Báo Đồng Nai điện tử
En

Gìn giữ và phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

10:06, 27/06/2021

Xây dựng nề nếp gia phong, kính trên, nhường dưới, lễ phép, hiếu nghĩa… là những nét đẹp trong văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Trước xu thế hội nhập và phát triển, nhiều gia đình vẫn luôn tạo dựng, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.

Xây dựng nề nếp gia phong, kính trên, nhường dưới, lễ phép, hiếu nghĩa… là những nét đẹp trong văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc.

Ông Phùng Phu Hiền (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) vui vầy bên gia đình. Ảnh: My Ny
Ông Phùng Phu Hiền (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) vui vầy bên gia đình. Ảnh: My Ny

Trước xu thế hội nhập và phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại, một số truyền thống đã có sự thay đổi nhưng nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn luôn tạo dựng, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.

* Nền tảng hạnh phúc từ chính mỗi gia đình

Là gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống, các thành viên trong gia đình ông Phùng Phu Hiền (ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) luôn vui vẻ, hạnh phúc. Để giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa hơn 20 năm liền, bản thân ông Hiền cùng vợ và các con không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Cho dù cuộc sống có vất vả, bận rộn đến đâu, vợ chồng ông bà vẫn giữ thói quen duy trì buổi sinh hoạt cuối ngày cùng con cháu.

Ông Hiền cho hay, để chung sống hòa thuận trong gia đình 3 thế hệ, vợ chồng ông luôn khuyên con, cháu phải đặt đạo đức lên hàng đầu. Cha mẹ thương yêu, tôn trọng con; ngược lại con cháu phải biết hiếu thuận, kính trên nhường dưới. Bản thân vợ chồng ông bà tích cực làm việc thiện, hỗ trợ cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Sông Ray vay vốn không lãi để làm ăn; đồng thời gương mẫu tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Các con ông bà không bao giờ thấy cha mẹ cãi nhau mà chỉ thấy sự chia sẻ, thông cảm cùng vun đắp hạnh phúc.

Đối với chị Trần Lê Lam Tuyền (ngụ KP.1, TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom), yêu thương và chia sẻ chính là cách gắn kết các thành viên trong gia đình vượt qua những sóng gió của cuộc sống.

Chị nhớ như in những ngày tháng biến cố xảy đến với gia đình khi chị bị bệnh thập tử nhất sinh, mọi gánh nặng đè lên đôi vai của chồng, từ việc chạy tiền lo viện phí, thuốc thang, chăm sóc vợ bệnh ở viện, rồi lo tiền học phí, đưa đón con đi học... Mặc dù chạy tới lui như con thoi nhưng không bao giờ anh tỏ ra mệt mỏi, cáu gắt mà luôn động viên, an ủi chị cùng vượt qua khó khăn.

“Tôi mổ tim thành công, cuộc sống của gia đình bắt đầu những trang mới. Anh tình nguyện ở nhà gánh vác công việc gia đình. Mỗi sáng, anh vui vẻ chở tôi đi làm rồi đưa đón con đi học, chiều về anh lại đón con, đón vợ, bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Nhìn thấy anh tất bật vào bếp, chuẩn bị bữa ăn ngon cho cả nhà, tôi lại thầm cảm ơn anh - người chồng chung thủy và người cha gương mẫu” - chị Tuyền bộc bạch.

Ý thức được gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, những năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Hiếu, chị Phạm Thị Ngọc Hân (KP.Đồng Nai, P.Hóa An, TP.Biên Hòa) luôn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. Anh chị luôn xem hạnh phúc gia đình là cái đích mình cần hướng đến mỗi ngày. Các thành viên trong gia đình kính trên, nhường dưới, vợ chồng bình đẳng, yêu thương và ứng xử có trách nhiệm với nhau, tạo dựng niềm tin để vun đắp tổ ấm hạnh phúc.

* Lan tỏa văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

Tại các buổi tập huấn công tác gia đình do Sở VH-TTDL tổ chức hằng tháng, PGS-TS Huỳnh Văn Tới thường xuyên đề cập đến việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình. Đặc biệt hiện nay, môi trường công nghệ 4.0 đã đi sâu và có ảnh hưởng lớn đến giáo dục người trẻ ở cả gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, intenet và mạng xã hội là cơ hội lớn để mỗi người, mỗi gia đình hội nhập và phát triển nhưng nó rất khó kiểm soát, là thử thách lớn.

“Bản thân mỗi gia đình cần hiểu mạng xã hội là xu thế dẫn đến xã hội ảo nhưng sử dụng thật. Các thành viên trong gia đình có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác nhưng nếu không điều chỉnh, các thành viên sẽ trở nên thụ động, lười giao tiếp với nhau. Một trong những giải pháp giữ lửa ấm cho mỗi ngôi nhà vẫn phải tập trung vào củng cố các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, phát huy và lan tỏa văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, cần bổ sung thêm các giá trị mới theo tiến trình phát triển xã hội” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm nay chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 luôn được lựa chọn xoay quanh việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình; bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương hay gia đình bình an, xã hội hạnh phúc… Các chủ đề nhằm đề cao truyền thống, ý nghĩa quan trọng của ngày gia đình đối với mỗi người. Đây cũng là ngày thắp lên tinh thần hướng về gia đình, hướng về tổ tiên và có những hành động thiết thực để nuôi dưỡng tình cảm, gìn giữ nề nếp gia phong nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình”.

Theo Tiến sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ trẻ em kết nối TP.HCM, mặc dù trong bối cảnh chịu nhiều tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi nhưng giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi người. Những giá trị ấy hình thành trên quy tắc ứng xử với những quy định, chuẩn mực mà các thành viên cần tuân theo để đảm bảo cho gia đình hoạt động nền nếp.

Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình gặp khó khăn, mâu thuẫn gia đình vì thế cũng xảy ra nhiều hơn. Chính trong khó khăn, truyền thống gia đình đóng vai trò là “chất keo” nối kết để các thành viên cùng nhau chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, xây dựng gia đình và xã hội hạnh phúc.

Sáng 28-6, Sở VH-TTDL tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình trực tuyến năm 2021. Các đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác gia đình, cán bộ gia đình, trẻ em, các CLB phòng, chống bạo lực gia đình ở 11 huyện, thành phố được nghe PGS-TS Huỳnh Văn Tới nói chuyện chuyên đề Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2021). Sau tập huấn, Ban tổ chức cập nhật các nội dung của chuyên đề lên trang YouTube, phục vụ công tác tìm hiểu, nắm bắt thông tin của cơ sở.

My Ny

Tin xem nhiều