Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn bạo lực học đường

03:04, 06/04/2019

Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước vừa qua khiến dư luận bất bình, hoang mang và lo lắng. Bạo lực học đường không chỉ thể hiện việc một bộ phận học sinh có hành vi lệch chuẩn...

Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua khiến dư luận bất bình, hoang mang và lo lắng. Bạo lực học đường không chỉ thể hiện việc một bộ phận học sinh đang có hành vi lệch chuẩn, môi trường giáo dục tiềm ẩn bất ổn mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong phối hợp giáo dục đạo đức cho học sinh.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) tham gia hội trại rèn luyện kỹ năng bản lĩnh tuổi học trò. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) tham gia hội trại rèn luyện kỹ năng bản lĩnh tuổi học trò. Ảnh: C.Nghĩa

[links()]Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết: “Đồng Nai là tỉnh có số lượng học sinh rất đông với trên 700 ngàn em, trên 800 cơ sở giáo dục, do đó việc quản lý học sinh để không xảy ra bạo lực học đường là nhiệm vụ rất nặng nề”.

* Còn đó những bài học

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Chúng tôi rất xem trọng việc xây dựng văn hóa trường học, coi đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện để giáo dục học sinh. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề án xây dựng văn hóa trong trường học và bắt đầu triển khai cho giai đoạn 2018-2023. Chúng tôi tin rằng với sự tăng cường trách nhiệm từ nhiều phía cùng chung tay với ngành Giáo dục, đặc biệt từ phía gia đình sẽ đẩy lùi được vấn nạn bạo lực học đường”.

Tại Trường THCS Võ Trường Toản (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) cách đây gần 3 năm từng xảy ra vụ 1 nữ sinh lớp 9 bị nhiều bạn trong trường đánh “hội đồng”. Clip đánh “hội đồng” học sinh này được quay và đưa lên mạng xã hội Facebook khiến dư luận khi đó bức xúc. Những học sinh tham gia đánh bạn đã bị kiểm điểm nghiêm khắc, còn hiệu trưởng nhà trường bị điều chuyển công tác. Gần 3 năm sau vụ việc đáng tiếc nói trên xảy ra, Ban giám hiệu Trường THCS Võ Trường Toản vẫn coi đây mà một bài học đắt giá trong việc quản lý giáo dục học sinh.

Tại một số trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa như: Quyết Thắng, Hùng Vương, Lê Quang Định thời gian qua cũng từng xảy ra việc một số học sinh vì mâu thuẫn dẫn đến xô xát, đánh nhau. Có vụ việc xảy ra trong trường học nhưng cũng có những vụ việc, địa điểm giải quyết mâu thuẫn học đường diễn ra ở ngoài trường học, phải nhờ sự vào cuộc của lực lượng công an để ngăn chặn.

Cô K.D., giáo viên Trường THCS Quảng Tiến (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) chia sẻ, đảm nhận vai trò chủ nhiệm lớp hiện nay luôn cảm thấy rất áp lực vì phải quán xuyến nhiều đầu việc, trong khi đó lứa tuổi 12-15 không ít em cá tính rất mạnh. Có những em chỉ cần xảy ra mâu thuẫn rất nhỏ đã có thể dẫn đến đánh chửi nhau, nếu giáo viên không phát hiện kịp thời và có biện pháp can ngăn, hòa giải. Cô K.D. dẫn ví dụ thường gặp: “Chỉ cần lớp trưởng “mách” cô giáo bạn này, bạn kia không thực hiện quy định của lớp, nếu cô giáo không tế nhị xử lý khéo là có thể xảy ra mâu thuẫn giữa các học sinh ngay khi ra chơi hoặc sau giờ tan lớp”.

Trong hơn 15 năm đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), thầy Trần Văn Lập cho hay đã từng giải quyết nhiều trường hợp học sinh đánh nhau trong lớp và sau giờ học. Lý do xảy ra mâu thuẫn, gây gổ đôi khi rất “lãng xẹt” nhưng cũng làm cho giáo viên phiền lòng và lần nào xảy ra sự việc giáo viên cũng phải có trách nhiệm báo về cho phụ huynh biết để có biện pháp giáo dục thêm. Thầy Lộc cho biết: “Nếu các em đánh nhau trong lớp hay trước cổng trường thì giáo viên còn biết mà can thiệp kịp thời, còn ở xa hơn vào những thời điểm bất khả kháng thì giáo viên cũng đành “bó tay” vì không ai có thể sâu sát học trò 24/24 giờ được”.

* Trách nhiệm từ nhiều phía

Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn Tâm lý học thần kinh Khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Tâm lý tuổi học trò diễn biến phức tạp, nhận thức chưa đủ chín chắn và rất dễ bị kích động. Đây chính là nguồn cơn dẫn đến bạo lực học đường và nhiều hệ lụy khác. Để giáo dục các em đòi hỏi sự sâu sát từ nhiều phía nhưng gia đình vẫn phải là nền tảng số 1”.

Cô Phạm Thị Kim Thanh, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.Biên Hòa cho rằng học sinh đánh nhau rồi tung clip lên mạng khiến không chỉ các em bị xử lý mà ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, thậm chí cả hội đồng giáo dục nhà trường cũng bị kỷ luật trách nhiệm. “Sẽ là quá sức nếu chúng ta đặt hết trách nhiệm giáo dục học sinh lên đôi vai của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm vì giáo viên cũng chỉ quản các em ở trường, sau giờ học phụ huynh cũng phải cộng đồng trách nhiệm quản lý, giáo dục con em” - cô Thanh chia sẻ.

ThS.Nguyễn Thị Hiền, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng yếu tố gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nên tính cách của học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Những học sinh lớn lên bằng đòn roi, hoặc mối quan hệ gia đình không chặt chẽ sẽ rất dễ bị kích động, dễ bị tổn thương trong các mối quan hệ sau này. Nhiều em khi xảy ra mâu thuẫn với bạn bè sẵn sàng sử dụng các hình thức bạo lực một cách hung hãn, lì lợm, thậm chí có những em tuy mới 14-15 tuổi nhưng tính cách đã rất lạnh lùng. Do đó, gia đình phải là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ nhỏ để các em có một tâm hồn trong sáng, hòa đồng, biết kiềm chế bản thân”.

Sau gia đình, vai trò của nhà trường và các đoàn thể trong trường học không kém phần quan trọng. Theo thông tư của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường học đều bắt buộc phải có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng trên thực tế việc triển khai thông tư này đến nay còn rất nhiều khó khăn.

Tại Đồng Nai, hiện 100% trường học đã thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường, tuy nhiên đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp đảm nhận công tác tham vấn lại chưa có. Để khắc phục tạm thời tình trạng này, Sở GD-ĐT đã thường xuyên mời các chuyên gia tâm lý đến các trường nói chuyện chuyên đề với nhiều nội dung, đặc biệt là tâm lý tuổi học trò, bạo lực học đường, tình bạn, tình yêu…

Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đội tỉnh cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp đẩy mạnh giáo dục đoàn viên, đội viên khối trường học trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cương quyết nói không với bạo lực học đường. Chúng tôi đã cùng với ngành Giáo dục thực hiện phong trào Học sinh 3 tốt với nội dung: học tập tốt, rèn luyện tốt và kỹ năng tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi còn triển khai các diễn đàn về bạo lực học đường, tình bạn, tình yêu… Tôi hy vọng thời gian tới phong trào tiếp tục lan tỏa để đẩy lùi bạo lực học đường ra khỏi lứa tuổi học trò vốn hồn nhiên, trong sáng”.

Công Nghĩa


Bà Phạm Thị Thoa (phụ huynh học sinh, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa): Luôn gần gũi con

Tôi có 2 con gái đang trong độ tuổi đi học,  một bé lớp 5, một bé lớp 11. Vừa qua khi theo dõi các clip về bạo lực học đường trên mạng, bản thân tôi rất bức xúc và vô cùng xót xa. Với trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ, hằng ngày tôi luôn dành thời gian để tâm sự với các con.

Tôi luôn dặn dò con dù có bất cứ mâu thuẫn nào với bạn bè cũng không được chửi bới, văng tục, đánh nhau với bạn. Nếu gặp vấn đề gì phải báo cáo ngay với thầy cô, tránh hành động bồng bột gây tổn thương cho cả bản thân và bạn bè.

 
Thầy Trần Văn Bé (giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Tân Phú, huyện Định Quán): Chú trọng giáo dục kỹ năng cho học sinh

Để tránh bạo lực học đường, trong mỗi tiết dạy tôi luôn nhắc nhở các em sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả, không nên lên Facebook để xúc phạm, kích bác nhau. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức sân khấu hóa, đưa những tình huống cho học sinh diễn để các em rút ra những bài học, kỹ năng để áp dụng thực tế, định hướng cho các em biết cách phòng tránh bạo lực, biết thể hiện mình đúng lúc, đúng nơi, đúng cách. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi cố gắng tạo được sự tin tưởng với học sinh để khi nào các em có tâm sự gì cũng có thể chia sẻ với tôi.

 

Em Nguyễn Ngọc Yến Nhi (lớp 11A4 Trường THPT Tam Hiệp, TP.Biên Hòa): Đừng để phải hối hận…

Có nhiều bạn vì muốn chứng tỏ bản thân mà đánh bạn, quay clip rồi đi khoe với bạn bè, em không đồng tình với điều đó. Có thể khi các bạn hành động, vì bồng bột không suy nghĩ đến hậu quả nhưng về sau này, khi các bạn đã trưởng thành, biết nhận thức đúng đắn, các bạn sẽ cảm thấy hối hận vì những lỗi lầm đã gây ra. Đó cũng là vết thương tinh thần không thể nào chữa lành đối với bạn bị đánh.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều