Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi Mỹ làm ôsin

10:07, 31/07/2015

Nhà xuất bản Đà Nẵng và Công ty văn hóa Hương Trang vừa ấn hành sách Tôi đi làm Ôsin ở Mỹ của tác giả Huỳnh Lê Trầm My. Thường thì người Việt đi Tây, đi Tàu viết về các vấn đề có tầm "vĩ mô". Riêng đây lại là cuốn sách "du ký" trên đất Mỹ của một người Việt đóng vai… ôsin.

Nhà xuất bản Đà Nẵng và Công ty văn hóa Hương Trang vừa ấn hành sách Tôi đi làm Ôsin ở Mỹ của tác giả Huỳnh Lê Trầm My. Thường thì người Việt đi Tây, đi Tàu viết về các vấn đề có tầm “vĩ mô”. Riêng đây lại là cuốn sách “du ký” trên đất Mỹ của một người Việt đóng vai… ôsin.

Tác giả Huỳnh Yên Trầm My ở Đà Nẵng nên giọng văn của bà cũng thấm muối Biển Đông thuần hậu chân chất. Trong cách viết của mình cũng vậy, tác giả đặc sệt giọng Quảng, thưa rằng: “Là ôsin nên thấy cái chi hay là kể, nghe cái chi lạ là nói, mà cái hay cái lạ ở đây cũng chỉ là lạ và hay so với cảm nhận của ôsin, do vậy, quý bạn đọc thông cảm, nếu đọc thấy không lạ, không hay…”.

Đó là cách nói khiêm tốn của tác giả khi những điều bà viết rất thật: “Là ôsin  nên nghĩ răng nói rứa, không biến hóa chuyện nhỏ thành to, chuyện dở thành hay, chuyện vui thành buồn được, do vậy, quý bạn đọc cũng thông cảm, nếu đọc thấy quá ngô nghê, thật thà như đếm, không đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của mình…”.

“Tôi nghĩ là bạn đọc cũng dễ chấp nhận và thông cảm, bởi lẽ, tôi chỉ là ôsin thôi mà!” - tác giả Trầm My tự nhận xét về mình. Tác giả khiêm tốn như thế, nhưng Tôi đi làm Ôsin ở Mỹ chia sẻ rất nhiều với người đọc. Chẳng hạn như khi xin visa đi Mỹ, dù là đi du lịch kết hợp thăm thân nhân, trong khi tác giả “nghề nghiệp không ổn định, thu nhập không cao” thuộc diện “cần xem xét lại”.

Nhưng tác giả đã xác định từ kinh nghiệm của nhiều người: “Với Mỹ, phải nói thật, nói ngắn gọn, hỏi chi nói nấy và phải chứng minh tới Mỹ là về chứ không chơi kiểu “đất lành chim đậu”… Và, đặc biệt là phải tự tin, không rụt rè, không nghĩ họ là “nước lớn”, là “cường quốc”. Có sao nói vậy đã giúp tác giả vượt qua cửa xin visa đi Mỹ, dù là đi làm ôsin, hay đúng hơn là đi “nuôi đẻ” trong hơn 2 tháng tại Mỹ.

Ôsin chẳng qua là cách lựa chọn để tạo ra góc nhìn khác về nước Mỹ của tác giả Trầm My. Tác giả thừa nhận: “Là ôsin nên cái nhìn chỉ hạn hẹp từ trong bếp ra tới chợ, từ bệnh viện về tới nhà”. Cái nhìn đó gói gọn trong hơn 2 tháng tác giả “nuôi đẻ” cho một người thân tại Mỹ, mà bà gọi vui người sản phụ là “bà chủ”.

Ở Mỹ, có nhiều điều ngạc nhiên, ví như khi đi đẻ, người nhà chỉ đem theo một túi xách rất nhỏ với vài món đồ thiết yếu. Sinh cháu bé khoảng 10 ngày, bác sĩ đã khuyên cả mẹ và bé nên đi dạo khi trời có nắng. Với trẻ sơ sinh, người lớn dù rất quý trẻ con cũng luôn giữ khoảng cách chứ không vuốt má, cầm tay vì sợ lây bệnh cho bé.

Trong suy nghĩ của tác giả, nước Mỹ rất phồn hoa. Thế nhưng khi gặp cảnh một người đàn bà gốc châu Á đi móc thùng rác đã khiến tác giả trầm ngâm. Bởi lẽ, có cần thiết bỏ quê hương để sang Mỹ “móc bọc” hay không?

Ở ta hiện có nhiều đường cao tốc nhưng chưa có đường cao tốc nào thu phí tự động như ở Mỹ. Xe đang chạy bon bon trên 150km/giờ, chợt nghe tiếng tút tút báo hiệu phí đường cao tốc đã được thu.

Tôi đi làm Ôsin ở Mỹ chia thành từng phần nhỏ, được viết với tất cả sự ngạc nhiên nằm trong hệ so sánh đối chiếu giữa xã hội Mỹ và Việt Nam dưới góc nhìn khiêm tốn của một ôsin .        

   Hoàng Nhân

 

Tin xem nhiều