Báo Đồng Nai điện tử
En

Trao quyền nhưng không dễ… quyết

11:02, 24/02/2020

Từ năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT cả nước sẽ chính thức bắt tay triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1. Lần đầu tiên chương trình lớp 1 sẽ áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), đồng thời cũng là lần đầu giáo viên được trao quyền lựa chọn sách.

Từ năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT cả nước sẽ chính thức bắt tay triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1. Lần đầu tiên chương trình lớp 1 sẽ áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), đồng thời cũng là lần đầu giáo viên được trao quyền lựa chọn sách.

GS.Nguyễn Minh Thuyết (thứ 2 từ phải qua), Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới trong một buổi nói chuyện, giới thiệu chương trình mới với giáo viên tại Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa
GS.Nguyễn Minh Thuyết (thứ 2 từ phải qua), Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới trong một buổi nói chuyện, giới thiệu chương trình mới với giáo viên tại Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa

Theo ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên nhiều trường tiểu học, việc lần đầu tiên được trao quyền lựa chọn SGK là điều đáng mừng, cho thấy vai trò của giáo viên được đề cao hơn. Tuy nhiên, việc phải đưa ra quyết định lựa chọn một trong 5 bộ sách áp dụng cho 1 chương trình thực sự là điều không mấy dễ dàng.

* Lựa chọn thế nào?  

Theo Thông tư 01/2020/BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, các trường tiểu học sẽ thành lập hội đồng lựa chọn sách với đầy đủ các thành phần bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, ban đại diện cha mẹ học sinh. Việc lựa chọn sách sẽ được tiến hành thông qua hình thức bỏ phiếu kín của các thành viên trong hội đồng và tuân thủ chặt chẽ theo các bước đã quy định.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành: Lắng nghe ý kiến cộng đồng giáo viên trong lựa chọn sách

Việc lựa chọn sách đã được Bộ GD-ĐT tính toán kỹ, các trường không nhất thiết phải chọn tất cả các môn trong 1 bộ sách, các tỉnh không nhất thiết phải chọn 1 bộ sách áp dụng trong toàn tỉnh. Các tỉnh chỉ cần nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chí để các trường bám theo đó thực hiện lựa chọn. Quá trình triển khai phải công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến của cộng đồng giáo viên để việc lựa chọn đảm bảo kết quả như mong muốn.

Để việc lựa chọn SGK được thuận lợi, số lượng thành viên của hội đồng sẽ là số lẻ, phải có tối thiểu 11 người, ít nhất 2/3 thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Những cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô nhỏ, dưới 10 lớp học thì số lượng thành viên tham gia hội đồng phải có tối thiểu là 7 người. Trong quy định thành lập hội đồng lựa chọn SGK cũng ghi rõ, người đã tham gia biên soạn SGK, thẩm định SGK do các nhà xuất bản tổ chức, hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK sẽ không được tham gia hội đồng.

Công việc của hội đồng lựa chọn SGK là nghiên cứu và lựa chọn một trong 5 bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt áp dụng cho học sinh lớp 1 của trường mình từ năm học 2020-2021. Trong 5 bộ sách này có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục (thuộc Bộ GD-ĐT) gồm 24 cuốn, bộ sách còn lại do các nhà xuất bản của Trường đại học sư phạm Hà Nội và Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh hợp tác với Công ty đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam biên soạn xuất bản gồm 8 cuốn. Việc lựa chọn sách sẽ phải hoàn thành sớm và công khai ít nhất 4 tháng trước khi khai giảng năm học mới 2020-2021.

Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn rõ việc lựa chọn sách thông qua việc lấy phiếu kín của các thành viên trong hội đồng. Cụ thể, sách được hội đồng chọn phải đảm bảo 1/2 số thành viên trong hội đồng bỏ phiếu đồng ý chọn. Nếu không đủ 1/2 số thành viên bỏ phiếu đồng ý chọn sẽ họp phân tích, bỏ phiếu lựa chọn lại lần 2. Nếu vẫn không đủ 1/2 thành viên bỏ phiếu đồng ý chọn, sẽ quyết định sách được lựa chọn là sách do tổ chuyên môn chọn với tỷ lệ phiếu cao nhất. Danh mục chọn SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông được niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 4 tháng.

* Còn băn khoăn khi chọn sách

Theo cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp đứng lớp một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, muốn chọn một bộ SGK đảm bảo các tiêu chí dạy và học phù hợp thì cần phải có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng. Thậm chí giáo viên mong muốn có đủ thời gian nghiên cứu so sánh từng bộ sách, sau đó xây dựng bài giảng mẫu, thực nghiệm bài giảng mẫu trên lớp để quan sát sự phản ứng của học sinh, có như vậy giáo viên mới rút ra được ưu và nhược điểm của từng cuốn sách trong mỗi bộ sách để lựa chọn. Được nghiên cứu và thực nghiệm kỹ, SGK khi áp dụng sẽ hạn chế được những băn khoăn, lúng túng ngay trong nội bộ giáo viên và cả phụ huynh.

Mô hình hội đồng chọn sách giáo khoa
Mô hình hội đồng chọn sách giáo khoa

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho rằng: “Chương trình khung giáo dục phổ thông mới mà giáo viên đã được tập huấn rất cụ thể và thực tế, giáo viên mong sớm được áp dụng chương trình này. Tuy nhiên, việc chọn bộ SGK nào sát và phù hợp với chương trình mới rất quan trọng, do đó giáo viên cần có đủ thời gian để nắm bắt, nghiên cứu từng nội dung của các bộ sách, còn nếu chỉ được đọc “lướt” rồi bỏ phiếu chọn một cách cảm tính thì sẽ thiếu trách nhiệm với học sinh”.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phong B (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Tuấn cho biết, thực tế việc đưa ra quyết định lựa chọn bộ sách nào trong số 5 bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt đang là một khó khăn đối với các trường vì đây là công việc mới, lần đần tiên các trường và giáo viên được trao quyền thực hiện. Hơn nữa, trong 5 bộ SGK chỉ có bộ sách Cánh diều là đến được tay giáo viên từ tháng 1, trong khi đó 4 bộ SGK còn lại mãi đến ngày 17-2 vừa qua giáo viên mới được tiếp cận. Giá của mỗi bộ SGK là bao nhiều tiền đến nay vẫn chưa có.

Từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng 1 chương trình có nhiều bộ SGK. 5 bộ SGK lớp 1 đầu tiên sẽ được sử dụng đối với học sinh lớp 1 trong năm học tới gồm có: Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cánh diều.

Việc có nhiều bộ SGK cho một chương trình lớp 1 đang làm cho cả giáo viên lẫn phụ huynh cảm thấy bối rối. Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc Vũ Thị Lan cho rằng: “Khi có nhiều bộ sách thì phải có chung 1 tiêu chí lựa chọn cho 1 tỉnh, làm sao trong quá trình lựa chọn và sử dụng sách được dễ dàng, thống nhất”. Trong khi đó, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Lưu Thị Hằng băn khoăn: “Nếu chọn sách theo kiểu TP.Biên Hòa  chọn bộ này, huyện Trảng Bom lại chọn bộ khác, khi học sinh 2 địa phương chuyển trường đến các cơ sở giáo dục của nhau thì liệu có gặp khó khăn gì không? Thậm chí, 2 trường ở một địa bàn nhưng lại sử dụng 2 bộ sách khác nhau cũng có thể gây ra những băn khoăn cho phụ huynh và học sinh”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết: “Hiện nay Sở GD-ĐT đang khẩn trương lấy thêm ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên các trường để xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh. Dự kiến đến ngày 15-3, việc lấy ý kiến sẽ kết thúc và hoàn thiện tiêu chí lựa chọn. Quá trình lấy ý kiến, Sở rất mong nhận được nhiều đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm để việc lựa chọn sách đạt kết quả như mong muốn là sát hợp với thực tế, thuận lợi cho cả giáo viên lẫn học sinh trong quá trình dạy và học”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều