Báo Đồng Nai điện tử
En

Loãng xương - bệnh nguy hiểm ở người cao tuổi

09:02, 13/02/2020

Loãng xương là bệnh khá phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh tiến triển âm thầm nên người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dẫn đến không phát hiện sớm bệnh để phòng tránh và điều trị kịp thời.

Loãng xương là bệnh khá phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh tiến triển âm thầm nên người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dẫn đến không phát hiện sớm bệnh để phòng tránh và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Trần Viết Hợi, Trưởng khoa Nội Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai tư vấn về các nguyên nhân, dấu hiệu bệnh loãng xương cho một bệnh nhân Ảnh: Sao Mai
Bác sĩ Trần Viết Hợi, Trưởng khoa Nội Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai tư vấn về các nguyên nhân, dấu hiệu bệnh loãng xương cho một bệnh nhân. Ảnh: Sao Mai

* Dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác

Cách đây không lâu, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân là cụ ông N.V.B. (83 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) bị gãy xẹp đốt sống do loãng xương gây nên. Trường hợp của bệnh nhân B. phải phẫu thuật bơm xi măng sinh học để cho đốt sống vững chắc, mặt khác phải điều trị đồng thời bệnh loãng xương.

Người nhà của cụ B. cho biết, cụ B. bị đau nhức vùng lưng đã mấy tháng nay, cứ nghĩ là bệnh đau nhức xương khớp người già nên tự mua thuốc chống đau nhức về uống. Không may trong lúc đi lại bị trượt té, dẫn đến đau dữ dội vùng thắt lưng cột sống và không thể vận động được nên gia đình đưa cụ B. vào bệnh viện khám mới biết cụ bị gãy xẹp 1 đốt sống do loãng xương gây nên.

Theo bác sĩ Trần Viết Hợi, Trưởng khoa Nội Bệnh Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, trường hợp của cụ B. không phải hiếm gặp. Ước tính trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 500 trường hợp loãng xương, trong đó có nhiều bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương gây nên.

Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa làm giảm các chất khoáng trong xương, khiến sức chịu đựng của xương giảm dần, làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu, vì các triệu chứng thường gặp của bệnh loãng xương là đau nhức xương ở vùng cổ, vai và lưng, dấu hiệu này rất giống một số bệnh lý khác như: thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống… do đó người bệnh rất dễ nhầm lẫn. Thực tế cho thấy, bệnh nhân đến bệnh viện khám loãng xương hay đo mật độ xương không nhiều, chủ yếu là khám các bệnh lý nội khoa khác và kèm theo đau nhức xương khớp thì mới phát hiện ra bệnh.

“Với những người cao tuổi khi đến khám, nếu có kèm theo đau nhức xương khớp hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ của loãng xương, chúng tôi sẽ tư vấn và khuyên bệnh nhân đo mật độ xương. Vì triệu chứng của bệnh không rầm rộ và không đặc hiệu nên rất dễ bị bỏ sót bệnh. Do đó, đo mật độ xương là cách nhanh nhất và chính xác nhất để phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác một người nào đó có bị loãng xương hay không” - bác sĩ Hợi nói.

* Biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa bệnh

Theo bác sĩ Hợi, các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến loãng xương chủ yếu là phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Ngoài ra, khi người bệnh có một số bệnh lý khác như: suy thận, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp (cường giáp) hay khi lạm dụng thuốc steroid điều trị chống giảm đau xương khớp cũng làm tăng nguy cơ loãng xương. Bệnh nhân nào có nhiều yếu tố thì nguy cơ bị loãng xương và gãy xương càng cao.

Khi có một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương, người bệnh nên chú ý và cần đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và đo mật độ xương, bởi biến chứng của loãng xương rất nguy hiểm. Với người cao tuổi nếu bị loãng xương khi té ngã rất dễ bị gãy xương, khi đó người bệnh sẽ phải điều trị kết hợp vừa gãy xương vừa điều trị loãng xương. Khi bị gãy xương thường lâu lành và gây ra một số bệnh khác về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh. Nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tàn tật, giảm khả năng vận động, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và thậm chí là tử vong.

“Để phòng ngừa bệnh, người bệnh cần thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt. Đó là tập luyện thể dục thể thao, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi. Hạn chế và tránh những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh và khi người bệnh cao tuổi có một trong những yếu tố nguy cơ trên nên đến các cơ sở y tế khám để được đo mật độ xương. Ngoài ra, đối với những người khác khi có những va chạm như: trượt, té ngã nhẹ mà gãy xương thì cần đi khám và kiểm tra xem có bị loãng xương hay không. Việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu rất có ý nghĩa để phòng bệnh loãng xương và ngăn ngừa gãy xương. Khi đã bị gãy xương do loãng xương thì càng hết sức thận trọng không để gãy xương tái phát” - bác sĩ Hợi khuyến cáo.

Sao Mai

Tin xem nhiều