Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo

10:06, 28/06/2021

Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được ngành Văn hóa quan tâm, đẩy mạnh triển khai.

Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được ngành Văn hóa quan tâm, đẩy mạnh triển khai.

Hạng mục chánh điện chùa Xuân Hòa (P.Xuân An, TP.Long Khánh) được khởi công trùng tu, tôn tạo sau thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng
Hạng mục chánh điện chùa Xuân Hòa (P.Xuân An, TP.Long Khánh) được khởi công trùng tu, tôn tạo sau thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: M.Ny

Theo đó, đã có nhiều di tích được khởi công trùng tu, sửa chữa cũng như lập hồ sơ xếp hạng. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách, Đồng Nai đã và đang nỗ lực xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản nhằm khơi dậy tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng.

1. Di tích đình Xuân Hòa, chùa Xuân Lộc tọa lạc tại P.Xuân An (TP.Long Khánh) được UBND tỉnh xếp hạng di tích theo Quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 28-3-2008. Hai cơ sở tín ngưỡng này gắn liền với đời sống tinh thần và những sự kiện của người dân Long Khánh trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ tháng 10-2017, hạng mục chánh điện của chùa Xuân Lộc đã xuống cấp nghiêm trọng.

Sau một thời gian chờ thủ tục hướng dẫn tu bổ, tôn tạo, mới đây hạng mục chánh điện của chùa Xuân Lộc đã được khởi công trùng tu, sửa chữa với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Thượng tọa Thích Huệ Tánh, Trụ trì chùa Xuân Hòa cho biết, là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhưng nhiều năm nay, chùa Xuân Hòa đã bị xuống cấp nghiêm trọng phần chánh điện; phần mái ngói đổ sập, cột, kèo đã bị mối mọt ăn mòn, hư hại hoàn toàn. Nhà chùa phải dùng hệ thống giàn giáo và vật dụng bằng sắt chống đỡ tạm bợ; đồng thời, bố trí lại các hoạt động, nghi lễ nhằm đảm bảo an toàn. “Chùa Xuân Hòa được UBND tỉnh chấp thuận cho trùng tu, sửa chữa và nâng cấp mới khiến tăng, ni, phật tử rất vui mừng. Chủ đầu tư là chùa Xuân Hòa đã chọn Công ty CP Xây dựng và thương mại Bửu Hòa lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật. Việc trùng tu, tôn tạo di tích sẽ chấm dứt tình trạng xuống cấp của di tích, kéo dài tuổi thọ công trình cũng như bảo tồn các yếu tố văn hóa, kiến trúc truyền thống, tăng tuổi thọ cho di tích. Qua đó, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu dâng hương lễ Phật hằng ngày của nhân dân” - thượng tọa Thích Huệ Tánh nói.

Tương tự, di tích đình Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) nhiều năm nay đã xuống cấp hạng mục chánh điện (với diện tích 233,8m2, được xây dựng bằng 2 loại vật liệu chính là gỗ và gốm). Ngày 27-5-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1754/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình trùng tu, tôn tạo di tích đình Phước Thiền, hạng mục chánh điện do Ban quý tế đình làm chủ đầu tư với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Chủ tịch UBND xã Phước Thiền Nguyễn Hồng Phúc cho hay: “Việc trùng tu, tôn tạo đình không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương về bảo tồn di tích mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc; đồng thời, tạo thuận lợi để nhân dân địa phương và các vùng lân cận tham quan, thực hành tín ngưỡng”.

2. Mới đây, TP.Biên Hòa đã xây dựng Đề án khai thác, phát huy giá trị di tích Thành cổ Biên Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là thành cổ duy nhất còn sót lại ở miền Nam được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đặc biệt, thành cổ có kiến trúc độc đáo khi kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Chính bởi những giá trị đó, thành cổ được Bộ VH-TTDL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2013.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Trần Thị Chung cho biết, việc xây dựng đề án nhằm khai thác và phát huy giá trị di tích thành cổ, quản lý tốt các hoạt động chuyên môn, phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân đến tham quan di tích, phát triển du lịch; khuyến khích các tổ chức và cá nhân tâm huyết với văn hóa tham gia, hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy di tích. Đối với hoạt động tu bổ, bảo dưỡng, TP.Biên Hòa đề xuất từ nguồn kinh phí nhà nước. Với hoạt động khai thác, phát huy giá trị di tích sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa.

Riêng đối với cổng tam quan của di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật miếu Tổ Sư (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) được xây dựng từ năm 1991, Ban trị sự miếu đã xin nâng cấp, sửa chữa do cổng không trực diện với đường Huỳnh Văn Nghệ nên che khuất tầm nhìn của du khách khi tìm đến di tích. Ngoài ra, cổng tam quan của di tích nhỏ, thấp, xe ô tô ra vào miếu rất khó khăn gây ùn tắc giao thông, nhất là trong những ngày lễ hội. Nguồn kinh phí thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.

Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành hồ sơ khoa học xếp hạng di tích đình Phước Nguyên (xã An Phước, H.Long Thành); đồng thời, hoàn thành các kế hoạch lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh di tích Suối Linh, di tích Đồi Phòng Không (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu). Khai quật di tích Cầu Sắt, Suối Chồn
(TP.Long Khánh); xuất bản sách giới thiệu đình Tân Lân, phim giới thiệu di tích cấp quốc gia chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)…

3. Việc tổ chức trùng tu, tôn tạo và lập nhiều hồ sơ xếp hạng di tích… tạo điều kiện thuận lợi để các di tích được chỉnh trang, sửa chữa sau thời gian dài xuống cấp. Đây cũng là dịp để các địa phương, ban quản lý các di tích chuẩn bị tốt và lên các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đưa di tích vào hoạt động khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Qua đó,  đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan của nhân dân và du khách thập phương.

My Ny - Hoàng Long

Tin xem nhiều