Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh sưu tầm, kiểm kê hiện vật

10:09, 25/09/2020

Nhằm bổ sung các hiện vật phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách tham quan, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tích cực sưu tầm và kiểm kê hiện vật.

Nhằm bổ sung các hiện vật phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách tham quan, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tích cực sưu tầm và kiểm kê hiện vật.

Các hiện vật của đồng bào các dân tộc sau khi sưu tầm được Bảo tàng tỉnh trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách. Ảnh: L.Na
Các hiện vật của đồng bào các dân tộc sau khi sưu tầm được Bảo tàng tỉnh trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách. Ảnh: L.Na

Đây là một trong những hoạt động được bảo tàng thực hiện thường xuyên và liên tục, qua đó gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Đồng Nai cho muôn đời sau.

* Nhiều hiện vật được sưu tầm, kiểm kê

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm mai một dần giá trị văn hóa các dân tộc. Nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc bị mai một, biến mất trong đời sống do tình trạng buôn bán cổ vật, hiện vật cho những nhà sưu tầm tư nhân. Do vậy, công tác sưu tầm hiện vật được Bảo tàng tỉnh rất chú trọng. Các hiện vật sau sưu tầm được chỉnh lý, bổ sung để trưng bày, tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn.

Hiện vật được sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, lưu giữ ở bảo tàng gồm: khảo cổ, văn hóa các dân tộc, cách mạng…với nhiều chất liệu khác nhau như: đá, kim loại, đồ dệt, sành sứ, đồ mộc. Hằng năm, cán bộ bảo tàng thường xuyên sưu tầm tư liệu, hình ảnh tại lễ hội văn hóa dân gian của đồng bào Chơro, Hoa, Mạ, Tày, Nùng. Ngoài ra, đã sưu tầm được các hiện vật của cộng đồng dân cư liên quan đến sản xuất nông nghiệp, hay bộ đồ nghề thủ công  được sử dụng phổ biến vào thế kỷ XIX, XX.

Theo Bảo tàng tỉnh, thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB, mỗi năm bảo tàng đón từ 40-60 ngàn lượt khách tham quan. Trong đó, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Số lượng du khách đến bảo tàng tăng 10%/năm. Tổ chức các hoạt động chuyên đề, giới thiệu di sản văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đạt tỷ lệ 60%.

Từ năm 2018 đến nay, bảo tàng sưu tầm được hơn 500 hình ảnh các loại hình văn hóa, hàng trăm trang tư liệu thành văn và nhiều hiện vật có giá trị khác. Trong 9 tháng của năm 2020, Bảo tàng tỉnh sưu tầm hàng trăm hình ảnh, hiện vật phục vụ các triển lãm nhân những ngày lễ lớn và chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Tăng cường kiểm kê hiện vật tại di tích đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa); số hóa hiện vật di tích đình Bình Quan; ghi phiếu hiện vật di tích chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).

Theo Bảo tàng tỉnh, từ nay đến cuối năm, bảo tàng tiếp tục công tác sưu tầm hiện vật các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai. Nội dung sưu tầm gồm các hiện vật liên quan đến văn hóa vật chất, tinh thần của các dân tộc như: ché, gùi, chiêng; trang phục và trang sức, nhạc cụ, nhạc khí, đồ nghề thầy cúng. Địa điểm sưu tầm được bảo tàng lựa chọn là xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ); xã Phú An, xã Tà Lài (H.Tân Phú); xã Thanh Sơn, KP.Hiệp Nghĩa (H.Định Quán); xã Bàu Cạn (H.Long Thành)…

Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Trần Minh Trí cho biết, mỗi năm bảo tàng sưu tầm, kiểm kê và nhập kho hàng trăm hiện vật, trong đó ưu tiên các tài liệu, hiện vật trọng điểm về lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc. Việc lập hồ sơ khoa học cho hiện vật cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được bảo tàng thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Nhờ vậy đã tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong cộng đồng, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh.

* Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Với các hiện vật đã sưu tầm, kiểm kê, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ người dân. Trong tháng 7-2020, các hiện vật đồng bào các dân tộc ở Đồng Nai đã được trưng bày tại Liên hoan tiếng hát miền Đông tại TP.HCM; trưng bày hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc thiểu số tại TP.Cần Thơ. Đổi mới hình thức tiếp cận hiện vật đợt dịch Covid-19 thông qua việc giới thiệu trên website bảo tàng, mạng xã hội…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sưu tầm, kiểm kê hiện vật ở bảo tàng hiện vẫn gặp một số khó khăn, thách thức như: địa bàn rộng, đi lại khó khăn; nguồn tài liệu hiện vật, kỷ vật liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng không nhiều. Kinh phí dành cho công tác sưu tầm hiện vật còn hạn chế. Để có thể tìm được hiện vật, theo cán bộ bảo tàng Nguyễn Anh Đức, phải đi khảo sát, tìm hiểu và vận động người dân bán hoặc quyên góp. Một số hiện vật phải thẩm định nhiều lần mới cho kết quả chính xác, điều này làm mất rất nhiều thời gian.

Để công tác sưu tầm, phát huy giá trị hiện vật đạt kết quả cao, cần đa dạng hóa hình thức sưu tầm, chính sách khuyến khích các chủ thể, nghệ nhân trao truyền, gìn giữ các di sản văn hóa độc đáo hoặc có nguy cơ mai một cao. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động nhân dân hiến tặng các hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, con người; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thuyết minh hiện vật… tạo điều kiện để nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tìm hiểu về lịch sử, nâng cao hơn nữa ý thức cộng đồng chung tay gìn giữ giá trị di sản văn hóa.

Ly Na

Tin xem nhiều