Thời gian qua, ngành Y tế Đồng Nai đã liên tục đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh, phong cách, thái độ phục vụ nhân dân.
Thời gian qua, ngành Y tế Đồng Nai đã liên tục đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh, phong cách, thái độ phục vụ nhân dân.
Một ca phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
Chính vì thế, người dân ngày càng tin tưởng vào tay nghề, trình độ và năng lực của ngành Y tế tỉnh nhà.
* Khống chế tốt dịch bệnh
Trong năm 2020 và đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Số người nhiễm và tử vong do Covid-19 không ngừng tăng lên. Nhiều nước phát triển vẫn chưa khống chế được dịch bệnh dù đã có vaccine. Tuy nhiên, ngành Y tế Việt Nam nói chung và Y tế Đồng Nai nói riêng đã có nhiều cách làm sáng tạo, đi trước một bước và khống chế thành công dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 7 trường hợp nhiễm Covid-19 và đều đã được chữa khỏi, xuất viện, không có trường hợp tử vong. Có tổng số hơn 14,1 ngàn trường hợp đã được cách ly, giám sát tập trung, tại nhà, nơi lưu trú. Hiện, còn hơn 100 trường hợp khác đang được giám sát, cách ly theo đúng quy định.
Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, để có được kết quả này phải kể đến sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của lãnh đạo tỉnh đối với công tác dự phòng. Lực lượng cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên khối dự phòng trong tỉnh đã luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương thực hiện tốt các chỉ đạo về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và cơ quan cấp trên, không để lây lan rộng trong cộng đồng khi có ca nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã đi trước một bước trong công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế cho phép 3 đơn vị được thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Việc triển khai sớm và kịp thời xét nghiệm SARS-CoV-2 đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, giúp các địa phương, cơ sở y tế sớm thực hiện các biện pháp cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, tập trung điều trị để ngăn chặn dịch bệnh lây ra cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được những công việc mà đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh đã làm được trong thời gian qua, đặc biệt là việc khống chế dịch bệnh Covid-19. Tôi hoàn toàn tin tưởng và sẽ luôn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh mà ngành Y tế khuyến cáo để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
* Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được cải thiện
Ngoài công tác phòng và điều trị Covid-19, trong thời gian qua, ngành Y tế Đồng Nai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh, từng bước xây dựng nền y tế thông minh theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã trở thành bệnh viện đầu tiên trong tỉnh và là bệnh viện thứ 4 trong cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử. Các bệnh viện: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất và Nhi đồng Đồng Nai đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục triển khai.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã khởi tạo được gần 3,2 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, tương đương khoảng 95% dân số trong toàn tỉnh. Hồ sơ sức khỏe cá nhân giúp người dân được quản lý và chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay từ cơ sở. Một số bệnh viện lớn trong tỉnh đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai phần mềm quản lý hoạt động và chuẩn đầu ra của các nhà thuốc, quầy thuốc và tủ thuốc trạm y tế; kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc; triển khai phần mềm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, bệnh truyền nhiễm...
Mặt khác, việc gần 20 bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh kết nối khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, TP.HCM đã giúp nhiều ca bệnh phức tạp được hội chẩn kịp thời và đưa ra phương án điều trị hữu hiệu, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của bệnh nhân. Điển hình như việc hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên giúp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều trị tốt cho 3 trường hợp bị ngộ độc Botulinum do ăn pate Minh Chay; phẫu thuật cắt khối thoát vị não chẩm, tạo màng cứng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai…
Trong các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được các bệnh viện, bác sĩ trong tỉnh triển khai trong năm qua phải kể đến kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện. Phương pháp này đã cứu sống 2 bệnh nhân bị ngưng tim 10 phút ngoại viện và ngưng tim, ngưng thở 2 lần. Đây là kỹ thuật cao mà trước đây chỉ các bệnh viện tuyến trung ương mới thực hiện được do yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bác sĩ, trang thiết bị máy móc hiện đại. Với kết quả này, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và một số bác sĩ trực tiếp thực hiện kỹ thuật này đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen đột xuất.
Ngoài ra, Tổ chức Đột quỵ thế giới đã trao tặng chứng nhận Bạch kim cho Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; chứng nhận Vàng cho Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Đây là những danh hiệu rất cao quý, nhằm ghi nhận những kết quả xuất sắc mà các đơn vị đột quỵ trên toàn thế giới thực hiện được trong công tác cứu chữa người bệnh đột quỵ.
Ở khối y tế tư nhân, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark đã khai trương Đơn vị Tim mạch can thiệp với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Đây là đơn vị tim mạch can thiệp thứ 3 của tỉnh, đem đến nhiều cơ hội cho bệnh nhân bị bệnh lý về tim mạch. Các Bệnh viện: Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cũng đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, cứu sống nhiều ca bệnh nguy hiểm, phức tạp.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2020, ngành Y tế Đồng Nai đã hoàn thành đạt 9/9 chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Cụ thể: đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân; 30 giường bệnh/vạn dân; 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt dưới 1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi cân nặng theo tuổi là 8%; tỷ lệ chiều cao theo độ tuổi đạt 22,5%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải y tế đạt 100%. |
Hạnh Dung