Báo Đồng Nai điện tử
En

Lương sư hưng quốc

09:11, 15/11/2019

Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm là ngày các thế hệ học trò nhớ về để biết ơn, tri ân thầy cô đã dìu dắt, nâng đỡ thành danh, thành tài.

Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm là ngày các thế hệ học trò nhớ về để biết ơn, tri ân thầy cô đã dìu dắt, nâng đỡ thành danh, thành tài. Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội coi trọng và đề cao. Thời xưa, người thầy được xếp sau vua: “Quân - Sư - Phụ”. Thời nay, nghề giáo được tôn vinh là nghề cao quý trong các nghề cao quý, là kỹ sư tâm hồn…

Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt ngàn năm văn hiến, trọng đạo học luôn sâu đậm, lấp lánh và sáng trong. Ngày nay, ngày 20-11 để vinh danh nhà giáo và ngành Giáo dục cho thấy xã hội luôn đặt vị thế người thầy lên hàng đầu. Người thầy phải hội đủ 3 yếu tố: tâm - tài - đức. Chính vì vậy, những người làm nghề dạy học phải luôn soi mình, luôn đề cao đạo đức để làm tròn trọng trách mà xã hội tin tưởng giao cho.

Người thầy với niềm say mê nghề trồng người đã đến với bảng đen, phấn trắng không hề có chút toan tính thiệt hơn, không mong có cuộc sống giàu sang mà là sự thanh bạch, thanh cao. Hình ảnh người thầy luôn tỏa sáng bởi hơn một triệu thầy cô giáo cả nước đang đứng trên bục giảng phải có lòng say nghề, sự hy sinh mới còn gắn bó với nghề. Họ vẫn đang âm thầm, lặng lẽ đưa đò dù ở vùng sâu, miền núi hay hải đảo xa xôi để được cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Tài sản quý giá nhất của người thầy là những thế hệ học trò nối tiếp nhau thành đạt, thành danh, là sự biết ơn.

Xã hội đòi hỏi cao ở người thầy, phụ huynh luôn đặt người thầy trước sức ép nặng nề về chất lượng giáo dục phải cao, học sinh phải được dạy dỗ một cách tốt nhất. Vậy thì thầy cô giáo cũng đòi hỏi sự ghi nhận từ phía phụ huynh và xã hội. Giáo viên không đòi hỏi lương cao bằng ngành này, nghề khác. Hãy nhìn nhận một cách khách quan về lương bổng của thầy cô giáo hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống chưa? Thầy cô giáo chỉ kỳ vọng một ngày nào đó rất gần được trả lương tương xứng với công sức, thời gian bỏ ra, với sự cống hiến để sống được bằng nghề tay phải, không phải vất vả, bon chen kiếm sống bằng đủ nghề tay trái. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay với vô vàn áp lực đến với giáo viên. Đó là những áp lực công việc, từ nhà trường, những áp lực phía sau bục giảng từ phụ huynh cũng cần được gỡ bỏ. Khi đó, thầy cô mới mong có thời gian để tâm huyết, toàn tâm, toàn ý với trường lớp, học trò, trang giáo án.

“Lương sư hưng quốc” - thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh. Nâng cao vị thế người thầy trong thời đại công nghiệp 4.0 là một đòi hỏi chính đáng và vô cùng cần thiết. Có lương sư mới mong hưng quốc.

Đào Khởi

Tin xem nhiều