Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

10:10, 04/10/2021

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhiều năm qua được Đồng Nai đặc biệt quan tâm, đầu tư. Đồng bào các dân tộc đã và đang được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú.

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhiều năm qua được Đồng Nai đặc biệt quan tâm, đầu tư. Đồng bào các dân tộc đã và đang được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú.

Biểu diễn cồng chiêng của đồng bào Chơro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu đang được gìn giữ và phát huy trong đời sống hôm nay. Ảnh: C.T.V
Biểu diễn cồng chiêng của đồng bào Chơro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu đang được gìn giữ và phát huy trong đời sống hôm nay. Ảnh: C.T.V

Mới đây nhất, Bộ VH-TTDL đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới. Đây là cơ sở để Đồng Nai tiếp tục có những chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc.

* Cộng đồng cùng chung tay

Hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc, nhiều năm qua, nhạc sĩ Trần Viết Bính (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) tích cực sưu tầm, khảo cứu dân ca đồng bào DTTS. Hiện tại, ông đã tập hợp được gần 170 bài dân ca in trong cuốn Dân ca Mạ, Chơro, S’tiêng, Kơ Ho ở vùng Đông Nam bộ. Ngoài ra, ông cũng thực hiện công trình sưu tầm, khảo cứu Dân ca chăm Islam ở Đồng Nai và miền Đông Nam bộ.

Cùng với nhạc sĩ Trần Viết Bính, hiện vẫn còn nhiều cá nhân đang âm thầm gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là nhạc sĩ Điểu Được (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) nỗ lực sáng tác nhiều ca khúc, thường xuyên đi biểu diễn, giới thiệu ngôn ngữ, âm nhạc của người Chơro; hay già làng Hùng Văn Xứng (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) phát triển đội cồng chiêng phục vụ hoạt động du lịch của địa phương…

Đồng Nai là tỉnh có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 6% dân số toàn tỉnh. Hiện một số ít dân tộc sống tập trung thành làng như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Chăm, Tày, Nùng. Mặc dù sống ở các địa phương vùng sâu, vùng xa nhưng đồng bào các DTTS sống gắn bó, đoàn kết. Mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, tập quán, lễ hội, phong tục... tạo nên bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc.

Tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) hiện có một nhà văn hóa dân tộc Chơro. Ông Phạm Thúc Nguyên, cán bộ văn hóa xã Lâm San cho hay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Lâm San được gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Xã đã và đang tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, phục dựng các lễ hội truyền thống, những trò chơi dân gian; đồng thời, sưu tầm những sản phẩm văn hóa vật thể… lưu giữ tại nhà văn hóa các dân tộc, phát huy trong đời sống cộng đồng.

Nếu không có dịch bệnh Covid-19, hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ở hầu khắp các địa phương. Tiêu biểu như: lễ hội chùa Ông, lễ vía Đức Ông Quảng Trạch, lễ Bà Thiên Hậu, lễ Tạ Tài Phán (dân tộc Hoa); lễ hội Sayangva, Sayangvri (dân tộc Chơro); lễ hội xuống đồng (dân tộc Tày); Tết Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Sen đôn ta (dân tộc Khmer); tháng ăn chay Ramadan, lễ Haji (dân tộc Chăm); Yang Bơ nơm, Yang koi (dân tộc Mạ); lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng… Các lễ hội được duy trì tổ chức theo tinh thần vui tươi, đoàn kết, tiết kiệm, thu hút đông người dân địa phương tham gia.

Bên cạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nhiều năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 đã đạt nhiều kết quả. Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương truyên truyền cho khoảng 60 điểm, với gần 7 ngàn lượt đồng bào các dân tộc tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho học sinh, học viên các trường phổ thông, cao đẳng, trường nghề trên địa bàn tỉnh.

* Ưu tiên các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Theo kế hoạch thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới của Bộ VH-TTDL vừa mới ban hành, sẽ ưu tiên đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc. Trong đó, Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nghệ nhân, người có uy tín, đồng bào DTTS; tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc.

Bộ ưu tiên bố trí các nguồn lực hỗ trợ phát triển mạng lưới thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở, nhà sách, tủ sách; tăng cường phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS. Khuyến khích, hỗ trợ sưu tầm, lưu trữ, số hóa các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc. Phát triển phong trào thể dục thể thao vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian. Tổ chức kiểm kê, lập danh mục kiểm kê và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa truyền thống các dân tộc…

Với những nội dung trong kế hoạch công tác dân tộc mà Bộ VH-TTDL ban hành là cơ sở để Đồng Nai và các địa phương tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách về văn hóa của đồng bào DTTS. Hiện tại, Đồng Nai đang nỗ lực tổ chức các lễ hội truyền thống, các triển lãm văn hóa DTTS, mở lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng, dạy nghề dệt vải; đồng thời, đẩy mạnh sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, xuất bản sách, làm phim tư liệu về văn hóa truyền thống của các DTTS.

Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng kịch bản các phim tư liệu như: Độc đáo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ ở Đồng Nai, tri thức khai thác thực vật của người Chơro ở Lý Lịch (H.Vĩnh Cửu), hát Tămpơt của người Mạ ở Đồng Nai. Các kịch bản phim tư liệu này đang được trình Sở VH-TTDL thẩm định, phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai.

Ly Na

Tin xem nhiều