Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bệnh thường gặp mùa tết

10:01, 28/01/2019

Trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc, chế độ ăn uống của người dân thường có sự xáo trộn cả về dinh dưỡng lẫn giờ giấc. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân nhập viện để điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng cao trong dịp này.

Trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc, chế độ ăn uống của người dân thường có sự xáo trộn cả về dinh dưỡng lẫn giờ giấc. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân nhập viện để điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng cao trong dịp này.

Một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa được điều trị tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất  Ảnh: H.DUNG
Một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa được điều trị tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Ảnh: H.DUNG

Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất về các bệnh thường gặp trong dịp tết và cách phòng tránh, chữa trị.

* Bệnh liên quan đến đường tiêu hóa

Hằng năm vào dịp tết, lượng bệnh nhân nhập viện điều trị ngộ độc thực phẩm tăng cao hơn so với ngày thường. Nguyên nhân do người dân ăn phải thức ăn không được bảo quản tốt nên bị nhiễm khuẩn. Vào dịp tết, người dân thường có thói quen dự trữ nhiều thức ăn trong tủ lạnh và để lâu ngày vừa khiến thức ăn mất chất lại có thể bị nhiễm khuẩn, nhất là khi để lẫn lộn giữa thức ăn sống và thức ăn chín.

Một số lưu ý khi chọn thực phẩm ngày tết

Nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng hoặc của những cơ sở có uy tín để giảm thiểu nguy cơ thực phẩm chứa chất độc hại. Khi mua nên đọc kỹ thành phần chứa trong thực phẩm, xem thực phẩm đó có chứa chất bảo quản, chất tạo màu, chất tẩy trắng, chất phụ gia nguy hiểm hay không. Đồng thời, hạn chế sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn, những thực phẩm có màu sắc không tự nhiên. Cần sơ chế thực phẩm tươi sống đúng cách để đảm bảo loại bỏ bớt những chất độc hại.

Ngoài ngộ độc thức ăn còn phải kể đến ngộ độc rượu. Bình thường người dân thường uống rượu ethanol (rượu làm bằng men tự nhiên). Còn loại rượu methanol (rượu dùng cồn công nghiệp rất độc hại) thì không được uống. Tuy nhiên, vì vấn đề lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất rượu đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng để pha chế nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc, độc hại thành rượu methanol để bán. Người uống phải loại rượu này nặng có thể dẫn đến tử vong vì chất methanol khi vào trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất độc. Ngoài ra, người bị ngộ độc rượu methanol còn có biểu hiện như: rối loạn hành vi, nôn ói, rối loạn thị giác... Còn với rượu ethanol nếu uống nhiều quá cũng gây ra ngộ độc vì nồng độ cồn vào trong máu nhiều, gây kích thích, nôn ói.

Những trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng phải điều trị kết hợp cả thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và bù dịch. Những trường hợp ngộ độc rượu, tùy vào mức độ sẽ được truyền dịch, vitamin, đường. Nếu bị ngộ độc rượu mức độ nặng dẫn đến mất tri giác, hôn mê thì bệnh nhân phải được điều trị ở khoa hồi sức tích cực để được thở máy, truyền dịch nhằm tăng chuyển hóa.

Bên cạnh nỗi lo về ngộ độc thực phẩm, chế độ, khẩu phần ăn ngày tết thay đổi cộng với việc sử dụng nhiều bia rượu cũng khiến nhiều người bị viêm loét dạ dày, nhất là nam giới có tiền căn bệnh viêm loét dạ dày sẽ có nguy cơ tái đi tái lại trong dịp tết. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu như: đau vùng thượng vị, ói, đầy bụng, ợ hơi. Qua nội soi, bác sĩ sẽ phát hiện được dạ dày bệnh nhân bị viêm sung huyết, loét, nặng nhất là biến chứng xuất huyết tiêu hóa như: ói ra máu, đi tiêu phân đen. Những trường hợp này phải điều trị tích cực, có khi phải truyền máu, tiêm cầm máu.

Bệnh lý dạ dày có nhiều nguyên nhân, ngoài lý do về chế độ ăn uống thì môi trường sống hiện tại có nhiều căng thẳng, mệt mỏi, áp lực cũng khiến nhiều người bị stress gây gia tăng các bệnh lý dạ dày. Vào những ngày tết, nhiều người có thói quen thức khuya để vui chơi giải trí cũng dễ làm bệnh dạ dày tăng cao.

Một bệnh khác cũng thường gặp trong dịp tết là viêm tụy cấp. Bệnh có nguy cơ cao đối với những người thường xuyên uống rượu, bia, đặc biệt là những người có tiền căn về viêm tụy, đến tết sử dụng rượu, bia nhiều càng làm cho nguy cơ mắc bệnh viêm tụy trở lại. Điều trị bệnh viêm tụy cấp tùy thuộc vào từng mức độ cụ thể. Nếu bệnh nhẹ thì điều trị trong vòng vài ngày, nếu nặng sẽ kéo dài đến 1-2 tuần và có nhiều trường hợp bệnh nặng rất nguy hiểm.

* Cần ăn uống điều độ

Ngoài 3 bệnh lý thường gặp trên còn có một số bệnh khác liên quan đến tiêu hóa như: đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu. Lý do vì ngày thường người dân ăn uống vừa phải, đúng bữa nhưng đến tết ăn nhiều hơn, ăn những thức ăn có nhiều đạm, mỡ như: thịt, bánh chưng, bánh tét, giò chả… mà ăn ít rau xanh, trái cây.

Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, ngày tết mọi người nên ăn uống điều độ, vừa phải, cố gắng ăn đúng bữa, cân đối giữa các loại thức ăn, đảm bảo ăn chín uống sôi. Thức ăn không nên để quá lâu trong tủ lạnh, nhiều nhất khoảng 1 tuần. Mặc dù vui nhưng không vì thế mà uống bia, rượu quá nhiều, cần phải biết lượng sức mình đến đâu để uống rượu, bia vừa phải, không quá chén gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm vui chung của mọi người.

Để thức ăn không bị nhiễm khuẩn, ngoài việc dọn dẹp tủ lạnh sạch sẽ thường xuyên, các bà nội trợ nên chú ý không để lẫn lộn thức ăn chín và thức ăn sống vào chung ngăn với nhau. Bởi thức ăn chín nếu còn vi khuẩn sẽ nhiễm sang thức ăn chín, đến khi lấy thức ăn chín ra ăn sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Những thức ăn chế biến sẵn, khô như: khô gà, khô bò, mứt, bánh kẹo nếu ăn nhiều cũng không tốt cho sức khỏe. Bởi những đồ ăn khô thường được tẩm nhiều gia vị, có thể gây kích ứng viêm dạ dày.

An Yên (ghi)

Tin xem nhiều