Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn khó phân luồng học sinh THCS

09:03, 25/03/2019

Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn đang là bài toán khó cho ngành giáo dục. Nguyên nhân chủ yếu là do phần đông phụ huynh vẫn muốn con mình đi đúng "lộ trình" sau khi tốt nghiệp THCS...

Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn đang là bài toán khó cho ngành giáo dục. Nguyên nhân chủ yếu là do phần đông phụ huynh vẫn muốn con mình đi đúng “lộ trình” là sau khi tốt nghiệp THCS sẽ tiếp tục học lên THPT và sau đó là vào đại học. Trong khi đó, vào học trường nghề trong khi tốt nghiệp THCS ít được lựa chọn dù có nhiều cơ hội việc làm.

Học sinh hoàn thành chương trình THCS theo học hệ trung cấp nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2
Học sinh hoàn thành chương trình THCS theo học hệ trung cấp nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch Sở GD-ĐT cho biết, trong 2 năm học gần đây (2016-2017 và 2017-2018), mỗi năm trung bình có 9.300 học sinh tốt nghiệp bậc THCS không xét tuyển vào các trường THPT mà chọn những hướng đi mới là bổ túc văn hóa, học nghề... Con số này chiếm khoảng 25-28% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm.

* Khó thay đổi tư duy

Chị Lâm Thị Dạ Thảo có con trai đang học lớp 9 Trường THCS Phước Thiền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) cho hay, sau khi con chị tốt nghiệp THCS chị muốn cho con thi tiếp vào lớp 10 của một trường công lập gần nhà, tương lai phải phấn đấu vào đại học hoặc thấp nhất cũng phải là cao đẳng chứ không chọn con đường học trung cấp nghề.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Theo đề án này, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đến năm 2025 là 40%.

Một trong những lý do khiến chị Thảo định hướng cho con mình như vậy là vì chị muốn con phải học hành cho bằng bạn bằng bè, nếu chọn đi học nghề e công việc sau này sẽ vất vả và lương có thể không cao bằng học đại học.

Chia sẻ về việc có nên cho con mình vừa học bổ túc văn hóa vừa học nghề sau khi tốt nghiệp THCS hay không, anh Võ Văn Thành (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) cho hay: “Tôi không muốn con mình vừa học bổ túc văn hóa vừa học nghề vì con tuổi còn nhỏ, học một lúc 2 chương trình sẽ không ổn, kiến thức cũng không sâu mà học nghề cũng không vững. Tôi vẫn muốn con phải thi đậu vào lớp 10 công lập, cùng lắm là trường tư thục. Sau khi có tấm bằng tốt nghiệp THPT lúc đó không đậu vào đại học thì đi học nghề sẽ ổn hơn”.

* Cân nhắc phù hợp

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, có nhiều nguyên nhân khiến phụ huynh chưa mặn mà lựa chọn cho con em mình vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa sau khi tốt nghiệp THCS.

H3. Học sinh Trường THCS Võ Trường Toàn (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học do Sở GD-ĐT tổ chức
Học sinh Trường THCS Võ Trường Toàn (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học do Sở GD-ĐT tổ chức

Mỗi gia đình ngày nay thường chỉ có 1-2 con, điều kiện kinh tế khá hơn trước nên phụ huynh ai cũng muốn con em mình học đến nơi đến chốn. Hơn nữa, hệ thống trường lớp bậc THPT cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập nên học sinh học hết lớp 9 không thi đậu vào lớp 10 công lập thì còn nhiều cơ hội học ở các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, tư duy bằng cấp vốn đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của phụ huynh nên càng khó để thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con vừa đi học bổ túc văn hóa vừa đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.

Nhiều phụ huynh cho rằng học nghề không có tương lai, do đó bằng mọi giá phải có được tấm bằng đại học. Tuy nhiên thực tế tỷ lệ học sinh trường nghề tốt nghiệp có việc làm ngay rất cao, thậm chí nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề không có đủ nguồn lao động các ngành kỹ thuật cung cấp cho doanh nghiệp.

ThS.Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (xã Long Phước, huyện Long Thành) cho rằng phụ huynh có con học hết bậc THCS nên cân nhắc định hướng kỹ lựa chọn học nghề sớm cho con. Việc cân nhắc dựa trên học lực của con mình xem có phù hợp để học tiếp lên THPT hay vừa học bổ túc văn hóa vừa học nghề để vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có một nghề trong tay. Kế đến nên cân nhắc điều kiện kinh tế gia đình, vì một học sinh tốt nghiệp THCS sẽ mất thêm ít nhất 3 năm học THPT và ít nhất 4 năm học đại học mới có thể đi xin việc làm, chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó vừa học bổ túc văn hóa vừa học nghề chỉ sau 2-3 năm là đã có thể đi làm kiếm tiền được ngay nhưng vẫn còn cơ hội học lên các bậc học cao hơn như cao đẳng hay đại học nếu muốn.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, thời gian qua Sở GD-ĐT đã lồng ghép các chương trình hướng nghiệp cho học sinh phổ thông từ khá sớm để các em có nhận thức sớm về nghề nghiệp cho tương lai của mình. Đồng Nai không đặt ra chỉ tiêu phân luồng học sinh THCS hằng năm mà theo định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT luôn chỉ đạo các trường THCS-THPT phải tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề tiếp cận và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Lựa chọn vừa học văn hóa vừa học nghề sẽ là hướng đi tốt khi nhà trường chủ động định hướng, phụ huynh đồng thuận trong nhận thức, trường nghề chứng minh được khả năng đào tạo và giải quyết được đầu ra.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều