Báo Đồng Nai điện tử
En

Chảy máu cam ở trẻ có nguy hiểm?

11:08, 07/08/2017

Chảy máu cam, hay còn gọi là chảy máu mũi, là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khiến không ít phụ huynh lo lắng về tình trạng sức khỏe của con mình. Vậy vì sao trẻ hay bị chảy máu cam? Khi nào chảy máu cam thực sự nguy hiểm đối với trẻ?

Chảy máu cam, hay còn gọi là chảy máu mũi, là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khiến không ít phụ huynh lo lắng về tình trạng sức khỏe của con mình. Vậy vì sao trẻ hay bị chảy máu cam? Khi nào chảy máu cam thực sự nguy hiểm đối với trẻ?

Bác sĩ Ngô Văn Phan, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhi. Ảnh: An An
Bác sĩ Ngô Văn Phan, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhi. Ảnh: An An

Theo bác sĩ Ngô Văn Phan, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bệnh chảy máu cam là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ nhỏ từ vài tháng tuổi đến 15 tuổi.

* Bệnh thường gặp ở trẻ

Đa số các trường hợp trẻ bị chảy máu cam đến khám bệnh tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, nguyên nhân thường gặp nhất là chảy máu điểm mạch kiusselbach, vùng có nhiều mạch máu, cách lỗ mũi 0,5 -1 cm, có niêm mạc mỏng, dễ chảy máu. Chảy máu điểm mạch kiusselbach lành tính, thường tái phát do viêm mũi họng, thời tiết khô, do trẻ ngoáy mũi, va chạm nhẹ... 

Trường hợp trẻ bị chảy máu cam trong thời gian ngắn với lượng máu ít khoảng 5-10 phút nếu cầm được máu thì không có gì đáng lo ngại. Phụ huynh có thể sơ cứu cầm máu cho trẻ bằng cách lấy tay đè một bên cánh mũi ở bên bị chảy máu cam; nếu chảy cả 2 bên thì lấy tay đè cả 2 bên cánh mũi. Đầu phải hơi cúi xuống để kiểm soát được lượng máu chảy ra ngoài nhiều hay ít để biết cách sơ cứu hoặc đi bệnh viện cấp cứu; cho bé thở bằng miệng trong 5-10 phút, nếu máu vẫn không cầm, lặp lại thao tác này.

Đối với những trường hợp chảy máu cam ít thì có thể do bệnh lý viêm nhiễm cho điều trị kèm theo kháng sinh và vitamin là khỏi. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ thường xuyên chảy máu cam, lượng máu nhiều, khó cầm thì bác sĩ chuyên khoa sẽ cho đốt điện, đốt hóa chất ở điểm mạch kiusselbach để cho mạch máu teo, giúp cầm máu nhanh hơn.

* Khi nào nguy hiểm?

Chảy máu cam còn có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên khi trẻ xuất hiện chảy máu cam nhiều lần phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc xử trí triệt để chảy máu mũi.

Trong trường hợp trẻ bị chảy máu cam nhiều lần với lượng máu nhiều, tái đi tái lại thì nên đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để tầm soát các bệnh về rối loạn đông máu; nội soi, chụp CT để sàng lọc các bệnh u vùng mũi, bệnh u xơ vùng mũi họng...

Nguy hiểm nhất là nguyên nhân chảy máu cam do u xơ vòm mũi họng. Một bệnh lý có thể gây tử vong và nhiều tai biến nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh u xơ vòm mũi họng chỉ xảy ra ở trẻ em, thường gặp ở trẻ 6-15 tuổi, phần lớn là bé trai. Triệu chứng ban đầu là chảy máu cam, tái phát nhiều lần, số lượng máu chảy ngày càng nhiều; trẻ có thêm nhiều triệu chứng khác như tắc mũi, ù tai.

Nếu không được điều trị, khối u sẽ phát triển ngày càng lớn khiến việc can thiệp phẫu thuật rất khó khăn, máu chảy nhiều dễ tử vong do không cầm được máu.  Tuy nhiên, những trường hợp chảy máu cam nhiều do có bệnh lý nặng như trên rất hiếm gặp ở trẻ.

Để phòng ngừa chảy máu cam tái đi tái lại, phụ huynh cần chú ý điều trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang cho trẻ; giải thích cho trẻ không nên ngoáy mũi vì bên cạnh việc gây chảy máu mũi, đây cũng là một nguyên nhân làm nhiễm khuẩn mũi.

Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý vệ sinh rửa vùng mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để làm sạch vùng mũi. Tuy nhiên phải nhẹ nhàng tránh làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhày bảo vệ và dễ bị tổn thương. Riêng trường hợp chảy máu nặng, chóng mặt, xỉu thì phải được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, tránh mất máu nhiều gây choáng.

An An (ghi)

Tin xem nhiều