Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Y tế

11:11, 15/11/2019

Chiều 15-11, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Hòa Hiệp đã chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan...

Chiều 15-11, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Hòa Hiệp đã chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của ngành Y tế Đồng Nai.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hạnh Dung
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hạnh Dung

* Giao dự toán BHYT chưa phù hợp

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,6 ngàn cơ sở y tế công lập, ngoài công lập. Trong đó có 222 cơ sở tham gia khám chữa bệnh BHYT. Tổng số bác sĩ là hơn 2,4 ngàn bác sĩ, đạt tỷ lệ 8,15 bác sĩ/vạn dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT giảm là rất đáng quan tâm. Do đó, BHXH tỉnh và ngành Y tế cần nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ, thu hút người dân tham gia BHYT, tránh tình trạng số người tham gia năm sau thấp hơn năm trước.

Về công tác khám chữa bệnh BHYT, trong 9 tháng của năm 2019, có hơn 2,7 triệu lượt người tham gia khám chữa bệnh BHYT với tổng kinh phí hơn 1,4 ngàn tỷ đồng (chiếm 95% dự toán được giao năm 2019). Cơ quan bảo hiểm đã thanh toán cho các cơ sở y tế hơn 808 tỷ đồng, từ chối thanh toán hơn 17,9 tỷ đồng, chưa đồng ý thanh toán hơn 289 tỷ đồng. Dự ước cả năm nay sẽ vượt dự toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT khoảng 393,2 tỷ đồng. Việc Chính phủ giao dự toán BHYT năm sau thấp hơn năm trước, chưa đồng ý thanh toán số tiền BHYT lớn khiến các bệnh viện gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động, thiếu kinh phí trả lương bác sĩ, mua sắm vật tư y tế...

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, việc cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xuất toán BHYT ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý làm việc của đội ngũ bác sĩ. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện, và việc người dân không mấy mặn mà tham gia BHYT là điều khó tránh khỏi.

Cũng bị áp lực về vấn đề xuất toán BHYT nhưng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai còn có nhiều vấn đề cấp bách hơn. Đó là thiếu đội ngũ bác sĩ, nhất là bác sĩ lành nghề, có chứng chỉ hành nghề; điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, thu nhập thấp khiến không ít bác sĩ, điều dưỡng bỏ việc.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh sớm đầu tư xây dựng mới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của bệnh nhi trong và ngoài tỉnh. Đồng thời có cơ chế, chính sách để nâng cao thu nhập cho bác sĩ, giữ chân bác sĩ ở lại với bệnh viện.

* Thực hiện nghiêm các quy định về khám, chữa bệnh BHYT

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, những khó khăn hiện nay của ngành Y tế là tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở nhiều huyện còn thấp, thiếu bác sĩ ở một số chuyên khoa; một số bác sĩ thuộc đối tượng thu hút sau khi nhận chính sách thu hút, hỗ trợ của tỉnh đã bỏ việc không chịu đền bù như cam kết; mức thu hút bác sĩ về một số huyện chưa đủ mạnh để thu hút bác sĩ; các cơ sở y tế công lập trả lương cho bác sĩ còn thấp khiến nhiều bác sĩ bỏ việc ra cơ sở y tế ngoài công lập làm việc…

Lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị Chính phủ, UBND tỉnh giao dự toán quỹ BHYT hằng năm phù hợp với thực tế. HĐND tỉnh, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp; đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút, hỗ trợ cho bác sĩ làm việc trong khối y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện, ở các huyện xa trung tâm.

Đặc biệt, ngành Y tế kiến nghị tỉnh cho phép các cơ sở y tế công lập được sử dụng một phần cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức khám chữa bệnh dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện thu nhập, thu hút và giữ chân bác sĩ. Đồng thời kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam có sự thống nhất trong việc triển khai các hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT, thanh toán chi phí vượt dự toán cho các đơn vị để các đơn vị có kinh phí hoạt động trong quý IV-2019. Riêng BHXH tỉnh, Sở Y tế đề nghị chi tạm ứng hằng quý cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Liên quan đến vấn đề đào tạo bác sĩ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, hiện nay tỉnh đã ngưng chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ. Do đó, để tăng số lượng bác sĩ cho các cơ sở y tế chỉ có thực hiện thu hút và đào tạo tại chỗ. Tỉnh đã có chủ trương đề nghị sáp nhập Trường cao đẳng y tế Đồng Nai vào Trường đại học Đồng Nai để mở mã ngành Y, đào tạo bác sĩ cho tỉnh. Tỉnh cũng đang xin ý kiến của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

 Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực của ngành Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân thời gian qua. Đồng thời đề nghị ngành Y tế trước tiên cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tự chủ tài chính bệnh viện, khám chữa bệnh BHYT.

Về vấn đề thu hút bác sĩ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế xem xét sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 43, Quyết định 4690 về thu hút bác sĩ để có chính sách điều chỉnh cho phù hợp về đối tượng thu hút, địa bàn, ngành nghề cần thu hút, điều kiện để giữ chân, ràng buộc bác sĩ.

Xung quanh việc khám chữa bệnh BHYT, dự toán chi hằng năm chưa hợp lý gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các cơ sở y tế dẫn đến các cơ sở y tế nợ các nhà cung cấp vật tư, có những cơ sở mới hết tháng 9 đã sử dụng hết số dự toán BHYT được giao, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị BHXH Đồng Nai báo cáo nội dung này để BHXH Việt Nam tháo gỡ tình trạng cấp dự toán quỹ BHYT chưa hợp lý cho các cơ sở y tế.

Về công tác tự chủ tài chính bệnh viện, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính đánh giá lại 3 năm thực hiện tự chủ xem được, chưa được gì, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa thu hút bác sĩ khó khăn để quyết định cho tự chủ từng phần, phù hợp với điều kiện hiện tại của các đơn vị, đảm bảo tính khả thi cao, tránh tình trạng mất kiểm soát tự chủ bệnh viện.

Về cơ sở vật chất của ngành Y tế, các bệnh viện nào có cơ sở xuống cấp đề nghị lãnh đạo Sở Y tế đề xuất Sở Kế hoạch - đầu tư để đi kiểm định và quyết định đầu tư. Vấn đề thiết bị cũng cần đánh giá xem cần mua mới những thiết bị nào cho phù hợp.

Về kiến nghị cho sử dụng thiết bị công để làm dịch vụ của các cơ sở y tế, đối với các đơn vị đã tự chủ toàn phần thì có toàn quyền quyết định; với các đơn vị tự chủ chi thường xuyên hoặc một phần thì không thể lấy thiết bị công để khám dịch vụ được. Sở Y tế cần rà soát lại để kiến nghị chính sách phù hợp.

Về kiến nghị của các cơ sở y tế sử dụng cơ sở công lập để đầu tư làm dịch vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các đơn vị nghiên cứu, cân nhắc kỹ để thực hiện cho đúng. Lãnh đạo tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, xem xét để đề xuất thực hiện tự chủ tài chính bệnh viện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đồng ý với đề xuất sẽ đầu tư đồng bộ cho Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhi trong tỉnh.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều