Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 4, nhiều bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng đã và đang được công chiếu.
Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 4, nhiều bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng đã và đang được công chiếu.
Một số phim đề tài lịch sử đang được công chiếu trực tuyến và chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Ảnh: L.Na |
Ngoài các phim trên VTV, trong tình hình thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, các đội chiếu phim lưu động trên địa bàn Đồng Nai cũng tăng cường các suất chiếu phục vụ các tầng lớp nhân dân.
* Đa dạng phim về đề tài lịch sử
Một trong những phim cho đối tượng thanh, thiếu nhi được lựa chọn công chiếu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây phải kể đến phim hoạt hình Nữ tướng Mê Linh (đạo diễn Phùng Văn Hà). Với thời lượng 30 phút, phim kể câu chuyện về nhân vật lịch sử Bà Trưng. Hình ảnh Bà Trưng trên mình voi trắng chỉ huy 3 quân tấn công quân giặc hiện lên một cách sống động. Đặc biệt, phim được thực hiện bằng kỹ thuật 3D với kỹ xảo bắt mắt, mang đến không khí của những cảnh chiến trận căng thẳng, hồi hộp và ấn tượng.
Đại hành Hoàng đế của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cũng là phim hoạt hình gây được sự chú ý của người xem. Phim khắc họa nhân vật Thập đạo tướng quân Lê Hoàn với tài mưu lược và ý chí bất khuất đã lần lượt hóa giải được các nguy cơ nổi loạn trong nước, chống lại âm mưu của sứ giả nhà Tống. Ông được Thái hậu Dương Vân Nga và quần thần ủng hộ, lên ngôi Hoàng đế tiếp nối triều Đinh, mở ra Vương triều Tiền Lê. Phim được đầu tư cả nội dung lẫn hình thức, có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong phong cách thể hiện, hình ảnh đẹp, gửi đến khán giả thông điệp về sự tri ân những đóng góp, hy sinh của bậc hiền tài luôn vì sự nghiệp lớn của dân tộc.
“Một khi phim lịch sử, chiến tranh cách mạng tiếp cận được khán giả, nhất là người trẻ sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn, không chỉ về doanh thu mà còn góp phần giáo dục, bổ sung kiến thức cho họ, thông qua nghệ thuật, giải trí” - đạo diễn Đào Anh Dũng nói. |
Bên cạnh mảng phim hoạt hình, nhiều bộ phim truyện cũng đang được phát sóng. Có thể kể đến: Thiên mệnh anh hùng, Nhà tiên tri, Những người viết huyền thoại, Bình minh đỏ. Trong đó, Bình minh đỏ là tác phẩm gây ấn tượng nhất, bởi đây là bộ phim đã đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại TP.Huế vào tháng 11-2021.
Vào thời điểm Tết Mậu Thân 1968, nhu cầu cung cấp vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 đào tạo gấp một số nữ thanh niên xung phong để lái xe vận tải. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng giải phóng quân miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời từ đó.
Không chỉ đưa người xem trở về với những ngày chiến sự ác liệt mà phim Bình minh đỏ còn làm nổi bật, tôn vinh những nữ lái xe anh hùng và những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Phim do NSND Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn, đang được các đội chiếu phim lưu động công chiếu, phục vụ người dân trong tỉnh.
Ở mảng phim tài liệu, trong tháng 4 này cũng công chiếu lưu động nhiều tác phẩm như: Hành trình về phía bình minh; Chí khí người cộng sản Việt Nam - trọng trách niềm tin và khát vọng; Chí khí người cộng sản Việt Nam - những hạt giống đỏ.
Trên VTV4, vào lúc 20 giờ 30 ngày 24-4, sẽ phát sóng phim Từ huyền thoại đến lịch sử; VTV8 lên sóng phim Trên chiến trường Nam vĩ tuyến 17; VTV2 phát sóng phim Con đường đã chọn: Bước ngoặt quyết định, Vừa đánh vừa đàm vào lúc 7 giờ 30 ngày 23 và 24-4…
* Để thu hút khán giả…
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán hay các ngày lễ lớn của dân tộc, Bộ VH-TTDL giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt chiếu phim/tuần phim miễn phí trên phạm vi toàn quốc. Hầu hết các phim được công chiếu có đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Lịch sử là mảng đề tài không bao giờ cũ, song so với phim chiếu rạp hiện nay, các phim đề tài này ít thu hút được sự quan tâm của khán giả.
Lý giải vấn đề này, đạo diễn Đào Anh Dũng (Hội Điện ảnh TP.HCM) cho rằng, nhiều phim về đề tài lịch sử, nhất là phim tài liệu chưa đủ hay, chưa đủ sức hấp dẫn khán giả xem phim, bởi quá thiên về công tác tuyên truyền nên nhiều phim bị rập khuôn, khô cứng trong khi xu hướng hiện nay đòi hỏi phải nhìn từ hiện thực khách quan, cách nhìn đa chiều trong mỗi sự kiện. Bên cạnh đó, cần khám phá những cái mới, sử dụng nhiều thủ pháp sáng tạo, kỹ xảo để mang đến những thước phim đẹp, hấp dẫn hơn trong mắt người xem.
Cũng theo đạo diễn Đào Anh Dũng, hiện các phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng có thời lượng dài, phát sóng nhiều tập nhưng phần lớn chưa có sự quảng bá rộng rãi để tiếp cận đại chúng. Việc quảng bá này một phần do các phim không nằm trong khung giờ vàng phát sóng trên VTV nên không gây được sự chú ý. Do vậy, để thu hút người xem phải có sự chung tay, đồng hành của cả Nhà nước, đạo diễn và nhân dân.
Ly Na