Báo Đồng Nai điện tử
En

Băn khoăn không chấm điểm cho học sinh tiểu học

10:11, 03/11/2014

Thực hiện Thông tư 30, 2 tuần qua giáo viên tại tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã tiến hành đánh giá học sinh bằng nhận xét, lời nói thay vì cho điểm như trước kia.

Thực hiện Thông tư 30, 2 tuần qua giáo viên tại tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã tiến hành đánh giá học sinh bằng nhận xét, lời nói thay vì cho điểm như trước kia.

Việc bỏ chấm điểm cho học sinh tiểu học là bước đột phá trong đổi mới toàn diện GD-ĐT. Học sinh có thể vừa học vừa chơi, không còn lo sợ điểm cao, thấp như trước kia. Tuy nhiên, do bước chuyển giao được thực hiện một cách đột ngột nên vẫn còn những băn khoăn đối với giáo viên và phụ huynh học sinh.

* Bão hòa...lời nhận xét

Đó là lo ngại của cô Phạm Thị Dịu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Mai (TP.Biên Hòa). Theo cô Dịu, với đặc điểm sĩ số học sinh/lớp quá đông, giáo viên phải viết nhận xét quá nhiều có thể dẫn đến lặp lại, bão hòa lời nhận xét. Chẳng hạn, với những câu như “Con làm bài tốt”, “Bài làm chưa tốt, con cần cố gắng hơn”... còn mang tính trừu tượng, học sinh khó biết được mình làm tốt chỗ nào, chưa tốt chỗ nào. Hơn nữa, nếu thực hiện theo đúng thông tư, giáo viên tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ lời nhận xét sao cho phù hợp với từng em, từng hoàn cảnh cụ thể. Đó là chưa kể với giáo viên lớp 1, 2, do phải nhận xét quá nhiều nên chữ của giáo viên sẽ không chuẩn, các cô phải cố gắng nắn nót chữ viết để học sinh đọc được. “Tinh thần của thông tư rất tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện tốt thông tư này thì còn phụ thuộc vào các điều kiện khác như sĩ số học sinh/lớp, điều kiện cơ sở vật chất, quyền lợi, chế độ cho giáo viên” - cô Dịu chia sẻ.

Một tiết học của học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H. Dung
Một tiết học của học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H. Dung

Cô Trần Thị Nguyệt Anh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), bày tỏ: “Giáo viên phải chịu áp lực nhiều hơn vì phải làm nhiều việc hơn. Mặc dù nay chỉ còn cho điểm ở bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm, nhưng với nguyên tắc đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh kết hợp với đánh giá của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất sẽ dễ nghiêng về đánh giá theo cảm tính, ước lượng”.

Để thích ứng với cách đánh giá mới, nhiều giáo viên đã có những cách làm “sáng tạo”, như: ghi sẵn lời nhận xét vào nhiều mộc dấu khác nhau để đóng nhận xét vào vở học sinh, vẽ tặng bông hoa, ngôi sao... cho những bài làm tốt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT), thì Sở cấm tuyệt đối việc dùng mộc ghi sẵn để đánh giá học sinh vì mỗi học sinh có một lỗi, sự tiến bộ khác nhau. Nội dung đóng trong mộc rất ngắn, mang tính chung chung nên không thể hiện được tinh thần của thông tư. Còn việc sử dụng bông hoa, ngôi  sao, Sở không cấm nhưng khuyến khích giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp với từng học sinh, từng hoàn cảnh, không nên lạm dụng, lặp lại quá nhiều lần dễ gây nhàm chán cho các em.

* Mưa dầm thấm lâu

Với học sinh tiểu học, có những em vẫn thích được chấm điểm, có điểm 9, điểm 10 để về khoe với cha mẹ. Điều đó đã trở thành thói quen của không chỉ học sinh mà cả phụ huynh. Anh Vũ Đình Đạt (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), cho hay: “Nếu như trước đây các con đi học về, hỏi con được mấy điểm sẽ biết ngay học lực của con như thế nào, nay không chấm điểm nữa, vợ chồng tôi cũng không có nhiều thời gian để ngồi xem những nhận xét của cô, khó nắm được tình hình học tập của các cháu để bồi dưỡng thêm”.

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT: Vừa qua, nhằm gỡ khó cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện thông tư này. Sở sẽ phối hợp với các phòng giúp đỡ các trường, giáo viên thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, giảm bớt áp lực về ghi chép, sổ sách; tuyên truyền cho phụ huynh hiểu để cùng thực hiện giáo dục học sinh hiệu quả. Theo đó, giáo viên có thể viết nhận xét hoặc lời nói để đánh giá học sinh, đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, gây hứng thú, khích lệ học sinh. Cùng với việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa, tôi tin rằng cách đánh giá học sinh mới này sẽ được thực hiện tốt.

Cô Vương Thị Phượng, giáo viên khối 5, Trường tiểu học Liên Ngọc (huyện Định Quán), cho hay 2 tuần qua, phụ huynh và học sinh không mấy hứng thú vì chỉ thấy cô nhận xét mà không cho điểm. Phụ huynh vẫn muốn cô giáo vừa cho điểm vừa nhận xét như trước kia. “Thông tư thực hiện có hiệu quả hay không là do giáo viên, đích cuối cùng là kiến thức cho học sinh chứ không phải là điểm số. Để phát huy tính tự học, sáng tạo cho học sinh, tôi tiến hành cho các em học theo nhóm rồi nhận xét bài lẫn nhau như mô hình trường học mới. Tôi thường tranh thủ ghi nhận xét cho các em ngay trên lớp với những trường hợp đặc biệt, còn lại sẽ nhận xét trực tiếp bằng lời và hướng dẫn các em sửa lỗi ngay tại lớp. Tôi tin rằng, dần dần phụ huynh, học sinh sẽ hiểu được tinh thần của cách làm này và ủng hộ” - cô Phượng chia sẻ.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều