Báo Đồng Nai điện tử
En

Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu ở trẻ

09:05, 08/05/2017

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết thời gian gần đây số ca bệnh nhiễm nhập viện do bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết thời gian gần đây số ca bệnh nhiễm nhập viện do bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Thời tiết chuyển mùa, không khí nóng ẩm tạo điều kiện cho virus này phát triển mạnh.

Điều dưỡng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn phụ huynh bôi thuốc chống nhiễm khuẩn cho trẻ. Ảnh: T.Anh
Điều dưỡng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn phụ huynh bôi thuốc chống nhiễm khuẩn cho trẻ. Ảnh: T.Anh

Từ đầu năm 2017 đến nay, tại bệnh viện đã ghi nhận 1.356 trường hợp mắc thủy đậu, trong đó có 1 ca kèm biến chứng viêm phổi. Thủy đậu là một bệnh dễ lây và phổ biến ở trẻ, hay gặp nhất ở trẻ từ 1-14 tuổi. Bệnh thủy đậu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, qua những giọt bắn từ người sang người, một số ít do tiếp xúc với nốt đậu. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày, thời gian lây từ 24 giờ trước khi xuất hiện bóng nước trên da và niêm mạc cho đến khi nốt đậu đóng mày. Nếu không có biến chứng, các nốt đậu sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm khuẩn nốt đậu có thể để lại sẹo.

Theo bác sĩ Quyền, bản chất của bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, như: bội nhiễm tại các tổn thương da, khi nốt đậu bị vỡ hoặc trầy xước do trẻ ngứa gãi có thể gây viêm tấy, nhiễm khuẩn da gây viêm mủ da, tróc lở, thậm chí gây viêm cầu thận cấp...

Ngoài ra, viêm phổi thủy đậu hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - 5 của bệnh (trong thời kỳ thủy đậu mọc). Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng, biểu hiện sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực, ho ra máu... dẫn tới suy hô hấp, phù phổi và nguy hiểm tính mạng. Trong trường hợp hiếm gặp, bệnh thủy đậu có thể dẫn đến biến chứng, như: viêm màng não, viêm não, thường gặp ở người lớn chiếm 0,1-0,2%; tỷ lệ tử vong cao, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng khoảng 15%.

Trẻ mắc bệnh thủy đậu nên được khám và điều trị sớm, tránh tự ý mua thuốc tự điều trị. Trẻ chỉ nhập viện nếu có biến chứng, riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi khi bị thủy đậu cần nhập viện để điều trị. Khi trẻ bị thủy đậu cần giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng da. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần tắm, lau người cho trẻ hàng ngày. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là nên cho trẻ tiêm vaccine phòng thủy đậu, kể cả người lớn. Vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 97%) và kéo dài suốt đời.

Thảo Anh (ghi)

Tin xem nhiều