Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa tình xóm trọ

10:01, 03/01/2020

Xa quê lập nghiệp, tuy thiếu thốn tình cảm nhưng nhiều công nhân vẫn cảm thấy ấm áp bởi sự quan tâm, động viên của đồng nghiệp và các chủ nhà trọ.

Xa quê lập nghiệp, tuy thiếu thốn tình cảm nhưng nhiều công nhân vẫn cảm thấy ấm áp bởi sự quan tâm, động viên của đồng nghiệp và các chủ nhà trọ.

Công nhân quan tâm, hỏi thăm nhau tại phòng trọ thuộc KP.1, phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai
Công nhân quan tâm, hỏi thăm nhau tại phòng trọ thuộc KP.1, phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai

“Trong đợt bị đau ruột thừa gần đây, nếu không có các anh chị cùng dãy trọ chở đi bệnh viện khám và mổ kịp thời, tôi không biết mình sẽ ra sao nữa. Lúc ốm đau mới cảm nhận được giá trị, tình cảm chân thành của mọi người giúp tôi vượt qua khó khăn, yên tâm hơn với cuộc sống xa quê” - chị Trần Thị Hạnh, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ.

* Giúp đỡ nhau lúc khó khăn

Xóm trọ của chị Hạnh ở ấp 3, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) có 16 phòng với 38 công nhân tập trung từ mọi miền về đây sinh sống. Theo chị Hạnh, mỗi lao động xa quê đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng khi cần trợ giúp, họ sẵn sàng động viên cả về tinh thần lẫn vật chất mà không hề tính toán thiệt hơn. Từ việc giúp đón con khi tăng ca, chăm sóc người cùng phòng bị bệnh đến giúp nhau về kinh tế. Như trường hợp của chị, dù bị đau ruột thừa lúc nửa đêm nhưng khi công nhân cùng dãy trọ biết, người lấy xe, người lấy đồ chở chị đến bệnh viện.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Long Bình (TP.Biên Hòa), hiểu được hoàn cảnh của nhiều công nhân, các chủ nhà trọ đã tạo mọi điều kiện để giúp đỡ họ bằng nhiều cách khác nhau. Nhờ đó, đời sống người lao động dần ổn định hơn. Nhiều chủ nhà trọ đã trở thành điểm tựa, địa chỉ tin cậy của lao động xa quê.

Tại xóm trọ của nữ công nhân Đào Thu Thảo ở KP.1, phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) có đến 40 lao động làm nhiều ngành nghề sinh sống nhưng chưa khi nào thấy ai lớn tiếng với nhau. Xóm trọ có bầu trưởng, phó xóm trọ đứng ra quản lý, nắm bắt đời sống, giữ an ninh trật tự nên cuộc sống của mọi người rất bình yên. Chỉ cần một lao động khó khăn, tất cả thành viên trong xóm trọ đều tự nguyện quyên góp tùy tâm để giúp đỡ ngay. 

“Xóm trọ có cả lao động tự do và lao động làm việc tại doanh nghiệp, cách sống, giọng nói các vùng miền khác nhau nhưng đều yêu thương, xem nhau như gia đình. Nhờ vậy, chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp, vững lòng hơn giữa cuộc sống đầy khó khăn, vất vả và không có người thân bên cạnh” - chị Thảo cho hay.

Ông Mai Diền, chủ nhà trọ này cho hay, nhiều công nhân đã gắn bó với khu nhà trọ của ông cả chục năm nay, đa số đều có gia đình, đời sống, việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt, họ đều có ý thức trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau và cùng bảo ban giữ gìn vệ sinh, môi trường và xây dựng gia đình văn hóa. Với sự đoàn kết của công nhân, nhiều năm nay, khu nhà trọ của ông luôn đạt danh hiệu khu nhà trọ văn hóa.

* Quan tâm bằng những hành động nhỏ

Chị Mai Thị Nến, công nhân Công ty cổ phần B.U.I Furniture (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khi có món gì ngon hay ai về quê đều mang đặc sản quê lên làm quà, cùng nhau nấu nướng trong ngày cuối tuần hoặc tổ chức sinh nhật cho nhau”.

Xóm trọ của chị Nến có gần 200 công nhân, đa số còn rất trẻ. Ngoài hỗ trợ, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, làm việc tốt, họ còn vun vén hạnh phúc cho nhau. Những ngày lễ, ngày Tết, ngày cuối tuần, những lao động không có điều kiện về quê lại quây quần bên nhau, cùng liên hoan theo kiểu “ai có gì góp nấy” để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Ông Lê Duy Chính, chủ nhà trọ của chị Nến cho biết, mặc dù khu nhà trọ của ông có đông công nhân sinh sống nhưng họ rất quan tâm đến nhau. Khi có lao động cưới vợ hoặc chồng tại khuôn viên nhà trọ, không ai bảo ai, mọi người cùng bắt tay sửa sang, dọn dẹp vệ sinh dãy trọ sạch sẽ, trang trí lại phòng trọ cho các đôi uyên ương. Một số công nhân còn góp tiền lại cho đồng nghiệp vay tiền, cưới hỏi xong đến tháng lương mới trả. Trước tình cảm của công nhân dành cho nhau, gia đình ông rất cảm động và sẵn sàng đứng ra thuê âm thanh, bàn ghế, rạp cưới để các cặp đôi có được ngày cưới trọn vẹn. Riêng năm 2019, ông Chính đã tổ chức đám cưới cho 4 cặp công nhân.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, chủ nhà trọ tại ấp 2, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho hay, lao động xa quê, thiếu thốn nhiều thứ nhưng sống rất nghĩa tình. Vì vậy, hằng năm, những lao động có hoàn cảnh khó khăn và bị bệnh, ông đều hỗ trợ tiền, quà, đồng thời nhận luôn nhiệm vụ trông trẻ cho công nhân tăng ca. Dịp lễ, tết, ông dành những phần quà là nhu yếu phẩm tặng cho lao động không về quê đón Tết, tổ chức nấu bánh chưng, tất niên, lì xì đầu năm…

Lan Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích