Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên mong sớm được tiếp cận sách giáo khoa

03:01, 03/01/2020

Theo lộ trình, trước 3-2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiệu trưởng các trường tiểu học và giáo viên trực tiếp giảng dạy vẫn chưa thấy diện mạo của một cuốn SGK mới nào.

Theo lộ trình, trước tháng 3-2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiệu trưởng các trường tiểu học và giáo viên trực tiếp giảng dạy vẫn chưa thấy diện mạo của một cuốn SGK mới nào.

Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT trao sách giáo khoa lớp 1 mới cho đại diện Phòng GD-ĐT huyện Long Thành
Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT trao sách giáo khoa lớp 1 mới cho đại diện Phòng GD-ĐT huyện Long Thành. Ảnh: H.Yến

 

[links()]Mong muốn lớn nhất hiện nay của giáo viên là được tiếp cận với SGK lớp 1 mới càng sớm càng tốt.

* “Nóng lòng” chờ sách

Sách thân thiện, gần gũi với trẻ

Chưa có nhiều thời gian để đi sâu vào nội dung của các bộ sách, tuy nhiên những người đã được tiếp cận với 5 bộ sách này đều có phản hồi tích cực về hình thức trình bày của sách. Theo đó, cả 5 bộ SGK này đều có hình thức đẹp, sử dụng nhiều hình ảnh thân thiện, gần gũi với trẻ em.

 

Cô Trần Ngọc Thủy Tiên, giáo viên Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) là một trong những giáo viên cốt cán được tham gia chương trình tập huấn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Sau đợt tập huấn, bản thân cô rất hy vọng những điểm tiến bộ của chương trình GDPT mới so với chương trình hiện hành như: kiến thức đảm bảo tính liên thông giữa 3 cấp học; chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; giáo viên được trao quyền nhiều hơn… sẽ sớm thành hiện thực. Song hiện tại, cô vẫn chưa được nhìn tận mắt, sờ tận tay bộ SGK mới, trong khi đó những thông tin về việc chọn SGK liên tục được đăng tải trên phương tiện truyền thông càng làm cho cô thêm “sốt ruột”.

Ngày 22-11, Bộ GD-ĐT công bố 32 cuốn SGK lớp 1 được lựa chọn cho chương trình GDPT mới. Đến ngày 17-12, bộ SGK lớp 1 có tên Cánh diều được “trình làng”, chính thức “chốt” con số  5 bộ SGK lớp 1 được lựa chọn vào chương trình giảng dạy từ năm học 2020-2021. Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra lộ trình chọn SGK. Theo đó, trước tháng 3-2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các trường tiểu học ở Đồng Nai vẫn chưa được tiếp cận với 5 bộ sách này. Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn là dự thảo và đang chờ đóng góp ý kiến.

Cô Thủy Tiên cho rằng, điều quan trọng hiện nay là mỗi trường tiểu học phải có cả 5 bộ SGK để cho giáo viên tham khảo. “Trong các cuộc họp chuyên môn của tổ khối, chúng tôi sẽ dành thời gian để thảo luận về các SGK mới. Chẳng hạn, trong tuần chúng tôi sẽ lấy trong mỗi bộ sách 1 bài học để đưa ra bàn luận, so sánh. Như vậy mới có cơ sở để chọn lựa sách”.

* Tổ chức hội nghị giới thiệu sách

Tiêu chí lựa chọn sách 

Tiêu chí lựa chọn SGK bao gồm các nội dung chủ yếu sau: phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Giám đốc Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương.

Các trường có thể chọn nguyên 1 bộ sách của 1 nhóm tác giả; hoặc trong mỗi bộ sách lựa chọn ra những cuốn sách phù hợp để làm thành 1 bộ riêng cho trường. 

 

5 bộ SGK lớp 1 được đặt theo 5 tên gọi khác nhau. Trong đó, có đến 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục gồm: Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Cùng học để phát triển năng lực; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ sách còn lại có tên là Cánh diều do Nhà xuất bản Sư phạm TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội phối hợp thực hiện. Mỗi bộ sách gồm có 8 môn học: Tiếng Việt, Toán, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất.

Cho đến nay, Sở GD-ĐT Đồng Nai  đã được tiếp cận đầy đủ 5 bộ SGK nói trên và  phân chia về cho các phòng GD-ĐT nhưng mỗi nơi cũng chỉ nhận được 2 bộ sách (mỗi bộ gồm 4 bộ sách theo từng chủ đề nêu trên) của Nhà xuất bản Giáo dục và 1 bộ sách Cánh diều. Như vậy, sách vẫn chưa có đủ để có thể tới tay các giáo viên.

Để có cơ sở cho các địa phương lựa chọn SGK, hiện nay 2 nhà xuất bản đã tổ chức các buổi giới thiệu sách ở nhiều tỉnh, thành. Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Việc chọn SGK phải tiến hành theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Trước mắt, Sở sẽ tổ chức để các trường tiểu học tìm hiểu về 5 bộ SGK mới. Hôm nay 3-1, Sở cử đoàn công tác đi Bình Thuận tham gia buổi giới thiệu sách nhằm tìm hiểu để có sự chuẩn bị phù hợp ở Đồng Nai. Chúng tôi sẽ yêu cầu tác giả các bộ sách hạn chế “quảng cáo” sách mà phải đi vào nội dung, phân tích xem sách sẽ giúp ích cho công tác đổi mới giáo dục như thế nào”.

Được biết, ngày 6-1 và ngày  10-1, Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Sư phạm TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các buổi giới thiệu sách tại Đồng Nai. Hơn 300 hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh được mời tham dự sự kiện này.

* 2/3 thành viên hội đồng chọn sách là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng lựa chọn SGK, do người đứng đầu cơ sở làm chủ tịch. Các thành viên hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

5 bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ được các trường cân nhắc, lựa chọn
5 bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ được các trường cân nhắc, lựa chọn

 

Như vậy, trong trường tiểu học, hiệu trưởng sẽ là chủ tịch hội đồng lựa chọn sách và đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh là 1 thành viên. Hiện nay, có nhiều ý kiến không đồng tình về quy định này. Bởi lẽ, nếu không có kiến thức chuyên môn, không hiểu về nghiệp vụ sư phạm, thậm chí là kinh nghiệm giảng dạy thực tế thì phụ huynh không thể đưa ra được sự lựa chọn phù hợp.

Anh Lê Vinh Quang, phụ huynh có con học ở Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) nêu quan điểm: “Tôi nghĩ việc chọn SGK cần có chuyên môn. Vì vậy, thành viên hội đồng chọn sách, chỉ cần tổ chuyên môn và giáo viên là đủ. Nhiều thành phần quá sẽ gây loãng và có thể có những ý kiến ko đúng chuyên môn”.

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc mỗi trường học được quyền chọn riêng một bộ sách. Cô Nguyễn Thị Ánh Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Mây (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho rằng: “Nếu có SGK để tham khảo, tìm hiểu thì sau 1 tháng nhà trường có thể đưa ra lựa chọn nhưng theo tôi thì nên chọn theo quy mô cấp huyện, tỉnh”.

Chị Bùi Thị Nhung (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng đồng tình rằng trong cùng một phạm vi khu vực, các trường nên thống nhất lựa chọn 1 bộ SGK, không nên mỗi trường mỗi kiểu.            

Ngày 15-2 công bố giá SGK

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản và các sở GD-ĐT về việc cung cấp thông tin phục vụ việc lựa chọn SGK lớp 1 theo chương trình GDPT mới.

Theo đó, Bộ GT-ĐT đề nghị các nhà xuất bản có SGK lớp 1 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt phải có hình thức phù hợp để cung cấp SGK đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin về SGK nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, đầy đủ cho từng môn học.

Phương án triển khai cần được thực hiện khẩn trương, báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-1. Đồng thời, các nhà xuất bản cần khẩn trương thực hiện các thủ tục, kịp thời công bố giá của mỗi cuốn SGK lớp 1 để các cơ sở giáo dục phổ thông, các địa phương có thông tin đầy đủ khi tổ chức lựa chọn sách. Việc công bố giá SGK lớp 1 phải được hoàn thành trước ngày 15-2.

 

Hải Yến


 

Ông Trần Ngọc Trác, chuyên viên phụ trách tiểu học Phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc:

 

Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng cho giáo viên

Thực ra, theo quan điểm của chương trình GDPT mới thì sắp tới đây, giáo viên dạy học phải có các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn học/hoạt động giáo dục chứ không phải lệ thuộc hoàn toàn vào nội dung của bài học ở SGK. Do đó, bên cạnh việc chọn lựa bộ sách thì một việc cũng rất quan trọng là cần hướng dẫn giáo viên nắm chắc các yêu cầu cần đạt của khung chương trình đã đặt ra. Vì vậy, cần phải huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chung và kỹ năng sư phạm cho giáo viên; giúp họ tập dần với việc soạn giảng mà không lệ thuộc vào SGK. Có như vậy thì chúng ta mới hy vọng một sự khác biệt so với các lần thay sách trước.

Thầy Cao Viết Dũng, giáo viên Trường tiểu học Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc):

Mong đợi “làn gió mới”

 

Theo tôi, chương trình GDPT mới về cơ bản là kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành và phát triển theo hướng mở hơn, lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát triển năng lực và phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Điều quan trọng là giáo viên phải nhận thức được tầm quan trọng và nắm được những đổi mới của chương trình GDPT mới. Từ đó, giáo viên sẽ có cái nhìn đúng để không ngại khó, không ngại thay đổi; tích cực áp dụng phương pháp dạy học mới, tư duy mới, cách làm mới khoa học hơn…

Vấn đề muôn thuở của chúng ta là mỗi khi có sự thay đổi là lại “kêu ca”. Nếu ai cũng ngại khó, ngại khổ, không chịu thay đổi thì rất khó để phát triển.

Cá nhân tôi đã được tham gia đợt tập huấn của Bộ GD-ĐT. Theo tôi nhận thấy Bộ GD-ĐT đang có sự chuẩn bị kỹ, có sự đầu tư về chiều sâu. Mặc dù mới tiếp cận 1/8 module nhưng tôi đã nhận thấy được những sự chuyển biến tích cực và mong đợi một “làn gió mới” từ chương trình GDPT lần này. Tôi hy vọng đây sẽ là “làn gió mới” mát và lành.

Cô Đặng Thị Huyền, giáo viên Trường tiểu học Sông Mây (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu):

Phát huy vai trò, năng lực của giáo viên

 

Bản thân tôi nhận thấy nội dung chương trình GDPT mới có hướng mở cho giáo viên. Chẳng hạn, đối với môn Tiếng Việt, giáo viên có thể tự chọn một văn bản khác ngoài SGK để giảng dạy, miễn sao sự lựa chọn đó là phù hợp với điều kiện của địa phương.

Như vậy, giáo viên không nhất thiết dựa vào SGK. SGK chỉ là phương tiện truyền tải khung chương trình, là gợi mở để giáo viên thiết kế hoạt động học tập (theo hướng tăng cường cho học sinh làm việc). Điều đó cũng cho thấy, việc chọn bộ SGK nào không quan trọng bằng việc phát huy vai trò, năng lực của giáo viên.

Tôi mong Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên: cách soạn giáo án, phương pháp dạy học theo chương trình GDPT mới… Hiện nay, cán bộ cốt cán của trường mới chỉ tập huấn được 1/8 chương trình, còn giáo viên trực tiếp đứng lớp thì hoàn toàn chưa được tập huấn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải tổ chức các lớp tập huấn càng sớm càng tốt.


 

 

 

Tin xem nhiều