Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả bước đầu của đề án 343

09:02, 24/02/2015

Cùng với đề án 704 "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt", đề án 343 về "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (gọi tắt là đề án 343) đã được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh triển khai bước đầu đạt kết quả.

Cùng với đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, đề án 343 về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là đề án 343) đã được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh triển khai bước đầu đạt kết quả.

Đề án đã tác động tích cực đến nhận thức, thái độ, hành vi trong việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao vị thế và tôn vinh giá trị người phụ nữ.

Chuyển biến từ nhận thức

Năm 2010, đề án 343 được Chính phủ phê duyệt và nhận được sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Tại Đồng Nai, đề án có sự phối hợp thực hiện của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở GD-ĐT, Sở Thông tin - truyền thông, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch. Trong đó, Hội LHPN tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tiểu đề án 1 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cán bộ, hội viên, phụ nữ” với mô hình điểm tại phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa).

Chị Nguyễn Thị Oanh (bìa trái), Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) cùng với các chị em trong câu lạc bộ phụ nữ thực hiện đề án 343 bàn bạc nội dung chuẩn bị cho kỳ sinh hoạt tới. Ảnh: N.SƠN
Chị Nguyễn Thị Oanh (bìa trái), Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) cùng với các chị em trong câu lạc bộ phụ nữ thực hiện đề án 343 bàn bạc nội dung chuẩn bị cho kỳ sinh hoạt tới. Ảnh: N.SƠN

Chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Vạn, cho biết câu lạc bộ phụ nữ thực hiện đề án 343 được thành lập từ tháng 10-2012 với 40 thành viên là những cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu. Từ khi được thành lập, định kỳ 3 tháng tổ chức sinh hoạt một lần với nhiều nội dung phong phú. Nhờ vậy mà sau hơn 2 năm thực hiện, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ đã có chuyển biến tích cực. Chị em không những thực hiện tốt mà còn là hạt nhân nòng cốt tuyên truyền để các chị em khác thực hiện.

Căn cứ kế hoạch chung của tỉnh, ngoài các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, Hội LHPN cấp huyện đến cơ sở tùy vào điều kiện của mình để xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương, nhờ vậy đã xuất hiện không ít cách làm hiệu quả. Ngoài việc duy trì 11 câu lạc bộ phụ nữ thực hiện đề án 343 với 440 thành viên cấp tỉnh, Hội LHPN cấp huyện và cơ sở đã thành lập mới 31 câu lạc bộ phụ nữ thực hiện đề án 343.

Chị Trần Thị Kim Cúc, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 2, phường Tân Vạn là một điển hình. Chị Kim Cúc cho biết trước đây chị là người phụ nữ nhút nhát, sống khép kín, chỉ suy nghĩ đơn giản là cố gắng làm việc để lo cho gia đình ấm êm, tham gia công tác Hội phụ nữ chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ là đủ. Sau khi được vận động tham gia câu lạc bộ phụ nữ thực hiện đề án 343 và đặc biệt là được tập huấn, tuyên truyền về những phẩm chất của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chị đã hiểu ra và tự mình thay đổi. Bên cạnh việc giữ gìn những phẩm chất của người phụ nữ truyền thống, chị rèn luyện thói quen đọc sách báo để trang bị thêm kiến thức. “Có kiến thức sẽ giúp tôi biết cách để bản thân tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, từ đó phụ nữ có điều kiện đạt  được sự bình đẳng” - chị Cúc cho hay.

Phát huy sáng tạo ở cơ sở

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhận định bên cạnh những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, như: đảm đang, trung hậu, lòng nhân ái… phụ nữ ngày nay vẫn bị ảnh hưởng của chữ “tòng”, chữ “hiếu” khiến luôn có tư tưởng an phận, tự ti; thái độ cam chịu và thụ động. Để thay đổi được những suy nghĩ, tư tưởng này là cả một quá trình, đòi hỏi sự kiên trì. Nhận thấy điều này, hàng năm Hội LHPN tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiểu đề án 1 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cán bộ, hội viên, phụ nữ” và từ đây đã xuất hiện những cách làm sáng tạo ở cơ sở.

Cụ thể, như Hội LHPN huyện Định Quán đã thành lập 3 câu lạc bộ nữ đoàn viên thực hiện đề án 343 với 90 thành viên. Điểm đặc biệt của mô hình này ở chỗ, trong các buổi sinh hoạt, ngoài sự có mặt của các thành viên câu lạc bộ (hầu hết là nữ), ban chủ nhiệm còn mời nam giới tham gia. Chị Bùi Thị Minh Ngọc, Bí thư Đoàn xã Phú Hòa, Chủ nhiệm câu lạc bộ nữ đoàn viên thực hiện đề án 343 xã Phú Hòa (huyện Định Quán), chia sẻ nếu dừng lại ở  việc tuyên truyền cho phụ nữ là chưa đủ mà để thực hiện có hiệu quả đề án 343 hay Luật Bình đẳng giới thì cần sự giúp sức của nam giới. Việc nam giới tham gia các buổi sinh hoạt sẽ giúp các anh có kiến thức và hành xử đúng trong gia đình.

Mặc dù 2 con còn nhỏ nhưng khi được mời tham gia các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ nữ đoàn viên thực hiện đề án 343, anh Trần Mạnh Tiến, ấp 2, xã Phú Hòa (huyện Định Quán) luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ. Do đó, khi được hỏi về những nội dung của đề án 343 hay Luật Bình đẳng giới, anh tỏ ra rất “rành”. Chính vì vậy mà hàng ngày anh không nề hà chuyện chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái với vợ. Anh Tiến cho hay, chính vì sự thấu hiểu và luôn chia sẻ với vất vả của vợ nên vợ chồng anh luôn tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc sống hàng ngày. Nếu có những mâu thuẫn nhỏ giữa vợ chồng cũng được giải quyết dễ dàng.

Nga Sơn

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều