận được thông tin toàn bộ người trong khu cách ly âm tính với SARS-CoV-2. Khi đó, mọi gánh nặng như được trút bỏ” - điều dưỡng Ánh chia sẻ.

Phát biểu tại các buổi làm việc tại các khu cách ly tập trung trong tỉnh thời gian qua, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các lực lượng y tế, công an, quân đội… đang ngày đêm làm nhiệm vụ trong các khu cách ly. Vì sức khỏe, hạnh phúc chung của cộng đồng, họ sẵn sàng gác lại niềm hạnh phúc riêng của bản thân để xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Để đáp lại sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo kêu gọi toàn thể người dân trong tỉnh luôn nâng cao ý thức tự giác, cảnh giác, thực hiện tốt các yêu cầu về phòng dịch Covid-19, đặc biệt là yêu cầu 5K gồm: luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, nơi công cộng - thường xuyên rửa tay, khử khuẩn - giữ khoảng cách khi tiếp xúc - không tụ tập đông người - khai báo y tế trung thực.

* Áp lực của những người “gác cổng”

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là người được giao nhiệm vụ trực số điện thoại đường dây nóng liên quan đến dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Đồng Nai. Anh cũng được giao nhiệm vụ điều hành trực tiếp hoạt động của khu cách ly tập trung Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2. BS Phúc chia sẻ, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đến nay, chưa có ngày nào anh được ngủ đủ giấc, sụt đi vài ký, mắt thêm nhiều quầng thâm vì công việc quá nhiều. Ngày nào BS Phúc cũng phải xử lý công việc đến 23 giờ (tổng hợp báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 của các địa phương trong tỉnh; hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng dịch tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể...). Đến 4 giờ sáng hôm sau, BS Phúc đã phải thức dậy để tiếp nhận thông tin đường dây nóng của người dân. Có cả những cuộc gọi lúc nửa đêm…

Theo BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để các bác sĩ khối điều trị giảm bớt áp lực, suốt hơn 1,5 năm qua, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế khối dự phòng trong tỉnh đã làm việc cật lực, chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người “gác cổng”.

Không chỉ tiếp nhận thông tin, triển khai truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly, dập dịch khẩn trương, các bác sĩ, nhân viên y tế khối dự phòng còn phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly hàng ngàn công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài tại các khu cách ly. Có những lần, lực lượng chức năng làm việc đến quá nửa đêm mới hoàn thành việc tiếp nhận người cách ly. Đến sáng hôm sau đã phải bắt tay ngay vào việc lấy mẫu bệnh phẩm, kiểm tra sức khỏe người trong khu cách ly rồi thực hiện xét nghiệm. Rất may đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai không xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng như lây nhiễm trong cộng đồng từ ca bệnh nhập cảnh.

Toàn tỉnh hiện có hơn 10 ngàn người trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ngoài hơn 1 ngàn tổ Covid cộng đồng còn có các đội phản ứng nhanh của các trung tâm y tế, bệnh viện; lực lượng công an, quân đội tham gia điều tra truy vết, quản lý đối tượng, phục vụ trong khu cách ly…

Hạnh Dung

Bài 3: Không lơ là, chủ quan

Tin xem nhiều