Với hàng triệu lít chất độc hóa học (CĐHH) mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam từ những năm 1961, hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và 3 triệu người khác bị ảnh hưởng do di truyền...sẽ không bao giờ có cái giá nào trả cho đủ.
[links()]Với hàng triệu lít chất độc hóa học (CĐHH) mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam từ những năm 1961, hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và 3 triệu người khác bị ảnh hưởng do di truyền...sẽ không bao giờ có cái giá nào trả cho đủ.
Nhiều người Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khi kiện các công ty hóa chất Mỹ tại một tòa án ở quận Brooklyn (Ảnh VAVA). |
Đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam đã có một hành trình dài và chưa bao giờ ngơi nghỉ. Tuy nhiều lần bị tòa án Mỹ bác đơn kiện, thế nhưng vẫn không ngăn được nghị lực đấu tranh của các nạn nhân da cam và người yêu chuộng hòa bình thế giới trong cuộc chiến vì công lý này.
* Cuộc đối đầu với những “gã hóa chất khổng lồ”
Theo dòng thời sự, ngày 31-1-2004, nhóm Bảo vệ quyền lợi của nạn nhân Chất độc da cam/dioxin do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (VAVA) thành lập, đã chính thức khởi kiện 37 công ty hóa chất của Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường vì đã gây ra hậu quả thảm khốc này. Thế nhưng, các vụ kiện của nạn nhân da cam Việt Nam đều bị các tòa án ở Mỹ bác đơn, vì cho rằng thiếu cơ sở khoa học khi không chứng minh được mối quan hệ giữa chất độc da cam (CĐDC) với những bệnh tật ở các nạn nhân tại Việt Nam.
Bà Trần Tố Nga, người phụ nữ Pháp gốc Việt bị nhiễm chất độc da cam đã đứng ra kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ để đòi công lý cho mình và cho những nạn nhân da cam (Ảnh Tạp chí ảnh Pháp) |
Dù bị các tòa án ở Mỹ từ chối thụ lý đơn kiện, song không thể dập tắt được cuộc đấu tranh đòi công lý của hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam và trên thế giới. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nói rằng: “Tuy chưa đạt được mục đích, nhưng vụ kiện đã giúp nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa CĐDC đối với môi trường và sức khỏe con người. Đây là tội ác chiến tranh mà giới chức Mỹ cố tình bưng bít trong suốt nhiều năm qua”.
Ông Rinh nói thêm, hiện cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam Việt Nam đã khơi dậy một phong trào quốc tế ủng hộ rất mạnh mẽ không chỉ cho 4,8 triệu người Việt Nam, mà còn cho nhiều triệu nạn nhân nữa ở các nước từng tham chiến cùng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam; những nước có đặt kho lưu chứa hoặc trạm trung chuyển chất da cam của Mỹ đến Việt Nam...
Và mới đây, một người phụ nữ Pháp gốc Việt đã đệ đơn lên Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế (tại Pari, Pháp) kiện các tập đoàn hóa chất của Mỹ, đòi những công ty này có trách nhiệm với những nạn nhân. Người đó là bà Trần Tố Nga (79 tuổi) - một nạn nhân CĐDC, hiện đang sinh sống tại Pháp.
Những khu rừng sau khi bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học đã trở nên hoang tàn (Ảnh tư liệu) |
Bà Nga nguyên là phóng viên thông tấn xã Giải phóng, tham gia chiến trường miền Nam và bị nhiễm CĐDC/dioxin. Giám định y tế tại Pháp cho thấy nồng độ dioxin trong máu của bà cao hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định.
Có thể xem là không tưởng khi một người phụ nữ nhỏ bé đối đầu với những tập đoàn hóa chất Mỹ rất mạnh mẽ về tiềm lực, được gọi là những “gã khổng lồ” trong thế giới hóa chất như Monsanto và Dow Chemical - sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để bóp chết các phản kháng - phải có trách nhiệm với hàng triệu nạn nhân của CĐDC/dioxin ở Việt Nam và ở những nước khác. Sau 6 năm và 19 phiên thủ tục, phiên tòa mới chính thức bắt đầu vào ngày 25-1-2021 tại Pari.
Hiện vụ kiện vẫn đang diễn ra các phiên điều trần, dự kiến kéo dài trong nhiều tháng. Đây là vụ kiện gây chấn động thế giới và được xem là thắng lợi, khi lần đầu tiên đã buộc được tập đoàn Monsanto và các công ty hóa chất phải ra hầu tòa theo đơn kiện của một người.
Lấy mẫu đất từ khu vực bị nhiễm hóa chất trong sân bay Biên Hòa để xét nghiệm nồng độ dioxin tồn dư (Ảnh USAID) |
“Cuộc chiến” đấu tranh đòi công lý đầy gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ của bà Nga cùng dư luận quốc tế. Bà Nga nói với báo chí: “Trong 10 năm qua, không ít người đã khuyên tôi ngừng cuộc đấu tranh tưởng chừng như vô vọng này. Bởi người ta ví vụ kiện này như cuộc chiến không cân sức giữa David với tên khổng lồ Goliath. Nhưng tôi luôn hy vọng đây sẽ là một thắng lợi của công lý cho tôi, cho các nạn nhân da cam Việt Nam và thế giới”.
Dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin cũng như khôi phục môi trường cho sân bay và các khu vực xung quanh tại sân bay Biên Hòa sẽ được triển khai trong năm 2021 này. Chi phí thực hiện dự kiến là 390 triệu USD, thời gian xử lý 10 năm, trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Mỹ là 183 triệu USD. |
* Khắc phục hậu quả da cam: Là lương tâm, trách nhiệm
Trong khi vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân da cam vẫn đang tiếp tục, thời gian qua, với sự nỗ lực hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa kỳ cùng một số cơ quan, tổ chức nhân đạo của Mỹ đã có những động thái ban đầu trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, thông qua các hoạt động khảo sát, nghiên cứu cũng như xử lý, tẩy rửa hóa chất/dioxin ở các sân bay - vốn là “điểm nóng” của dioxin ở Việt Nam, cũng như hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC.
Đầu năm 2021, tại Đồng Nai, Ban Chỉ đạo Quốc gia 701 (Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã tổ chức Lễ Công bố kết quả xử lý dioxin tại Hồ Cổng 2 Sân bay Biên Hòa, đồng thời khởi động Dự án Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh có nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia 701 cho biết, thời gian qua Chính phủ hai nước cũng đã có những nỗ lực bước đầu trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Theo đó, Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực Sân bay Biên Hòa được khởi công từ tháng 12-2019, đã thực hiện bốc xúc gần 1,2 ngàn m3 trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, đưa vào khu vực xử lý ở công đoạn tiếp theo. Trong đó giải phóng và phục hồi toàn bộ diện tích bề mặt Hồ Cổng 2 rộng hơn 5,3 ngàn m2, đáp ứng tiêu chuẩn về ngưỡng dioxin của Việt Nam, bảo đảm về an toàn cho con người, môi trường và các công trình xung quanh.
Lớp đất nhiễm dioxin tại Hồ Cổng 2 Sân bay Biên Hòa được đào lên và chôn lấp an toàn (Ảnh Q.Định) |
Tiếp nối kết quả đã đạt được của dự án, mới đây Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục bàn giao mặt bằng các khu vực ô nhiễm dioxin phía trong Sân bay Biên Hòa, với tổng diện tích khoảng 7,5 ha cho Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để tiến hành xử lý, phục hồi và xây dựng công trình của dự án trong năm 2021.
Đặc biệt, Dự án Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị rải CĐHH cũng đã được khởi động. Theo đó, hàng loạt hoạt động hỗ trợ sẽ được triển khai từ nguồn tiền 65 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ, và 75 tỷ đồng từ vốn đối ứng ngân sách nhà nước Việt Nam để thực hiện chuỗi các hoạt động hỗ trợ các nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Trước đó, tháng 12-2019, cũng tại Đồng Nai, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH và môi trường đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại về hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải CĐDC. Theo đó, 100 ngàn người khuyết tật do ảnh hưởng CĐDC và người thân nạn nhân tại 8 tỉnh: Đồng Nai, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên -Huế, Tây Ninh, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước… sẽ được hỗ trợ về y tế và đời sống. Riêng Đồng Nai có khoảng 15 ngàn nạn nhân và thân nhân nạn nhân được hỗ trợ từ dự án này.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm. Song hậu quả CĐHH đối với sức khoẻ con người và môi trường sinh thái Việt Nam đến nay vẫn còn rất nặng nề. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Chính phủ Mỹ cũng như các tập đoàn hóa chất sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gì họ đã gây ra cho người dân Việt Nam sau cuộc chiến. Bởi đó là công lý, là lương tri con người...
Phương Liễu