Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao "giảm nhiệt" sốt xuất huyết tại Nhơn Trạch?

11:09, 06/09/2017

Trong 8 tháng nay, ngành y tế đã triển khai phun xịt hóa chất diện rộng tại Nhơn Trạch 5 lần, 4 lần tổ chức diệt lăng quăng. Thế nhưng, đến nay số ca bệnh sốt xuất huyết tại huyện Nhơn Trạch vẫn duy trì ở mức cao.

Trong vòng 8 tháng nay, ngành y tế đã triển khai phun xịt hóa chất diện rộng tại Nhơn Trạch 5 lần và 4 lần tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng. Thế nhưng, đến nay số ca bệnh sốt xuất huyết tại huyện Nhơn Trạch, nhất là 2 xã Hiệp Phước và Phước Thiền, vẫn duy trì ở mức cao.

TS.Nguyễn Vũ Thượng (giữa), Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, chỉ cho người dân vũng nước trên bạt che mưa có chứa lăng quăng tại xã Hiệp Phước. Ảnh: N.thư
TS.Nguyễn Vũ Thượng (giữa), Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, chỉ cho người dân vũng nước trên bạt che mưa có chứa lăng quăng tại xã Hiệp Phước. Ảnh: N.thư

Riêng tại xã Hiệp Phước, mật độ dân cư dày đặc. Toàn xã có hơn 40 ngàn dân, trong đó có 50% là người dân nhập cư. Nơi đây có khá nhiều khu nhà trọ xuống cấp, ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém. Nhiều nơi vẫn còn những vật chứa, như: máng cho gà uống nước, vũng nước đọng trên bạt phủ che mưa, các thùng hóa chất tận dụng để đựng rác không có nắp đậy…và người dân không nghĩ là có lăng quăng.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sốt xuất huyết ở Hiệp Phước tăng cao. Trong 8 tháng của năm 2017, xã Hiệp Phước có hơn 440 ca sốt xuất huyết, tăng 600%.

Trong 8 tháng của năm 2017, huyện Nhơn Trạch có hơn 900 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2016, chiếm tỷ lệ 25% ca sốt xuất huyết trên toàn tỉnh. Trong 3 tháng gần đây, toàn tỉnh có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết thì đã có đến 2 trường hợp ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).

Tại buổi làm việc với ngành y tế và huyện Nhơn Trạch vào ngày 5-9, TS.Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, đã đề nghị cần xem lại hiệu quả của các chiến dịch diệt lăng quăng.

TS.Nguyễn Vũ Thượng cho rằng, đối với phòng chống dịch sốt xuất huyết, phun hóa chất diệt muỗi không phải giải pháp duy nhất mà chỉ là giải pháp hạ hỏa, tạm thời, mà diệt lăng quăng mới là giải pháp hữu hiệu nhất. 

Ngành y tế và huyện Nhơn Trạch phải tăng cường nhân lực cho công tác diệt lăng quăng, vì nếu chỉ có 1 cộng tác viên y tế phụ trách hướng dẫn 100 hộ dân diệt lăng quăng thì hiệu quả sẽ không cao.

Cũng theo TS.Nguyễn Vũ Thượng, chỉ nên duy trì 1 cộng tác viên phụ trách khoảng 50 hộ để có thời gian trực tiếp hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng, chú ý tập huấn cụ thể cho các cộng tác viên y tế tìm vật có chứa nước trong nhà và xung quanh để hạn chế muỗi sinh sản, như: máng cho gà ăn, vỏ xe, thùng lau nhà, bình bông, chậu kiểng, dĩa lót chậu kiểng, bạt che mưa…

Đặc biệt, ngành y tế phải chú ý đến công tác giám sát chỉ số côn trùng, mật độ muỗi trên địa bàn, giám sát các biện pháp can thiệp như phun hóa chất diệt muỗi hay diệt lăng quăng có hiệu quả đến đâu. Nếu giám sát tốt mới tiên lượng chính xác sốt xuất huyết ở mức độ nào để có giải pháp can thiệp kịp thời.

Ngoài giám sát trong cộng đồng dân cư, phải quyết liệt, giám sát trực tiếp vào các khu công nghiệp. Trong đó chú ý giám sát lăng quăng, bọ gậy ở các nhà máy trong khu công nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp có đông công nhân bị sốt xuất huyết.

Nếu giải được bài toán sốt xuất huyết ở Nhơn Trạch thì sẽ giảm đáng kể số lượng người mắc sốt xuất huyết của toàn tỉnh. Do đó, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, chính quyền huyện Nhơn Trạch thì ý thức của người dân trong phòng chống dịch sốt xuất huyết rất quan trọng. Mỗi tuần, mỗi hộ gia đình cầnb dành 10-15 phút để dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh vật dụng chứa nước, lật úp các vật dụng có nước đọng để hạn chế muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều