Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Vĩnh Cửu đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt rét

09:04, 07/04/2019

Năm 2018, Vĩnh Cửu là huyện có số ca mắc bệnh sốt rét cao nhất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, toàn huyện đã ghi nhận 35 ca mắc bệnh sốt rét, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung chủ yếu ở các xã Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm. 100% các xã có trường hợp mắc có ký sinh trùng thuộc vùng sốt rét lưu hành.

Năm 2018, Vĩnh Cửu là huyện có số ca mắc bệnh sốt rét cao nhất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, toàn huyện đã ghi nhận 35 ca mắc bệnh sốt rét, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung chủ yếu ở các xã Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm. 100% các xã có trường hợp mắc có ký sinh trùng thuộc vùng sốt rét lưu hành.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc bùng phát dịch sốt rét trong thời gian qua là do thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng đến sự sinh sản, phát triển của muỗi truyền bệnh, cộng thêm biến động về dân cư, đa phần những hộ dân ở nơi khác đến làm ăn sinh sống đều chưa có các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét hữu hiệu. Chính vì vậy các ca bệnh sốt rét thường tập trung ở những nhóm người này, ngoài ra một số hộ dân vẫn chủ quan khi đi rừng, ngủ rẫy không mang theo võng, màn tẩm hóa chất để sử dụng.

Nắm bắt được tình hình phức tạp về địa hình cũng như các nguyên nhân gây nên dịch bệnh sốt rét ở địa phương, trong năm qua Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu đã tập trung tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét như: phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tổ chức phun hóa chất phòng chống bệnh sốt rét cho 3.337 hộ dân và 19 trạm kiểm lâm trên địa bàn huyện. Cấp hơn 12,5 ngàn màn tẩm hóa chất cho người dân và các trạm kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; phối hợp với các trạm y tế xã tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh sốt rét trên các phương tiện thông tin đại chúng như: loa, đài phát thanh xã, truyền thông bằng xe lưu động, phân phát tờ rơi… để người dân hiểu về nguy cơ và tác hại khi mắc bệnh sốt rét nhằm có các biện pháp phòng chống; thực hiện giám sát côn trùng định kỳ để phát hiện sự biến động về mật độ véc tơ truyền bệnh sốt rét... Trung tâm đã triển khai 6 điểm kiểm soát sốt rét được đặt tại cửa rừng thuộc 3 xã: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý nhằm quản lý và lấy máu làm xét nghiệm đối với người đi rừng, ngủ rẫy.

Điều dưỡng Hoàng Thị Vũ, Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Hiện nay một số người dân còn chủ quan với các dịch bệnh, vì vậy chúng tôi luôn chú trọng công tác truyền thông, đặc biệt đối với bệnh sốt rét, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao như người đi rừng, ngủ rẫy… để họ thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Để đẩy lùi được căn bệnh sốt rét rất cần sự hợp tác của người dân, đòi hỏi mỗi người dân phải tự ý thức làm tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại; đi rừng ngủ rẫy phải mắc màn; khi có biểu hiện của bệnh sốt rét phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị”.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay bệnh sốt rét ở Vĩnh Cửu đang từng bước giảm dần. Số người mắc bệnh sốt rét 6 tháng cuối năm 2018 đã giảm hơn 80% so với 6 tháng đầu năm; trong 3 tháng đầu năm 2019 chưa ghi nhận ca bệnh rốt rét nào. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.  

T.T

Tin xem nhiều