Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận tình chăm sóc bệnh nhân ung thư

11:02, 23/02/2015

Tuy thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại nhưng các điều dưỡng, kỹ thuật viên trực tiếp hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân ung thư ở khoa y học hạt nhân, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vẫn nhiệt tình, gắn bó với công việc.

Tuy thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại nhưng các điều dưỡng, kỹ thuật viên trực tiếp hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân ung thư ở khoa y học hạt nhân, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vẫn nhiệt tình, gắn bó với công việc.

Điều dưỡng Vũ Ngọc Bạch Huệ hướng dẫn cho bệnh nhân cách uống thuốc.
Điều dưỡng Vũ Ngọc Bạch Huệ hướng dẫn cho bệnh nhân cách uống thuốc.

Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa y học hạt nhân, cho biết thuốc dùng để hóa trị bệnh ung thư là thuốc độc tế bào, có thể gây biến đổi gen nếu không may bị đổ vào người khi tiếp xúc. Ở các bệnh viện lớn có khoa dược pha chế thuốc này, nhưng ở Đồng Nai vẫn giao cho các điều dưỡng trực tiếp làm. Do đặc thù công việc nên bệnh viện cho chế độ luân chuyển điều dưỡng hàng năm, nhưng 12 điều dưỡng của khoa vẫn xin ở lại làm việc. Các điều dưỡng không chỉ tiêm thuốc, thay băng cho bệnh nhân mà còn trực tiếp chăm sóc cho nhiều bệnh nhân ung thư nặng neo đơn…

Nói về lý do gắn bó với nghề, điều dưỡng Vũ Ngọc Bạch Huệ chia sẻ, làm việc ở khoa nào cũng có cái thuận lợi, khó khăn. Riêng khoa y học hạt nhân đã để lại ấn tượng với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng hòa đồng, tận tâm với công việc và các bệnh nhân cũng rất đặc biệt. Khi bệnh nhân mới vào điều trị trong khoa, hầu hết đều cáu gắt, khó chịu và bất mãn nên rất khó tiếp xúc. Nhưng tiếp xúc một thời gian được họ tâm sự chuyện gia đình, chia sẻ những ước mơ, hoài bão và không ít người ra đi khi ước mơ còn dang dở. “Vì vậy, tôi nghĩ cần làm một cái gì đó để giúp họ, vì họ rất cần sự chăm sóc và sẻ chia” - điều dưỡng Huệ nói.

Không chỉ các điều dưỡng mà 3 kỹ thuật viên vận hành máy xạ trị làm việc trong phòng xạ trị cũng rất yêu nghề dù phải làm việc trong môi trường chì rất độc hại. Được biết, một bệnh nhân khi xạ trị phải được thực hiện từ 3-4 trường chiếu, đồng nghĩa với việc các kỹ thuật viên phải đi ra, đi vô khu vực phát tia từ 3-4 lần để thay chì. Mỗi ngày trung bình các kỹ thuật viên phải thực hiện khoảng 10 ca, có ngày làm từ 40-50 ca nên việc ra vào môi trường độc hại ít nhiều cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Kỹ thuật viên Bùi Văn Truyền cho biết: “Nếu ai cũng sợ độc hại thì những việc khó ai sẽ làm, trong khi các bệnh nhân ung thư đang rất cần mình điều trị. Miễn thấy bệnh nhân khỏe hơn sau những lần xạ trị là chúng tôi vui lắm rồi”.

Dù làm việc trong môi trường độc hại nhưng các điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng chỉ nhận ưu đãi nghề như các khoa lâm sàng khác mà không có thêm các khoản hỗ trợ độc hại nào khác.

An An

 

 

Tin xem nhiều