Báo Đồng Nai điện tử
En

Gìn giữ 'linh hồn' hiện vật

09:05, 21/05/2021

Tại Bảo tàng tỉnh (thuộc Sở VH-TTDL), nhiệm vụ bảo quản hiện vật trong kho từ lâu được bộ phận kho của Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền đảm nhiệm.

Tại Bảo tàng tỉnh (thuộc Sở VH-TTDL), nhiệm vụ bảo quản hiện vật trong kho từ lâu được bộ phận kho của Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền đảm nhiệm.

Nhân viên bộ phận kho thuộc Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh) kiểm tra các hiện vật được vớt dưới lòng sông Đồng Nai đang lưu trữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Đăng Tùng
Nhân viên bộ phận kho thuộc Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh) kiểm tra các hiện vật được vớt dưới lòng sông Đồng Nai đang lưu trữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Đăng Tùng

Với sự tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại, cách làm việc khoa học, các cán bộ, nhân viên làm việc ở bộ phận kho đã bảo quản tốt những hiện vật được lưu giữ tại đây, góp phần phục vụ các buổi triển lãm, nghiên cứu và hơn hết là gìn giữ, lưu truyền được một phần lịch sử địa phương cho các thế hệ mai sau.

* Nơi thời gian “ngưng đọng”

Mỗi tuần một lần, bộ phận kho thuộc Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền lại lần lượt mở cửa 14 kho hiện vật đang được lưu trữ để thông gió, quét dọn, kiểm tra... Vì đây là những hiện vật quý, khắc họa lại nhiều góc cạnh trong các giai đoạn lịch sử của Đồng Nai nên được giữ gìn rất kỹ; cửa kho có niêm phong trên khóa, trong kho có hệ thống báo cháy, chống trộm tự động...

Sau mỗi cánh cửa khóa chặt ấy, hàng ngàn hiện vật lớn nhỏ được đặt gọn gàng trên các kệ, trong các tủ, được gìn giữ kỹ lưỡng chờ ngày được đưa ra triển lãm. Trong không gian tĩnh lặng, các bình, chén bằng gốm, sứ; các vật dụng, công cụ bằng đá; những cỗ máy thủ công cũ kỹ dù nhuốm màu thời gian nhưng được bảo quản nguyên vẹn, thậm chí vẫn còn rõ từng nét vẽ tinh xảo, mang đậm giá trị văn hóa của một giai đoạn lịch sử.

Nhân viên bộ phận kho thuộc Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền kiểm tra các hiện vật là đồ gốm được chế tác tại Đồng Nai trong nửa đầu thế kỷ XX
Nhân viên bộ phận kho thuộc Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền kiểm tra các hiện vật là đồ gốm được chế tác tại Đồng Nai trong nửa đầu thế kỷ XX

Bà Lâm Thị Vân Thoa, Phó trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền tự hào chia sẻ: “Hiện bảo tàng có hơn 21 ngàn hiện vật từ nhiều nguồn đưa về như: sưu tầm, hiến tặng, khai quật, khảo cổ... Để bảo quản được an toàn, dễ tìm kiếm, chúng tôi chia ra theo chất liệu và đề tài hiện vật, như vậy mỗi kho sẽ được bảo quản theo một yêu cầu đồng nhất về nhiệt độ, độ ẩm. Thậm chí, ngay cả chúng tôi, khi chạm vào hiện vật đều phải đeo bao tay để tránh gây ra hư hại, ảnh hưởng đến các hiện vật”.

Để làm tốt công việc bảo quản, lưu trữ hiện vật lịch sử, đòi hỏi các nhân viên của bộ phận kho phải có tính cần cù, kiên trì, đặc biệt là phải yêu lịch sử, thích nghiên cứu tìm tòi, từ đó mới khai thác được giá trị văn hóa, lịch sử “ẩn giấu” trong các hiện vật. Đồng thời hằng năm, các nhân viên đều tham gia các buổi tập huấn nghiệp vụ về cách thức bảo quản hiện vật do Cục Di sản (Bộ VH-TTDL) tổ chức...

Chị Đỗ Thị Nga (di sản viên) bộc bạch, dù công tác tại Bảo tàng tỉnh hơn 10 năm nhưng chị mới chuyển về bộ phận kho được khoảng 3 tháng. Do yêu thích mảng văn hóa dân tộc nên khi về đây chị có cơ hội tìm hiểu kỹ về những hiện vật các dân tộc tại Đồng Nai. Từ những vết mòn, những vết nứt trên vật dụng cổ mà chị có thể hình dung được người xưa đã sống, đấu tranh với thiên nhiên như thế nào.

 “Mỗi lần quét dọn kho, tôi lại dành thời gian nghiên cứu thêm về giá trị lịch sử, văn hóa từ hàng ngàn hiện vật được lưu giữ nơi đây. Có thể nói, được thấy, được chạm vào các hiện vật, tôi lại càng hiểu thêm những gì được học, được đọc về lịch sử vùng đất Đồng Nai” - chị Nga
tâm sự.

* Nâng niu “mảnh ghép” lịch sử

Mỗi hiện vật đều mang câu chuyện riêng, có cái đưa lên từ lòng sông, suối, mộ cổ; có cái cùng bao người chiến sĩ cách mạng băng qua mưa bom bão đạn; có cái còn ố màu mồ hôi tay của người lao động... Tuy nhiên, chính bởi in hằn các dấu tích của thời gian nên các hiện vật ấy đều có giá trị lịch sử đặc biệt, tạo nên những “mảnh ghép” của lịch sử địa phương.

Định kỳ hằng tuần, nhân viên bộ phận kho thuộc Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền đều quét dọn, thông gió cho các hiện vật đang lưu trữ, bảo quản tại đây
Định kỳ hằng tuần, nhân viên bộ phận kho thuộc Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền đều quét dọn, thông gió cho các hiện vật đang lưu trữ, bảo quản tại đây

Do đó, để các “mảnh ghép” rời rạc ấy được ráp nối, tạo thành bức tranh sinh động về lịch sử, Bảo tàng tỉnh đã sắp xếp các hiện vật được hơn 30 bộ sưu tập theo các chủ đề như: khảo cổ, gốm sứ, kháng chiến, dân tộc... Bên cạnh đó, việc này cũng giúp lưu trữ hiện vật một cách khoa học, dễ dàng tìm kiếm và mang ra triển lãm.

Bà Lâm Thị Vân Thoa, Phó trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền cho biết: “Ở kho chúng tôi đặc biệt có bộ sưu tập những đồ gốm, vật dụng đá cổ được đưa lên từ lòng sông Đồng Nai; bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh của các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hiến tặng... Đây là những bộ sưu tập thường được đưa ra triển lãm và có tính liên kết cao, giúp người xem tưởng tượng ra được đời sống, sinh hoạt, đấu tranh ở các thời kỳ”.

Bộ sưu tập kỷ vật do các anh hùng lực lượng vũ trang tặng cho Bảo tàng tỉnh luôn được chăm sóc, bảo quản kỹ càng
Bộ sưu tập kỷ vật do các anh hùng lực lượng vũ trang tặng cho Bảo tàng tỉnh luôn được chăm sóc, bảo quản kỹ càng

Hiện vật từ nhiều nguồn sau khi đưa về Bảo tàng tỉnh sẽ được phân loại, đánh giá, xác minh rồi mới chính thức được đưa vào kho lưu trữ. Khi đó, hiện vật sẽ tiếp tục được phân loại, đánh số theo các bộ sưu tập để sắp xếp, bảo quản phù hợp. Không chỉ chăm sóc, giữ gìn các hiện vật thực tế, bộ phận kho còn lập danh sách, kiểm kê liên tục; chỉnh lý lại các mã số, bộ sưu tập cho phù hợp.

Anh Trần Anh Thỉnh, chuyên viên Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền cho hay: “Khi tiếp xúc với các hiện vật khảo cổ, tôi rất xúc động trước các giá trị văn hóa của chúng mang lại, nhất là khi qua đó, tôi mường tượng lại được nếp sống của người xưa. Với tôi, các hiện vật lịch sử đều có “linh hồn”, khi được bảo quản, đặt vào chung với các hiện vật cùng thời kỳ, chúng sẽ cùng nhau “kể” lại câu chuyện của một thời lịch sử. Để gắn bó với công việc này, đòi hỏi mỗi nhân viên làm trong kho phải có lòng yêu nghề, hiểu rõ giá trị của các hiện vật với lịch sử để bảo quản cho đúng cách”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều