Chỉ còn nửa tháng nữa, quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT sẽ có hiệu lực. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các bệnh viện.
Chỉ còn nửa tháng nữa, quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT sẽ có hiệu lực. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các bệnh viện.
Bệnh nhân điều trị bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
Do đó, các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới phương thức quản lý để thu hút bệnh nhân và đề phòng tình trạng quá tải.
* Thông tuyến tỉnh toàn quốc
Sau 5 năm thực hiện thông tuyến BHYT tuyến huyện, từ ngày 1-1-2021, quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng (có quy định cụ thể) cho người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
Ví dụ, người dân có thẻ BHYT nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nhưng đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hoặc bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, có chỉ định điều trị nội trú sẽ được thanh toán BHYT như khi điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, điều này tạo rất nhiều thuận lợi cho người có thẻ BHYT. Người bệnh sẽ không cần phải có giấy chuyển viện mà vẫn được khám, chữa bệnh, được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tương đương trên phạm vi toàn quốc. Ngoài việc bệnh nhân chủ động đi khám, chữa bệnh, những trường hợp bệnh nhân ở địa phương này không may phải đi cấp cứu khi đang ở địa phương khác cũng được quỹ BHYT chi trả với mức hưởng theo quy định.
Cụ thể, hiện nay, những trường hợp đi khám, chữa bệnh trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Nhưng từ năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước sẽ được BHYT chi trả 100% đối với những trường hợp sau: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, người dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%.
* Chủ động triển khai
Tại cuộc họp do Bộ Y tế tổ chức nhằm chuẩn bị triển khai thông tuyến tỉnh BHYT điều trị nội trú mới đây, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) dự báo, các bệnh viện tuyến tỉnh có khả năng phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. Điều này cũng sẽ gây áp lực lên quỹ BHYT vì khi đó chi phí điều trị tăng.
Để hạn chế tình trạng quá tải, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, các bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh, nếu kê thêm giường bệnh phải đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, phải có giải pháp tránh tình trạng bệnh nhân ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên bệnh viện tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT.
Do đó, bên cạnh việc các bệnh viện tuyến tỉnh phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì các bệnh viện tuyến dưới cũng cần phải tự nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để “giữ chân” bệnh nhân. Đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không ồ ạt đổ lên các bệnh viện tuyến trên khi mà các bệnh viện tuyến dưới vẫn triển khai được các kỹ thuật đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất TS-BS Phạm Văn Dũng chia sẻ, bệnh viện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện. Từ việc nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, chờ đợi thanh toán, chờ đợi lấy thuốc cho bệnh nhân đến triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng điều trị nội trú, ngoại trú cho người bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho rằng, việc thông tuyến tỉnh BHYT điều trị nội trú là xu thế tất yếu. Khi đó, bệnh viện nào có chất lượng tốt sẽ được người dân lựa chọn và ngược lại. Nhiệm vụ của các bệnh viện là phải tự đổi mới, nâng cao giá trị thương hiệu để bệnh nhân tin tưởng, lựa chọn.
“Sang năm 2021, bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động khu khám chữa bệnh theo yêu cầu với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Qua đó sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Việc bố trí các khoa phòng, nhân lực, giường bệnh cũng đã được bệnh viện bố trí, sắp xếp khoa học nhằm đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất” - TS-BS Phạm Văn Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, điều khiến lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lo lắng là khi thông tuyến tỉnh, lượng bệnh nhân sẽ đông hơn. Khi đó, chi phí điều trị sẽ gia tăng và ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn quỹ BHYT mà bệnh viện được giao. Do vậy, lãnh đạo bệnh viện mong muốn năm 2021, các cơ quan chức năng sẽ có tính toán để việc giao dự toán BHYT cho các bệnh viện phù hợp hơn, sát với tình hình hoạt động thực tế của bệnh viện. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi chính đáng của bệnh nhân tham gia BHYT và đời sống của nhân viên y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh sớm xây dựng, trình ban hành quy định về cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; quy định số lượng giường bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; quy định về quy trình khám, chữa bệnh trên tuyến tỉnh. Trên cơ sở này, các sở y tế sẽ quyết định số lượng giường bệnh nội trú của từng cơ sở trên địa bàn. |
Hạnh Dung