Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm đẹp cho mình và cho đời

09:12, 02/12/2018

Vừa thực hiện thao tác trên máy vi tính để chỉnh sửa hình ảnh cho khách hàng, anh Cao Văn Nghĩa vừa tâm sự: "Dù bị khuyết tật 2 chân nhưng nhờ có nghề nghiệp và gia đình mà cuộc đời mình vẫn tươi sáng".

Vừa thực hiện thao tác trên máy vi tính để chỉnh sửa hình ảnh theo nhu cầu của khách hàng, anh Cao Văn Nghĩa (29 tuổi, ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) vừa tâm sự: “Dù bị khuyết tật 2 chân nhưng nhờ có nghề nghiệp và gia đình mà cuộc đời mình vẫn tươi sáng”.

Anh Cao Văn Nghĩa (ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) hướng dẫn cho học viên cách chỉnh sửa ảnh. Ảnh: V.TRUYên
Anh Cao Văn Nghĩa (ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) hướng dẫn cho học viên cách chỉnh sửa ảnh. Ảnh: V.TRUYên

Nghề chỉnh sửa ảnh, dựng phim không chỉ giúp anh Nghĩa tự lập trong cuộc sống, xây dựng được gia đình nhỏ cho riêng mình và quan trọng hơn là anh đã tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho những người khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn bằng cách dạy nghề và tạo việc làm cho họ.

* Nỗ lực vươn lên

Cậu bé Cao Văn Nghĩa sinh ra cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng sau một cơn sốt kéo dài đã làm cậu bé vừa vài tháng tuổi mất đi chân phải, còn chân kia tuy vẫn được giữ lại nhưng rất yếu. Lớn lên, Nghĩa vui chơi, học tập, làm rẫy phụ giúp gia đình với một chân đi lò cò. “Lúc nào lò cò mệt quá thì mình dùng 2 tay chống đất thay chân để lết đi trên đường” - anh Nghĩa nhớ lại.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, cùng với sự gia tăng dân số thì số lượng người khuyết tật trong tỉnh cũng ngày càng tăng theo. Cụ thể, nếu năm 2011 số người khuyết tật trong tỉnh chỉ có trên 23,2 ngàn người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng thì ở thời điểm hiện tại con số này là trên 31 ngàn. Những trường hợp này đều được hưởng trợ cấp thường xuyên theo quy định.

Tuy thân thể khiếm khuyết, gia cảnh lại nghèo nhưng Nghĩa vẫn được gia đình tạo điều kiện hoàn thành chương trình học bậc THCS. Biết mình khó có cơ hội theo học các ngành nghề khác nên Nghĩa học sửa máy vi tính, học dựng phim, chỉnh sửa ảnh. Anh Nghĩa nói vui rằng do những công việc này không cần đến đôi chân mà cần bàn tay và khối óc nên phù hợp nhất với anh.

Sau gần 3 năm học nghề, Nghĩa cùng một người bạn hùn vốn mở tiệm từ tiền vay thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cha mẹ và vay mượn thêm. Một thời gian sau, anh Nghĩa tách ra làm riêng. Bằng sự kiên nhẫn, làm việc trách nhiệm nên sản phẩm là hình ảnh, phim do anh Nghĩa chỉnh sửa, dàn dựng được khách hàng thích và ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ anh làm đẹp cho những khoảnh khắc được ghi lại của mình.

 Anh Nghĩa cho biết: “Với mỗi bộ phim dàn dựng hoàn tất tôi được trả 500 ngàn đồng. Còn ảnh thì tiền công từ 5-6 ngàn đồng/tấm. Cao điểm có lúc tôi dựng 90 bộ phim/tháng, và từ 2 ngàn tấm ảnh trở lên. Do đó mà thu nhập cũng dần ổn định”.

Nhờ chăm chỉ lại biết tích cóp, năm 2011 anh Nghĩa đã tạo cho riêng mình một căn nhà mơ ước tại thị trấn Tân Phú. Từ ngày có nhà riêng và cuộc sống ổn định, anh Nghĩa nghĩ đến việc truyền nghề cho những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các học sinh bỏ học giữa chừng. Theo anh Nghĩa: “Hơn ai hết tôi hiểu nỗi khổ của những người không nghề nghiệp, hiểu được các em bỏ học giữa chừng dễ sa ngã nếu không được quan tâm từ xã hội. Vì vậy trong khả năng của mình, tôi cố gắng giúp đỡ những ai yếu thế”.

Anh Trần Minh Nghĩa (19 tuổi, ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) cho hay, cách đây 3 năm anh phải nghỉ học khi đang học lớp 10. Khi biết anh Nghĩa có dạy nghề tại nhà nên anh Trần Minh Nghĩa đã xin theo học. “ở đây  tôi vừa học vừa được làm nên lúc học việc cũng có tiền xài, khi ra nghề được tạo cho việc làm với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài tôi thì còn có 3 anh khác cũng được anh Nghĩa dạy nghề rồi tạo việc làm cho với thu nhập tương tự” - anh Trần Minh Nghĩa nói.

* Chuyện tình đẹp của thanh niên không chân

Trong khoảng thời gian làm nghề, chàng thanh niên Cao Văn Nghĩa có một mối tình với cô gái làm nghề trang điểm cô dâu ở cùng xã. Sau thời gian dài yêu thầm, anh Nghĩa mạnh dạn thổ lộ nhưng chưa được đáp lại ngay. “Lúc đó thấy ảnh khuyết tật nên mình cũng ngại, cũng lo sợ nên chưa dám đồng ý” - chị Trương Thị Hoài Phương, người yêu trong mộng và giờ là vợ của anh Nghĩa kể.

Với những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống, giúp đỡ những người xung quanh, vừa qua anh Cao Văn Nghĩa được Sở Lao động - thương binh và xã hội tuyên dương là một trong 60 người khuyết tật tiêu biểu, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Dù vậy, anh Nghĩa vẫn kiên trì theo đuổi người mình yêu và cuối cùng tình cảm chân thành của anh cũng được đáp lại. Nhưng lúc đó gia đình bạn gái lại phản đối quyết liệt vì lo con mình sẽ khổ. Nhưng khi thấy anh Nghĩa ham làm, tốt tính, tình cảm thật lòng nên dần dần gia đình chấp thuận cho 2 người cưới nhau.

Tưởng chừng cuộc sống sẽ không còn thử thách người thanh niên khuyết tật Cao Văn Nghĩa khi anh có việc làm ổn định, gia đình  đầm ấm nhưng vào năm 2015, trong một lần di chuyển bằng xe máy vợ chồng anh bị tai nạn giao thông cùng gãy chân trái. Vết thương nặng phải mổ sắp xương và mới đây là phẫu thuật tháo ốc vít, nẹp sắt đã làm chân trái của anh Cao Văn Nghĩa đã yếu sau đợt sốt bại liệt lúc nhỏ nay càng yếu hơn và không còn giúp anh di chuyển như trước đây được nữa.

Thế nhưng anh Cao Văn Nghĩa vẫn không bi quan, vì với anh có việc làm với thu nhập ổn định, được chơi đùa bên vợ cùng con trai là niềm hạnh phúc lớn. “Tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người cùng hoàn cảnh khuyết tật với mình. Vì thế tôi luôn cố gắng vui sống để người thân bớt lo và những người cùng làm việc với mình có cuộc sống ổn định” - anh Nghĩa chia sẻ.

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích