Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên giảm tải chương trình cho học sinh lớp 12

10:03, 23/03/2020

Dịch bệnh Covid-19 đang gây ảnh hưởng đến chương trình học của học sinh. Bộ GD-ĐT đang tính đến phương án giảm tải chương trình cho học sinh, trong đó có ưu tiên cho học sinh khối 12...

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chương trình học của học sinh các cấp, nhất là với học sinh khối 12 chuẩn bị thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, đã bị ảnh hưởng. Bộ GD-ĐT đang tính đến phương án giảm tải chương trình cho học sinh, trong đó có ưu tiên cho học sinh khối 12.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chụp ảnh bài tập đã làm gửi cho giáo viên bộ môn qua Zalo.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chụp ảnh bài tập đã làm gửi cho giáo viên bộ môn qua Zalo.

Việc lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 kết hợp với giảm tải chương trình để thích ứng với tình hình học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19 đã góp phần làm giảm đi những lo lắng cho học sinh đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của năm học.

* Chờ giảm tải chương trình

Những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia thường diễn ra vào đầu tháng 6, nhưng năm nay do tình hình dịch Covid-19, học sinh phải tạm nghỉ học nên Bộ GD-ĐT đã phải 2 lần điều chỉnh lại hàng loạt mốc quan trọng của năm học. Cụ thể, thời gian kết thúc năm học thay vì cuối tháng 5 đã phải chuyển sang cuối tháng 6 rồi lại điều chỉnh đến giữa tháng 7. Lịch thi THPT quốc gia dự kiến vào đầu tháng 6 cũng đã điều chỉnh sang tháng 7 và lịch mới hiện nay là từ ngày 8 đến 11-8.

Em Nguyễn Thị Kim Yến, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho hay: “Phải nghỉ học trong thời gian dài do dịch Covid-19, sắp tới chúng em được chuyển qua học chương trình chính khóa trên truyền hình, nhưng em vẫn khá lo lắng vì khả năng tiếp thu sẽ không được như học trực tiếp với thầy cô trên lớp. Bên cạnh đó, chúng em cũng không được ôn tập thêm kiến thức ở nhà thầy cô. Điều này ảnh hưởng đến khả năng luyện thêm các bài tập nâng cao, bởi đây là phần giúp học sinh có điểm cao trong bài để xét tuyển đại học”.

Trong khi đó, Nguyễn Tuyết Mai, học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Em chưa cảm thấy an tâm ngay cả khi Bộ GD-ĐT thông báo sẽ giảm tải chương trình lớp 12, vì vậy trong suốt thời gian qua em đã tập trung ôn tập củng cố kiến thức cũ. Em lo ngại khi qua dịch Covid-19, chúng em được đi học trở lại thì khối lượng kiến thức lớn, áp lực học tập cũng vì thế mà tăng theo”.      

Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành Từ Ngọc Long cho biết, sắp tới nhà trường có 418 học sinh khối 12 tham gia thi THPT quốc gia. Dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên nhà trường đã chủ động ưu tiên cho học sinh khối 12 nhiều hình thức học như: học trực tuyến qua hệ thống E-learning, phân công giáo viên phụ trách từng nhóm học sinh, định hướng các em ôn tập. Sắp tới khi học chính khóa chương trình lớp 12 qua truyền hình, nhà trường sẽ đôn đốc học sinh theo dõi 100%, đồng thời giáo viên sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc của các em, giao thêm bài tập để ôn luyện.

* Cần thống nhất cách làm

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thuộc Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ đang theo dõi và đánh giá các tác động của việc học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch bệnh để từ đó có phương án điều chỉnh kế hoạch năm học 2019-2020 cho phù hợp đối với các bậc học. Bộ sẽ đặc biệt lưu ý đến việc rà soát và điều chỉnh theo hướng tinh giản nội dung chương trình đối với học sinh lớp 12 chuẩn bị thi THPT quốc gia. Việc tinh giản sẽ tiến hành bài bản, khoa học nhưng đảm bảo kiến thức để học sinh vận dụng vào thực tiễn và vượt qua kỳ thi THPT quốc gia lẫn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Vẫn lúng túng cách dạy và học trực tuyến

Theo không ít giáo viên một số trường phổ thông, lần đầu tiên học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh, phải ôn tập theo nhiều hình thức như học trực tuyến, học qua truyền hình nhưng thực tế là có trường làm được trường không. Để thống nhất giữa các trường, Bộ GD-ĐT cần ban hành hướng dẫn cụ thể việc dạy và học trực tuyến qua internet và truyền hình trong kế hoạch dạy học, xây dựng giáo án đến kiểm tra đánh giá học sinh.

Trước tình hình này, một số ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT nên xem xét bỏ kỳ THPT quốc gia năm nay, thay vào đó là xét tốt nghiệp, hoặc vẫn tổ chức thi nhưng sẽ giảm số môn thi.

Tuy nhiên, trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương mới đây, đại diện Bộ GD-ĐT đã khẳng định chắc chắn sẽ không có chuyện vì dịch bệnh mà hủy kỳ thi THPT quốc gia hay giảm số môn thi, vì việc hủy kỳ thi quan trọng này không chỉ ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng dạy và học thực tế mà còn ảnh hướng đến công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng năm 2020.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, trong tháng 3 này Bộ sẽ hoàn thành và công bố phương án giảm tải chương trình, trong đó có chương trình lớp 12, để các trường triển khai áp dụng ngay khi học sinh đi học trở lại. Những nội dung dự kiến tinh giản sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá hay thi cử đối với học sinh.

Bộ cũng tính toán tinh giản theo hướng tích hợp những nội dung giao thoa giữa các môn học như Khoa học - công nghệ, Lịch sử - Địa lý thành những tiết học chủ đề khác nhau để có thể rút ngắn chuơng trình nhưng vẫn đảm bảo kiến thức cho học sinh. Đối với nội dung vận dụng nâng cao sẽ được tinh giản, đảm bảo cho học sinh hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15-7.

Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Giáo dục trung học thuộc Sở GD-ĐT cho hay, trong khi chờ Bộ GD-ĐT công bố nội dung giảm tải chương trình mới cho các cấp học, từ ngày 23-3 Sở phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai chính thức triển khai dạy học chương trình chính khóa học kỳ 2 đối với lớp 12 trên truyền hình. Sẽ có 8 môn được dạy trên truyền hình gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Bình quân mỗi ngày các em được học 6 tiết. Đây cũng là 8 môn học sẽ có trong các môn thi và bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.       

Công Nghĩa

Tin xem nhiều