Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 22/01/2025, 03:54 En

Đan dệt những ước mơ...

11:12, 06/12/2019

Nắng sớm rực rỡ như hoa cúc vàng trải khắp mặt sân, nơi dành riêng để phơi sản phẩm đan lát xuất khẩu của Hợp tác xã đan lát xuất khẩu (HTX) Phú Lâm (xã Phú Hòa, huyện Định Quán)...

 

Bút ký Lê Hương Thơm

Nắng sớm rực rỡ như hoa cúc vàng trải khắp mặt sân, nơi dành riêng để phơi sản phẩm đan lát xuất khẩu của Hợp tác xã đan lát xuất khẩu (HTX) Phú Lâm (xã Phú Hòa, huyện Định Quán). Hàng trăm loại sản phẩm mới “ra lò” như: giỏ, khay, bàn, ghế, thùng, sọt… được đan kết bằng nguyên liệu làm từ sợi cói, lá buông, lục bình… xếp thành hàng phơi nắng, tạo nên một “quần thể” hàng hóa đa dạng, tạo sức hấp dẫn cho khách tham quan.

Đón tiếp chúng tôi giữa rừng hoa sản phẩm ấy, chị Phạm Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất, vui vẻ cho biết, anh chị quê gốc ở tỉnh Ninh Bình - cái nôi của nghề trồng cói, dệt chiếu và đan lát nổi tiếng vùng Bắc bộ. Vào huyện Định Quán lập nghiệp, “hành trang” và vốn liếng của anh chị mang theo vẫn chỉ là “đôi bàn tay” từng gắn bó với nghề đan truyền thống ở quê nhà.

Như đôi chim chọn được đất lành, bao la một vùng nguyên liệu rẻ tiền, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề đan lát lại sẵn nguồn lao động dồi dào cùng với sự khuyến khích của chính quyền địa phương đã giúp anh chị Đỗ Văn Lâm và Phạm Thị Thanh, quyết định thành lập HTX đan lát xuất khẩu Phú Lâm.

Ra đời và đi vào hoạt động vào năm 2011, sau hơn 8 năm tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ chỗ phải đi thuê đất, đến nay HTX Phú Lâm đã có đất làm mặt bằng sản xuất rộng từ 4-5 ngàn m2, giải quyết công việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy có văn phòng giới thiệu sản phẩm tại quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) nhưng nguồn lực quan trọng làm ra sản phẩm để tiếp thị, chào hàng và xuất khẩu, lại được anh chị Lâm - Thanh chọn địa bàn huyện Định Quán để xây dựng “chiến khu” cho kế hoạch phát triển lâu dài và bền vững...

Vào thăm xưởng sản xuất, chúng tôi bắt gặp hình ảnh thật đẹp của hơn 20 lao động, lưng áo đẫm mồ hôi nhưng ai cũng say sưa miệt mài công việc. Ngồi sát bên những chồng nguyên liệu, đôi tay của những người thợ thoăn thoắt một cách thuần thục, ngỡ như đã thành quán tính, thành vũ điệu quen thuộc của nghề đan. Họ không ngừng đan mà ánh mắt vẫn long lanh ngước nhìn chào mừng khách đến. Tôi dừng lại ngắm nhìn và phỏng vấn một người thợ trẻ, chị có gương mặt thanh tú với đôi mắt sáng và nụ cười tươi. Chị là Đỗ Thị Hoa, một trong những lao động tham gia HTX từ ngày đầu thành lập. Đưa tôi xem chiếc giỏ đang đan, chị Hoa cho biết: “Loại giỏ này tùy theo mặt hàng lớn, nhỏ, cũng như công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, một ngày, một người đan hoàn chỉnh khoảng 4-5 sản phẩm”.

Ngược dòng thời gian, chị kể: “Vợ chồng tôi theo gia đình vào định cư ở xã Phú Hòa được hơn 10 năm. Hiện tại, cả 4 lao động chính trong gia đình (kể cả con trai và con dâu) đều là xã viên của HTX Phú Lâm. Hằng ngày, cả nhà làm ở cơ sở, tối nhận hàng về tranh thủ làm thêm. Tiền công HTX trả theo sản phẩm, bình quân 1 tháng gia đình thu nhập trên dưới 25 triệu đồng. Cuộc sống ổn định dần, các con, cháu của chị yên tâm đến trường, học hành chăm ngoan...”.

Trong lớp xã viên đầu tiên của HTX còn có những người như anh Thảo, chị Luyến, anh Thơm, chị Thúy… Có những cặp vợ chồng sinh sống bằng nghề đan từ khi còn ở quê Ninh Bình, khi vào Định Quán định cư vẫn giữ và phát triển nghề đan lát truyền thống.

Người phụ nữ nổi bật với bộ đồ màu đỏ trên nền trắng của nguyên liệu và sản phẩm đan là chị Luyến. Trò chuyện với tôi, chị Luyến vẫn không ngừng tay đan kết thành tấm nệm cói cho những chiếc bàn, ghế có khung làm bằng gỗ. Chị kể:  “Gia đình tôi ở vùng quê lúa Thái Bình, nhưng rồi đất chật, người đông, vợ chồng đành bỏ xứ dìu dắt nhau đi tìm miền đất hứa để sinh cơ lập nghiệp. Trải qua nhiều vùng đất khác nhau, cuối cùng chúng tôi dừng chân tại đất Phú Hòa tham gia làm xã viên HTX”. Lúc đầu chị làm nghề đan lát, chồng lái xe cho vợ chồng ông chủ. Mới ổn định kinh tế được vài năm thì chẳng may chồng chị bị bệnh hiểm nghèo và mãi mãi đi xa. Gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đè lên đôi vai người góa phụ. Được HTX tạo điều kiện giúp đỡ, ngoài giờ làm tại cơ sở, chị nhận thêm nguyên liệu về đan tại nhà. Hai người con buổi đi học, buổi phụ giúp mẹ một số công đoạn như bện dây, hay hoàn chỉnh sản phẩm. Bình quân mỗi ngày chị đan 7 tấm mặt bàn hoặc ghế, thu nhập mỗi tháng đạt khoảng 8 triệu đồng. Có tiền cho các con tiếp tục đi học và trang trải cuộc sống gia đình, chị cảm thấy như vậy là may mắn lắm.

Xúc cảm từ cuộc sống của những người thợ như chị Luyến và những người phụ nữ làm nghề đan lát xuất khẩu ở đây, nhà thơ Đàm Chu Văn đã viết bài thơ Thiếu phụ và những sợi đêm với những câu thơ ẩn chứa đầy tâm trạng:

Em ngồi đan kết sợi đêm.

Lục bình bầu bạn dỗ niềm tâm tư…

Người đi tức tưởi nửa chừng

Để em gánh hết chất chồng gian nan…

Nghiến răng ghìm sóng giữa làn.

Đò em chao lắc, tay đan khỏa niềm”

Trời chuyển dần về trưa, những cơn gió tây nam hây hẩy thổi dồn làm dịu bớt cái nắng nóng của miền trung du Định Quán. Nhưng trên gương mặt những người thợ mồ hôi vẫn còn nhễ nhại, những sợi tóc dính bụi còn bết vào hai bên gò má. Song, ai cũng nở nụ cười rất tươi khi được hỏi về công việc và mong ước của mình. Tất cả họ cùng chung một nhận xét rằng, nghề đan tuy chỉ lấy công làm lãi, nhưng là cái nghề mang tính chất phổ cập, không bị lệ thuộc vào thời gian hành chính và có những công đoạn mà tất cả già, trẻ, ai cũng có thể tham gia. Với phương châm “năng nhặt chặt bị”, nên những người lao động đan lát nơi đây đã tạo được nguồn thu nhập ổn định, góp phần bảo đảm cuộc sống cho gia đình. Vì vậy, ngoài 20 lao động tại cơ sở HTX, trên địa bàn xã Phú Hòa còn có hơn 100 gia đình làm vệ tinh, nhận đan hàng gia công cho HTX Phú Lâm. Các hộ gia đình này nhận nguyên liệu về, cả nhà chung sức chung tay cùng làm. Em Phạm Văn Thẻ, học hết lớp 9, là con anh Phạm Văn Thơm, có dáng của một thư sinh đã tự tin trả lời chúng tôi: “Đan lát hàng xuất khẩu cũng là một nghề, cháu rất thích nghề này, nên từ lúc còn nhỏ, cháu đã nhìn bố mẹ ngồi đan, rồi học và làm cùng bố mẹ. Giờ được lao động bằng cái nghề mình yêu thích cũng là một cách đan dệt ước mơ của tuổi trẻ, con nghĩ vậy có đúng không cô?”.

“Đương nhiên là rất đúng, nếu cháu thực sự đam mê” - tôi trả lời. Rồi như để minh chứng cho sự lựa chọn của mình, Thẻ còn khoe: “Bằng cách tính lương theo sản phẩm, có những tháng cháu có thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên, cao nhất nhì so với các xã viên khác trong HTX”.

Chuyện về những người lao động đan lát xuât khẩu ở HTX Phú Lâm, mỗi người mang một nét đẹp riêng, đúng như nhận định của chị Phạm Thị Thanh: “Ai cũng có hoàn cảnh riêng, tâm tư, tình cảm và cuộc sống riêng nhưng khi tham gia vào HTX họ đều có điểm chung, đó là sự cảm thông, đoàn kết sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau gắn bó với nghề. Từ những người quê gốc làm nghề đan truyền thống, tới người mới học nghề đều say mê học hỏi, đều có ý thức phấn đấu làm ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt nhất”.

Chị Thanh còn cho biết, hiện nay sản phẩm của HTX xuất khẩu sang các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Mặt hàng được khách hàng ưa chuộng ký hợp đồng nhiều nhất là các loại giỏ, thùng, ghế, sọt, khay… có giá trị xuất khẩu từ 20-30 USD/sản phẩm.

Theo sự hướng dẫn của chị Thanh, tôi ghé vào thăm khu kho chất đầy nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất, nhìn những đống lá buông, lục bình, sợi cói... chất cao, tôi nói vui: “Toàn những cây rừng, cỏ dại, nhưng đi qua bàn tay người thợ đan lát, lại hóa thân thành những sản phẩm mang tính mỹ thuật độc đáo Việt Nam, rồi vượt biển sang tận các quốc gia ở trời tây xa lắc, đổi lấy ngoại tệ lớn đem về, góp phần ích nước lợi dân, làm cho rừng núi nước ta thật đúng nghĩa “rừng vàng”.

Nghe tôi “phán” vậy, một chàng xã viên vui tính liền nói lớn: “Rừng vàng nhưng phải có bàn tay vàng mới biến cây cỏ dại thành tiền được, nếu không thì cũng chỉ là cây cỏ bỏ đi, phải không các cô?”.

L.H.T