Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn Đồng Nai từ khi trở về với trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19 đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn Đồng Nai từ khi trở về với trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Các thành viên trong CLB Sen Hồng tham gia Hội thi các CLB văn nghệ quần chúng năm 2022. Ảnh: L.Na |
Các CLB văn nghệ quần chúng được thành lập rộng khắp, vừa góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
* Hoạt động sôi nổi…
Hoạt động hiệu quả từ nhiều năm trước, song đến năm 2021, CLB Sen Hồng mới chính thức có quyết định thành lập. CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, là nơi gặp gỡ, giao lưu của trên 20 thành viên là những người đam mê và có khiếu văn nghệ, thể thao trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Chủ nhiệm CLB Sen Hồng Trần Thị Ngọc Nhung kể, nhiều năm nay, CLB hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, đóng góp kinh phí để hoạt động. Nhờ vậy, các trang phục, nhạc cụ, dụng cụ biểu diễn được CLB trang bị khá đầy đủ. Đều đặn vào các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần, các thành viên tổ chức dàn dựng, luyện tập, thường xuyên tổ chức sân chơi, giao lưu, phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Cùng với hoạt động văn nghệ, các CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh còn tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng. Đặc biệt, thành viên trong các CLB thường xuyên góp sức với xã hội, làm thiện nguyện, cùng nhau chia sẻ với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cụ già neo đơn... |
“Các thành viên của CLB phần lớn là người cao tuổi, có nhiều thời gian rảnh nên sẵn sàng bỏ công sức tập luyện ròng rã vài tháng chỉ với mong muốn đem lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả. Mỗi năm, CLB biểu diễn từ 5-10 đợt, nhân các sự kiện quan trọng, nhất là những đêm liên hoan, giao lưu văn nghệ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Thông qua các tiết mục biểu diễn, CLB thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách, những quy định của địa phương tới nhân dân dưới hình thức sân khấu hóa” - bà Nhung nói.
Ông Hồ Viết Kha, thành viên CLB Ca khúc truyền thống phương Nam cho biết, với hơn 15 hội viên là những cán bộ hưu trí (chủ yếu là quân nhân), CLB Ca khúc truyền thống phương Nam hoạt động với mong muốn tuyên truyền, lan tỏa khí thế hào hùng của những người đi trước, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ con cháu. Bằng niềm đam mê, lòng nhiệt huyết, các thành viên của CLB luôn xung kích, hăng hái tham gia các chương trình tuyên truyền ca khúc cách mạng, các liên hoan nghệ thuật quần chúng do tỉnh tổ chức, được đông đảo công chúng đón nhận.
Ra đời khá muộn trong hệ thống CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, CLB Xuân quê hương sau gần 1 năm thành lập đã tạo nhiều dấu ấn đẹp. Không chỉ mang đến những ca khúc về quê hương, đất nước, CLB Xuân quê hương còn đáp ứng được xu thế thưởng thức dòng nhạc trữ tình bolero của đông đảo người dân Biên Hòa - Đồng Nai. Ngoài ra, thành viên của CLB còn tích cực tham gia phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, trong đó chủ yếu tập là thể dục dưỡng sinh.
* Xây dựng lực lượng hạt nhân
Hiện nay, toàn tỉnh có 9 CLB văn nghệ trực thuộc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh. Trong đó, nổi bật có CLB Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai thường xuyên tổ chức các đêm diễn tại khu vực công cộng và các thiết chế văn hóa thể thao tại 11 huyện, thành phố. Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh luôn tạo điều kiện hỗ trợ không chỉ về chuyên môn, định hướng hoạt động mà còn hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động hằng tháng cho các CLB.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, việc tổ chức giao lưu các CLB hoạt động thường niên được trung tâm duy trì trong nhiều năm qua. Hiện tại, trung tâm đang thẩm định một số CLB để tiếp tục thành lập, nhân rộng mô hình nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho nhiều lứa tuổi. Từ hoạt động biểu diễn, trung tâm tìm kiếm và xây dựng lực lượng hạt nhân tiềm năng làm nòng cốt cho phong trào, nhất là phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai trong tương lai.
“Sức hấp dẫn của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở các địa phương. Các CLB văn nghệ trực thuộc không chỉ phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà thông qua các tiết mục, chương trình văn nghệ giúp người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa, tạo động lực lan tỏa phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc” - bà Tình nói.
Ly Na