Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 27/04/2025, 07:36 En

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

08:07, 29/07/2022

Nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai được thực hiện trong thời gian qua, trong đó có công tác lập hồ sơ khoa học phục vụ xếp hạng di tích.

Nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai được thực hiện trong thời gian qua, trong đó có công tác lập hồ sơ khoa học phục vụ xếp hạng di tích.

Di tích đình An Lợi (xã An Phước, H.Long Thành) được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2022
Di tích đình An Lợi (xã An Phước, H.Long Thành) được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: CTV

Cùng với sự tham gia của Nhà nước, chính quyền địa phương, cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc chung tay bảo tồn, phát huy hiệu quả và quảng bá giá trị di sản văn hóa.

* Thêm nhiều di tích lập hồ sơ xếp hạng

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong đó, có di tích đình An Lợi (xã An Phước, H.Long Thành); các di tích khảo cổ học: suối Linh và đồi Phòng Không (H.Vĩnh Cửu). Bên cạnh đó, nhiều di tích đã được xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh như: đình Định Quán (TT.Định Quán) và di tích khảo cổ học Gò Me (ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch).

Di tích khảo cổ học Gò Me được phát hiện và khai quật thám sát lần đầu vào năm 2004 trong chương trình nghiên cứu giữa Bảo tàng Đồng Nai với Trung tâm Khảo cổ Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ. Trong năm 2004, đã tiến hành mở 3 hố khai quật và 6 hố thám sát với diện tích 184m2. Kết quả khai quật xác định di tích khảo cổ học Gò Me là khu vực cư trú mộ táng, vừa là nơi sản xuất gốm.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL NGUYỄN HỒNG ÂN cho biết: “Trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua nổi lên một số di tích xã hội hóa rất tốt. Trong đó phải kể đến di tích miếu Tổ sư (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), đình Phước Thiền (xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch). Ngành Văn hóa luôn tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích”.

Đến năm 2019, di tích này được khai quật nhằm xác định lại không gian phân bố di tích, giá trị lịch sử vùng đất và phân loại di tích. Kết quả khai quật cho thấy cư dân cổ Gò Me sinh sống tại đây qua nhiều giai đoạn khác nhau, kéo dài từ 3 ngàn đến hơn 2 ngàn năm cách ngày nay.

Hiện vật thu thập được qua 2 lần khai quật tại di tích khảo cổ học Gò Me gồm: hiện vật chất liệu kim loại, chất liệu đá, gốm, thủy tinh và hiện vật chất liệu xương. Đây là những chứng cứ quan trọng giúp các nhà khoa học nhận định được di tích Gò Me có mối quan hệ với các di tích lân cận như: Giồng Cá Vồ, Giồng Phiệt (TP.HCM); Rạch Núi (Long An).

Theo hồi cố của các bô lão và căn cứ vào tư liệu lịch sử, đình Định Quán ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ thần Thành Hoàng làng được vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhung, một người dân địa phương, lập nên vào thế kỷ XIX tại khu vực đá Ba Chồng. Sau đó, đình Định Quán dời về dốc Đồng Hiệp phía sau vị trí đình ngày nay. Đến năm 1963, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tâm linh của các tầng lớp nhân dân, Ban quý tế đã tiến hành di dời và xây dựng ngôi đình bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu thờ thần Hoàng bổn cảnh trên diện tích hơn 1ha. Năm 1968, xây dựng thêm nhà võ ca. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào các năm 2004, 2005 và 2012, đình Định Quán có diện mạo như ngày nay.

Tại đình Định Quán, hằng năm Ban quý tế và người dân địa phương tổ chức lễ Kỳ Yên vào ngày 16 và 17-2 âm lịch với các nghi thức cúng cổ truyền của đình làng Nam bộ. Đặc biệt, 3 năm/lần, tại đình Định Quán tổ chức lễ Kỳ Yên, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương tham gia, tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài ra, hằng năm đình còn tổ chức lễ Thượng Quân (16 tháng Giêng), cúng Hạ điền (16-3 âm lịch), Hậu hiền (16-10 âm lịch)… Đây là một trong những cơ sở tín ngưỡng tồn tại lâu đời, gắn liền với đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

* Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản

Đồng Nai là địa phương có vốn di sản lớn với hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông, 65 di tích xếp hạng. Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, trong năm 2023, Sở tiếp tục chỉ đạo Bảo tàng Đồng Nai rà soát toàn bộ hệ thống di tích phổ thông, sau đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh công nhận các di tích phổ thông. Khi có quyết định công nhận di tích phổ thông, xem đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục lập hồ sơ xếp hạng di tích trong tương lai, nếu các di tích này đủ các tiêu chí xếp hạng cấp tỉnh, cấp bộ và cao hơn là cấp quốc gia đặc biệt.

“Từ nay đến năm 2025 và tiếp tục rà soát từ năm 2025-2030, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh đối với những di tích quan trọng, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa, khảo cổ… Đồng thời tham mưu, trình UBND tỉnh công nhận danh mục di tích phổ thông trên địa bàn tỉnh năm 2023. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo di tích phổ thông” - ông Ân nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Ân, nhân dân chính là chủ thể sáng tạo văn hóa. Trải qua nhiều thời kỳ, đặc biệt là trong thời kỳ phong kiến, các thiết chế văn hóa do làng xã, nhân dân đứng ra quản lý và khai thác. Các đình, nhà hội của làng do dân làm chủ thể. Hiện nay, nhân dân cũng chính là người giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt nhất.

Thời gian qua, ngoài ngân sách nhà nước đầu tư, tôn tạo di tích còn có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, hệ thống di tích liên quan đến đình làng, thiết chế thờ cúng tín ngưỡng dân gian, phần lớn được Ban quý tế thực hiện bằng nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống hôm nay.

Ly Na