Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Chuẩn bị tốt hành trang cho người lao động

10:11, 14/11/2018

PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhấn mạnh rằng, ở những tỉnh công nghiệp phát triển như Đồng Nai tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng sâu sắc hơn so với tỉnh nông nghiệp, nhất là với những lao động phổ thông.

[links()]PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhấn mạnh rằng, ở những tỉnh công nghiệp phát triển như Đồng Nai tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng sâu sắc hơn so với tỉnh nông nghiệp, nhất là với những lao động phổ thông.

Học sinh Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) trong giờ thực hành với máy móc. ảnh: V.Truyên
Học sinh Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) trong giờ thực hành với máy móc. ảnh: V.Truyên

Do đó, người lao động cần nhận thức rõ các đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là kết nối số mọi lúc mọi nơi, trí tuệ nhân tạo được “nhập” vào robot tạo ra năng suất lao động cao gấp nhiều lần lao động phổ thông.

* Đổi mới đào tạo nghề

Trước khi về đầu quân cho Tập đoàn Vingroup với vai trò Phó tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam Võ Quang Huệ, người có hàng chục năm làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức khi được tỉnh mời đến dự gặp mặt kiều bào đã chia sẻ đồng thời đưa ra những khuyến cáo, tỉnh cần có một chiến lược đào tạo nghề bài bản chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không có sự chuẩn bị này thì rất nhiều hệ quả sẽ xảy ra, trong đó dễ thấy nhất là hàng ngàn công nhân bị đẩy ra khỏi nhà máy bởi những con robot sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho hay, việc kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu sự phối hợp. Sở dĩ các doanh nghiệp vẫn còn tuyển nhiều lao động phổ thông vì trả lương thấp. Nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế lao động có tay nghề hiện nay của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp chấp nhận tuyển lao động phổ thông để đào tạo lại.

Ông Huệ cũng cho rằng, điều đáng lo lắng nhất hiện nay là tỷ lệ lao động phổ thông không chỉ ở Đồng Nai mà cả nước quá cao. Do đó những lao động trẻ ngay từ bây giờ cần được đào tạo nghề bài bản, có kỹ năng làm việc tốt, nhất là trình độ ngoại ngữ.

TS.Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch hội đồng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) cho biết, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không có nhiều chỗ cho những lao động phổ thông không qua đào tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần này là dành cho những lao động có tay nghề. Do đó công nghệ đào tạo cho thị trường lao động cũng phải đạt đến trình độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

GS-TS.Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết, theo dự thảo dự án của Bộ Lao động - thương binh và xã hội về “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam sẽ tập trung giải quyết những vấn đề như: điều chỉnh cơ cấu và chất lượng nguồn lực lao động cho phù hợp với quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu trong các ngành then chốt. Với những thay đổi khó dự đoán, hệ thống đào tạo nghề cần được thiết kế một cách linh hoạt và theo hướng mở để không chỉ đáp ứng được các yêu cầu hiện tại của nền kinh tế mà còn trang bị cho nguồn lực lao động tương lai các kỹ năng cần thiết cho nền công nghiệp 4.0.

Ông Nishijima Daisuke, Giám đốc Công ty TNHH Nakano Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) trong dịp chia sẻ với sinh viên Đồng Nai mới đây đã dự báo, công nghệ của thế giới vào Việt Nam sẽ ngày càng hiện đại hơn, tự động hóa nhiều hơn, sử dụng ít lao động nhưng chất lượng lao động phải đạt cao, do đó không thể “tay không bắt giặc”. Vì thế Đồng Nai cần phải chăm lo đầu tư cho hệ thống các trường nghề, bao gồm cả đào tạo lại lao động cho các doanh nghiệp.

* Không thể chần chừ

GS-TS.Georg Spottl, Giám đốc Trung tâm chuyển giao Steinbeis In - noVER Đại học Bremen (Đức) cho rằng: “Khi tính cạnh tranh và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng giảm do nền công nghiệp 4.0 và lao động Việt Nam không còn đủ tính cạnh tranh về chi phí lao động thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chậm đổi mới. Do vậy, hơn lúc nào hết, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường”.

Đứng trước những bước phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, không thể đứng yên nhìn những tác động của cuộc cách mạng này với sự phát triển của tỉnh. Một trong những vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn các cấp và bản thân người lao động cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng cả về tâm lẫn thế cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho biết, vấn đề đồng hành với công nhân lao động nâng cao học vấn, trình độ, tay nghề, kỹ năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ đề rất “nóng” của Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ X và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2018-2023). Do đó, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ sớm xây dựng và triển khai “kịch bản” giúp công nhân lao động tại các doanh nghiệp có đủ nhận thức, kiến thức, tay nghề và kỹ năng hội nhập chung với tình hình mới. Cụ thể là tăng cường phối hợp giữa Công đoàn, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để đào tạo nghề cho công nhân lao động, tạo điều kiện cho công nhân có thời gian học tập nâng cao trình độ sau giờ làm.

Ý thức được tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với công việc của những lao động phổ thông, hơn 2 năm nay, công nhân Nguyễn Thanh Hương (Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã đi học nâng cao trình độ ngành quản trị kinh doanh, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. Chị Hương bộc bạch: “Tôi đi học để vừa có thêm kiến thức, trình độ, vừa rèn luyện thêm nhiều kỹ năng khác để không bị lạc hậu trong cuộc sống hiện đại. Nếu sau này công ty có đưa nhiều máy móc hiện đại vào sản xuất, tôi sẽ có kiến thức để sử dụng máy hoặc xin làm một công việc khác phù hợp với chuyên môn đang học”.

Ông Lương Ngọc Hồi, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Great Kingdom International Corporation Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1):

Công ty hiện đang có 2,2 ngàn công nhân lao động. Sắp tới đây khi chuyển cơ sở lên Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom), lãnh đạo công ty sẽ thực hiện việc thay đổi hệ thống máy móc và quy mô công ty chỉ còn khoảng 1,5 ngàn người lao động. Do vậy, với xu thế hiện nay, các doanh nghiệp sẽ đòi hỏi lao động có trình độ ngày càng cao.

Ở góc độ Công đoàn, chúng tôi sẽ cố gắng làm việc với chủ doanh nghiệp để tổ chức đào tạo lại cho người lao động ở một số khâu. Tuy nhiên điều này cũng rất khó khăn và không thể tổ chức đào tạo cho tất cả người lao động. Do vậy, bản thân người lao động phải tự ý thức, tự giác học tập nâng cao trình độ cho bản thân.

Công nhân Nguyễn Thị Kim Chung, Công ty TNHH Jiangsu Jingmeng Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa):

Khi doanh nghiệp đưa vào sử dụng hệ thống máy móc hiện đại thay thế cho con người, nhiều lao động, đặc biệt là lao động phổ thông không có tay nghề kỹ thuật rất lo lắng về vấn đề việc làm. Bản thân tôi cũng ý thức được điều đó nên thời gian qua đã cố gắng ngoài giờ làm về nhà tranh thủ học thêm tiếng Hoa, tiếng Anh để có thêm kiến thức. Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Công đoàn và doanh nghiệp, tạo điều kiện để chúng tôi được học tập, nâng cao trình độ, tay nghề và có những định hướng cụ thể về việc làm cho chúng tôi.         

Hạnh Dung (ghi)

C.Nghĩa - H.Dung - V.Truyên

Tin xem nhiều