Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp với dự án nuôi trồng đông trùng hạ thảo

11:12, 17/12/2019

Nhằm thực hiện ý tưởng sản xuất nông nghiệp đô thị, anh Đào Phan Thoại (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã quyết định khởi nghiệp với dự án Nuôi trồng đông trùng hạ thảo phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Nhằm thực hiện ý tưởng sản xuất nông nghiệp đô thị, anh Đào Phan Thoại (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã quyết định khởi nghiệp với dự án Nuôi trồng đông trùng hạ thảo phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm đông trùng hạ thảo tại lễ trao giải các phong trào, hội thi năm 2019. Ảnh: H.Yến
Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm đông trùng hạ thảo tại lễ trao giải các phong trào, hội thi năm 2019. Ảnh: H.Yến

Sau khi nuôi thành công bào tử nấm, anh chuyển giao giống cho các hộ gia đình nuôi trồng. Đến kỳ thu hoạch, những hộ gia đình này bán được khoảng 70% sản lượng nấm tươi. Số còn lại được anh Thoại thu mua để cung cấp cho thị trường với thương hiệu nấm đông trùng hạ thảo TibetViet.

* Sản phẩm phù hợp cho nông nghiệp đô thị

Từng là giảng viên chuyên ngành công nghệ sinh học của Trường đại học công nghệ Đồng Nai, anh Đào Phan Thoại có nhiều thuận lợi để nuôi trồng đông trùng hạ thảo phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm. Có ý định từ năm 2017 nhưng phải đến đầu năm 2019, sau khi thôi việc ở Trường đại học công nghệ Đồng Nai, anh Thoại mới chính thức bắt tay vào dự án khởi nghiệp này.

Quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo

Giống được nhập về từ Nhật Bản đang ở trạng thái nghỉ ngơi sẽ được kích hoạt sang trạng thái hoạt động thành giống sản xuất. Từ giống này sẽ nhân ra để cấy thành phôi. Khi phôi cao khoảng 1cm thì chuyển giao cho các điểm nuôi trồng. Toàn bộ quy trình từ ban đầu đến khi thu hoạch mất khoảng
2,5 tháng.

Phòng nuôi trồng đông trùng hạ thảo phải đảm bảo các yếu tố: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, âm thanh. Phải đảm bảo thực hiện tốt cả 5 tiêu chí này thì nấm mới phát triển tốt được.

 

Theo đó, anh nhập giống từ Nhật Bản về rồi xử lý kỹ thuật, ươm trồng trên giá thể đến khi phôi nấm mọc cao đạt từ 1cm thì chuyển giao cho các hộ dân nuôi nấm. “Phương án sản xuất này phù hợp với người khởi nghiệp có nguồn vốn ít như chúng tôi. Chúng tôi sẽ liên kết với các hộ dân nuôi trồng nấm để tạo thành một chuỗi khép kín, trong đó chúng tôi là đơn vị tư vấn kỹ thuật, thi công phòng nuôi trồng nấm, chuyển giao giống, giám sát quá trình nuôi và bao đầu ra cho sản phẩm” - anh Thoại chia sẻ.

Theo anh Thoại, việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo hoàn toàn phù hợp và khả thi với các hộ dân ở đô thị. Chỉ cần một căn phòng rộng chừng 10m2 được gắn các thiết bị: máy lạnh, máy tạo ẩm, kệ đựng hộp nấm là các hộ dân có thể khởi nghiệp được. Thậm chí, với những gia đình có điều kiện khó khăn hơn hoặc muốn làm quen với việc nuôi đông trùng hạ thảo thì có thể bắt đầu “tập tành” với một chiếc tủ làm mát có giá dưới 10 triệu đồng.

Hiện nay có 19 hộ gia đình tham gia chuỗi sản xuất đông trùng hạ thảo với TibetViet, trong đó 9 hộ nuôi nấm trong phòng, 10 hộ nuôi nấm trong tủ làm mát. Những hộ tham gia trong chuỗi liên kết này tiêu thụ được khoảng 70% sản lượng, 30% còn lại được nhập về cho TibetViet.

“Việc sản xuất đông trùng hạ thảo ứng dụng kỹ thuật liên quan đến công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, trong đó công nghệ sinh học tạo ra sợi nấm còn công nghệ thực phẩm sẽ chế biến sợi nấm thành sản phẩm khác. Tuy nhiên, hiện nay TibetViet mới dừng lại ở sản phẩm dạng sơ chế như: đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô, đông trùng hạ thảo ngâm rượu, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong. Hướng đi tiếp theo của chúng tôi là sẽ chế biến sâu, với các sản phẩm như: viên nhộng, viên nang, bột, trà… có thành phần chính là đông trùng hạ thảo” - anh Thoại cho biết.

* Lợi nhuận cao nhưng nhiều rủi ro

Những năm gần đây, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Vì thế, số người dấn thân vào lĩnh vực sản xuất này cũng ngày càng nhiều nhưng không phải ai cũng thành công. Theo anh Thoại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại như: người bán định vị giá trị sản phẩm quá cao khiến cho khách hàng khó tiếp cận; kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo phức tạp; nấm dễ bị thoái hóa, nhiễm mốc, nhiễm vi sinh vật gây hại… Nếu người nuôi trồng nấm thấy trước được khả năng nhiễm bệnh của nấm thì nên chủ động ngừng nuôi trồng một thời gian để vệ sinh phòng nuôi trồng sạch sẽ rồi mới tiến hành nuôi trồng lại.

Anh Đinh Bá Hách (phường Bình Thắng, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là một trong những hộ gia đình đã tham gia nuôi trồng đông trùng hạ thảo cùng với anh Thoại ngay từ đầu năm 2019. Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, anh Hách quyết định đầu tư một phòng nuôi trồng có diện tích 10m2 để có thể nuôi trồng tối đa 850 hộp đông trùng hạ thảo mỗi đợt. Tuy nhiên, do nguồn vốn ban đầu có hạn nên anh Hách chỉ nuôi trồng tối đa 500 hộp.

Cho nấm nghe nhạc

Anh Đinh Bá Hách chia sẻ, đông trùng hạ thảo là giống nửa cây, nửa con nên việc nuôi trồng khá phức tạp. Nếu phát hiện một hộp bị nhiễm khuẩn phải cách ly ngay nếu không chúng sẽ lây bệnh rất nhanh. Phòng nuôi phải được vô trùng, nhiệt độ phải duy trì liên tục ở mức 20OC, độ ẩm khoảng 85-90%. Ngoài ra, để cây nấm sinh trưởng, phát triển tốt, anh Hách còn thường xuyên cho nấm… nghe nhạc. Theo đó, anh thiết kế hệ thống âm thanh giống như trong một khu rừng (có tiếng nước chảy, chim hót, gió thổi…). Bằng cách đáp ứng các tiêu chí này, tỷ lệ cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt đạt gần 100%.

Để hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi trồng, anh Hách nhập loại giống đã tương đối lớn. “Nếu mua loại giống nhỏ (mới có bào tử) thì “nhẹ” vốn nhưng phải nuôi trồng lâu, tốn nhiều điện và công chăm sóc, cây nấm lại dễ nhiễm bệnh. Vì thế, tôi thường nhập loại giống đã lớn về nuôi trồng để nhanh được thu hoạch, tiết kiệm điện mà xác suất nhiễm khuẩn thấp hơn. Với cách làm như vậy, mỗi đợt thu hoạch tôi kiếm được khoảng 20 triệu đồng tiền lời” - anh Hách bộc bạch.

Để có được lượng khách hàng ổn định như hiện nay, thời gian đầu, anh Hách đã phải chi ra khoảng 100 triệu đồng làm sản phẩm tặng cho người thân quen dùng thử. Anh Hách vui vẻ kể: “Nấm linh chi và sâm có tiếng từ lâu, còn loại dược phẩm này ít người biết mà giá thành lại đắt nên chưa có nhiều khách hàng. Hai, ba lứa đầu tôi đem tặng người quen dùng thử nhưng không phải ai cũng nhiệt tình dùng. Với những người bị bệnh gút, bệnh tiểu đường, tôi nhờ họ đi xét nghiệm lượng đường và lượng uric trong máu trước khi dùng đông trùng hạ thảo. Sau khi dùng khoảng 2, 3 hộp nhờ họ đi xét nghiệm lại. Lúc này, họ thấy các chỉ số đường và uric đều giảm nên mới yên tâm để dùng tiếp. Cũng nhờ cách làm này mà hiện nay tôi đã có được lượng khách ổn định”.

Ngoài khách hàng quen, hiện nay anh Hách đã được một công ty dược phẩm đặt hàng đông trùng hạ thảo với số lượng lớn. Tuy nhiên, để cung cấp được sản phẩm thì anh Hách còn phải đầu tư thêm nhiều.

Cùng đầu tư nuôi trồng đông trùng hạ thảo từ đầu năm 2019 nhưng anh Nguyễn Văn Phú (phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) lại chọn hướng đi an toàn hơn. Ban đầu, anh tận dụng chiếc tủ mát có sẵn của gia đình để nuôi trồng thử. Đến đợt thu hoạch thứ 2 thấy khả quan, anh mua tiếp một chiếc tủ mát mới với giá 6 triệu đồng. Với 2 chiếc tủ này, tối đa mỗi đợt anh nuôi trồng được khoảng 100 hộp đông trùng hạ thảo, thu lời hơn 5 triệu đồng. Anh Phú dự định khi tích lũy tốt về kinh nghiệm sẽ mở rộng nuôi trồng đông trùng hạ thảo trong phòng kín.    

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích