Mấy hôm nay làng showbiz xôn xao chuyện nghệ sĩ Lê Giang kể chuyện bị chồng cũ bạo hành trong chương trình Sau ánh hào quang (phát sóng kênh HTV7).
Mấy hôm nay làng showbiz xôn xao chuyện nghệ sĩ Lê Giang kể chuyện bị chồng cũ bạo hành trong chương trình Sau ánh hào quang (phát sóng kênh HTV7). Sau đó, đại diện của nghệ sĩ Duy Phương (cha của 2 con của Lê Giang là Lê Lộc và Duy Phước) đã đâm đơn kiện HTV và nhà sản xuất chương trình Sau ánh hào quang lên Tòa án nhân dân quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) vì cho rằng chương trình đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh và cuộc sống cá nhân của nghệ sĩ Duy Phương.
Lê Giang trong chương trình Sau ánh hào quang. |
1. Gần đây, sóng truyền hình tràn ngập những chương trình khai thác đời tư nghệ sĩ quá mức. Hình thức là talkshow, MC trò chuyện với nghệ sĩ và thế là bao nhiêu chuyện xưa cũ được lôi ra, và nước mắt nghệ sĩ cũng… ngập lụt màn hình. Phổ biến nhất là chuyện bị chồng cũ bạo hành, chồng cũ không quan tâm để nghệ sĩ đơn độc một mình nuôi con, rồi chuyện chèn ép show, chuyện sát phạt giữa những người làm nghề…
Thế nhưng đến chương trình của Lê Giang thì có vẻ như giọt nước đã tràn ly. Nghệ sĩ Duy Phương lên báo phản ứng gay gắt. Và đặc biệt, phần đông người trong giới showbiz đã bày tỏ sự phản ứng đối với những chương trình như thế này. Đạo diễn Hoa Hạ viết trên facebook cá nhân: “Cho dù các bạn được rất nhiều tiền khi làm chương trình này, nhưng những điều thiêng liêng từ tình cảm gia đình, người thân.... mãi mãi sẽ không dùng tiền để mua được. Hãy dừng lại khi có thể, đừng tiếp tục làm tổn thuơng người khác. Khán giả sẽ rời bỏ khi trái tim người nghệ sĩ máu đã đổi màu và khô cạn. Dừng lại thôi!”.
2. Không thể phủ nhận với nghệ sĩ tên tuổi thì khán giả không chỉ muốn biết về quá trình, hoạt động làm nghề của họ mà còn rất quan tâm đến chuyện đời tư. Bắt được thị hiếu này, các nhà sản xuất chương trình truyền hình và rất nhiều trang tin, báo mạng hiện nay nhiệt tình khai thác triệt để. Có thể vì say view (lượt xem của khán giả) nên nhiều chương trình đã quên mất đạo đức và cả vấn đề pháp lý.
Chẳng ai thấy lấn cấn khi một người xuất hiện trên sóng truyền hình vô tư kể xấu người khác mà không hề có sự kiểm chứng, đối chất. Trong một chương trình như thế, một cô ca sĩ trẻ lên sóng nước mắt ngắn nước mắt dài kể chuyện người chồng vô tư, vô trách nhiệm để cô đơn độc nuôi con một mình. Quá đáng hơn, chương trình đăng cả hình ảnh “anh chồng ham chơi” (như lời cô ca sĩ tố). Chương trình được rất nhiều fan chia sẻ và người ta không tiếc lời chửi bới người đàn ông mà có thể chưa bao giờ tiếp xúc, chỉ bởi lý do duy nhất vì thần tượng của họ đã chỉ đích danh: Đây, anh này làm khổ tôi đây!
Ai cho phép sóng truyền hình cùng một số mạng truyền thông tiếp tay để người này vô tư mạt sát, bêu xấu người kia? Đây không còn là chuyện “nói qua nói lại” đơn thuần mà rõ ràng đã đụng tới pháp lý, tới quyền con người!
3. Có một thực tế mà những ai chuyên viết lĩnh vực văn hóa văn nghệ sẽ hiểu rất rõ, nếu nhà báo hay MC là người khéo léo, biết cách khơi gợi thì nghệ sĩ sẽ dễ trải lòng và rất nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” sẽ được khai ra. Bởi thế, với những cây viết thâm niên ở lĩnh vực này thì có vô số chuyện hậu trường về giới văn nghệ sĩ rất hấp dẫn, tung ra có thể gây chấn động nhưng bản lĩnh, thái độ và cả đạo đức làm nghề, người viết đã quyết định cái gì nên và không nên xuất hiện trên mặt báo.
Với những chương trình truyền hình thực tế, nếu trách nghệ sĩ một thì có lẽ phải trách biên tập, nhà sản xuất, nhà đài đến mười. Ranh giới giữa sự nhân văn và độc ác của chương trình kiểu này đôi khi mong manh lắm. Có khi, tưởng rằng mình để cho một nhân vật bày tỏ nỗi niềm, được một lần trút cạn với những uất ức trong quá khứ nhưng cuối cùng lại làm tan nát một gia đình, làm tổn thương rất, rất nhiều những con người liên quan…
Sự chia sẻ đôi khi cần có giới hạn, nếu cả nghệ sĩ và người sản xuất chương trình luôn nghĩ đến điều này thì có lẽ sẽ không có những thông tin, hình ảnh không đẹp về người làm nghệ thuật trong mắt khán giả như những ngày qua…
Trí Trọng