Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy nhìn nhận robocon như một sân chơi vô tư của sinh viên

11:05, 20/05/2016

Với chiến thắng tuyệt đối trong vòng 18 giây, đội tuyển LH-FF của Đại học Lạc Hồng đã giành chiến thắng trong giải vô địch cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam 2016 tại Ninh Bình ngày 14-5 vừa qua, đồng thời giành giải nhì, ba và giải Eco Robot và Hybrid Robot xuất sắc.

Với chiến thắng tuyệt đối trong vòng 18 giây, đội tuyển LH-FF của Đại học Lạc Hồng đã giành chiến thắng trong giải vô địch cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam 2016 tại Ninh Bình ngày 14-5 vừa qua, đồng thời giành giải nhì, ba và giải Eco Robot và Hybrid Robot xuất sắc. 12 năm tham gia giải vô địch robocon trong nước, thì 6 lần Lạc Hồng giành ngôi vô địch và 25-8 tới đây, đội tuyển LH - FF sẽ đại diện cho Việt Nam tranh tài tại cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương ABU 2016 tổ chức tại Thái Lan.

Nhiều năm “đứng sau” các đội tuyển trong nhiều chiến thắng ở các giải vô địch trong và ngoài nước, Th.S Nguyễn Bá Thuận, Trưởng ngành điện - điện tử Khoa cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng, Trưởng đoàn Robocon Trường đại học Lạc Hồng được các bạn sinh viên xem là “linh hồn” của phong trào sáng tạo robot, từ cấp trường đến các cấp thi cao hơn. Từ vai trò là một sinh viên dự thi lần đầu tiên năm 2005, ra trường rồi ở lại làm giảng viên, ông Nguyễn Bá Thuận nhận luôn việc chăm sóc các đội tuyển dự thi quốc gia và khu vực. Ông Thuận nói, thực ra các cuộc thi robocon cần được hiểu đúng là một sân chơi trải nghiệm thực sự vô tư để chuẩn bị cho sinh viên một tư duy làm việc sáng tạo trước khi ra trường, bước vào đời sống, chứ không nặng tính “ăn thua”.

Học cách tư duy là quan trọng nhất

* Đã gắn bó 12 năm với phong trào robocon của Lạc Hồng, từ lúc còn là sinh viên tham gia thi đấu đến khi là người chăm sóc đội tuyển, cảm giác của ông thế nào sau chiến thắng mới nhất của đội LH-FF vừa qua?

- Tôi là lứa sinh viên đầu tiên thi đấu, rồi sau đó gắn bó với đội robocon của trường đến nay là 12 năm. Những năm đầu, cuộc thi còn sử dụng những công nghệ thô sơ, robot chạy được là đã vui rồi. Nhưng càng về sau, robocon đòi hỏi những công nghệ cao hơn: nhanh, chính xác và làm được nhiều thứ hơn. Cảm giác chiến thắng thì vẫn rất vui, nhưng về sau chúng tôi tự tin hơn một chút, chỉ vậy thôi. Lần đầu tiên Lạc Hồng vô địch là năm 2010 tại Việt Nam, chúng tôi gần như không tin nổi, cảm xúc lớn lắm. Lần đó, chúng tôi đại diện Việt Nam đi thi robocon châu Á - Thái Bình Dương tại Ai Cập. Gần như tất cả các thành viên trong đoàn đều bị sốt siêu vi, đầu óc nhức nhối, ăn uống lại không hợp nên rất lo lắng. Cũng may, sau đó các bạn du học sinh nấu cho cả đội một nồi cháo gà, ăn uống, nghỉ ngơi lại sức, các bạn mới thi đấu được. Lần vô địch châu Á - Thái Bình Dương năm 2014, khi Lạc Hồng được xướng tên vô địch, chúng tôi vui đến không ngủ nổi.

* Với chủ đề của năm nay là “Đi tìm năng lượng sạch”, đội robocon của Lạc Hồng đã phải đầu tư và thay đổi mình ra sao?

- Ở một cuộc thi sáng tạo robot thì tiêu chí lớn nhất là hoàn thành yêu cầu đề thi một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Để làm được việc này, điều đầu tiên là hạn chế sự can thiệp của con người càng nhiều càng tốt, thuần túy là máy móc và công nghệ. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để có những con robot tự động hoàn toàn và có được thành tựu đầu tiên năm 2013. Điều này thực sự rất khó và mất rất nhiều công sức, trả những cái giá khá lớn để có thành tựu, chẳng hạn 2013 chúng tôi thua ở trận chung kết vì robot bị lỗi. Năm 2014 khi cải tiến được lỗi, chúng tôi quay lại chiến thắng với tâm lý tự tin hơn.

Chủ đề năm nay là đi tìm năng lượng sạch cũng là một đề bài khó nhằm để sinh viên giải quyết một vấn đề nào đó, bằng sự sáng tạo từ sinh viên. Các em phải đưa ra nhiều giải pháp cơ khí hay công nghệ phải giải quyết đề bài mỗi năm và năm nay đề bài theo xu hướng công nghệ sạch, bảo vệ môi trường. Các em phải sáng tạo robot sinh thái theo đúng chủ đề, phá đi, làm lại, rồi lại phá đi… rất nhiều lần mới có thể ra được sản phẩm dự thi.

* Cuộc chơi năm nay thiếu vắng những đội “tên tuổi”, như: đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, Bách khoa Đà Nẵng, Học viện Kỹ thuật quân sự… có làm cho sân chơi bớt náo nhiệt hơn không?

- Tôi cũng không biết lý do vì sao một số trường năm nay không thấy tham gia, tuy nhiên chúng tôi không coi điều này quan trọng lắm. Đây là một cuộc chơi sáng tạo, có năm họ tham gia nhiều, có năm không, tùy tình hình thực tế. Tuy nhiên, tôi không nghĩ thiếu vắng một số trường nào đó thì cuộc thi bớt sôi động. Luôn có những trường đầu tư rất tốt, sinh viên rất sáng tạo… tham gia cuộc thi hàng năm. Và quan sát của tôi thì các em luôn hào hứng với sân chơi này, tích lũy cho mình tư duy làm việc tốt thông qua từng đề thi của mỗi năm. Một sân chơi lớn có tính quốc tế với chi phí tổ chức hàng tỷ đồng, khuyến khích sinh viên tham gia nên tôi nghĩ nếu bỏ lỡ thì rất tiếc.

* Ông nghĩ sao về tính ứng dụng thực tế từ phong trào robocon? Từ phong trào đó, sinh viên đạt được những gì?

- Rất nhiều người đặt câu hỏi này với chúng tôi: robocon giúp gì được cho sinh viên, cho cuộc sống? Tôi chỉ muốn nói một điều đơn giản là những sinh viên có tham gia, quan tâm hoặc trưởng thành từ cuộc thi robocon sẽ không bỡ ngỡ với máy móc, công nghệ. Các em học cách giải đề bài mà cuộc thi đưa ra, phát triển tư duy, sáng tạo, cố gắng làm chủ công nghệ, học cách làm việc nhóm… và nếu có được những kinh nghiệm này, khi đi làm các em sẽ tự tin hơn. Chỉ cần thế là đã đủ. Ban tổ chức cuộc thi không yêu cầu các em phải sáng chế ra những chiếc máy, những dây chuyền để đem bán chúng hay ứng dụng ngay vào đời sống. Đây là một sân chơi sáng tạo cho sinh viên tham gia, và các em tham gia hào hứng, vô tư với những sáng tạo đúng lứa tuổi, ngành nghề là tốt rồi.

* Trong thời gian tới, robocon của Lạc Hồng có hướng đi nào mới không? Là một người thầy theo sát các em nhiều năm, ông có tự tin về “chất lượng” sinh viên trưởng thành từ phong trào này của trường không?

- Nói một cách công bằng, các doanh nghiệp đều mong muốn chọn những sinh viên từng tham gia cuộc thi robocon. Các bạn đã được thực tập khoảng 1 năm với máy móc, công nghệ, cơ khí… và có nền tảng sẵn. Mong muốn của Lạc Hồng là có nhiều sinh viên có cơ hội tham gia càng nhiều càng tốt, nên mỗi năm có khoảng trên dưới 100 bạn được tham gia cuộc chơi này.

Chúng tôi không “đầu tư khủng”

* Cũng có nhận xét, các đội chơi đang lệ thuộc quá nhiều các công nghệ “có sẵn”. Sinh viên không còn chủ động sáng tạo ra các công nghệ mới. Trong khi đó, các đội chơi không đủ tài lực để chạy đua công nghệ cũng bắt đầu chán nản và bỏ cuộc dần nên sân chơi robocon đang dần trở nên kém hấp dẫn. Quan điểm của ông ra sao?

- Nếu không có cuộc thi này, thì thú thực những bài học hay giáo trình về kỹ thuật và công nghệ của trường sẽ cũ kỹ và thiếu tính ứng dụng hơn nhiều. Những cuộc thi là cơ hội thực tập rất lớn cho sinh viên. Công nghệ năm nay sẽ được đưa vào bài giảng cho năm sau. Giáo viên nghiên cứu, các em ứng dụng, rồi sau đó sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm, giáo trình của mỗi năm học. Đề tài của mỗi cuộc thi đưa ra hàng năm luôn cập nhật những xu hướng mới, công nghệ mới và là một cơ hội tuyệt vời để sinh viên nghiên cứu, thực tập và để các trường đổi mới giáo trình. Do đó, đầu tư là điều cần thiết, không phải để thắng thua trong các cuộc thi, mà còn “được” nhiều điều khác.

* Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng công thức chiến thắng của các đội robocon nói chung là “công nghệ mới - đầu tư khủng” chứ không còn nặng về tính sáng tạo của sinh viên, do đó “trường nào có tiền đầu tư thì trường dễ chiến thắng”. Ông có “tự ái” khi nghe nhận xét này không, từ góc độ một người theo sát trực tiếp phong trào robocon của Lạc Hồng nhiều năm qua?

- Lạc Hồng là một trường dân lập, tự thu tự chi và vẫn phải cân nhắc nhiều khoản chi phí. Tuy nhiên, quan điểm của nhà trường thì chi phí cho nghiên cứu khoa học là một cách đầu tư lại cho sinh viên. Tôi nghĩ điều này tùy thuộc vào cách nhìn nhận. Không phải trường nào “giàu” thì mới đầu tư, và không phải cứ bỏ nhiều tiền là sinh viên chiến thắng tại các cuộc thi robocon. Thực tế, chúng tôi chỉ đầu tư một số thứ căn bản: một sân thi đấu theo chủ đề hàng năm cho các em, thiết bị nghiên cứu cơ bản, chi phí ăn ở khi tham gia các cuộc thi…chứ không có gì gọi là “đầu tư khủng”. Nhiều sinh viên tham gia còn tự bỏ tiền túi thêm để nghiên cứu, chế tạo vì các em đam mê thực sự.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều