Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếng thơm còn để mai sau

10:06, 05/06/2015

Một tin vui vừa đến với giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa của Đồng Nai: Viện trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu kỷ lục Việt Nam (trực thuộc Hội Kỷ lục gia Việt Nam), TS.Nguyễn Khắc Thuần trao tặng cho Đồng Nai 5 phiên bản sắc phong thần của 3 nhân vật lịch sử gắn bó mật thiết với Đồng Nai thời mở cõi.

Một tin vui vừa đến với giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa của Đồng Nai: Viện trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu kỷ lục Việt Nam (trực thuộc Hội Kỷ lục gia Việt Nam), TS.Nguyễn Khắc Thuần trao tặng cho Đồng Nai 5 phiên bản sắc phong thần của 3 nhân vật lịch sử gắn bó mật thiết với Đồng Nai thời mở cõi.

Lãnh đạo Bảo tàng Đồng Nai trao phiên bản sắc phong thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên cho đình Tân Lân.
Lãnh đạo Bảo tàng Đồng Nai trao phiên bản sắc phong thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên cho đình Tân Lân.

5 phiên bản sắc phong, gồm: 1 bản của thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, 2 bản của thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên và 2 bản của trung đẳng thần Mai Vạn Long.

* Tư liệu quý cho hậu thế

Sắc phong thần là văn bản của vua phong và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Các vị thần được phong tặng ngoài các thần linh trong tín ngưỡng dân gian (nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên), còn là những nhân vật lịch sử có công với nước (thường gọi là nhân thần) hoặc là người bình thường nhưng có công khai hoang lập làng, truyền dạy nghề thủ công hay có công đức với cộng đồng, gắn liền với lịch sử làng xã cổ truyền. Thậm chí ở nhiều làng, người được sắc phong thần làm thành hoàng chỉ là một người rất bình thường, có khi còn là ăn mày, trộm cướp.

“Tôi rất yêu quý vùng đất Đồng Nai, vì đây là cửa ngõ đầu tiên và có thể xem là nơi tập trung tinh hoa của cả Nam bộ. Đồng Nai cũng là vùng đất gắn liền với những nhân vật lịch sử lớn, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên - những người không chỉ là danh tướng tài ba, yêu nước thương dân mà còn có đầu óc tổ chức kinh tế tạo lập nên cả vùng đất trù phú như Trấn Biên, thương cảng sầm uất như Cù lao Phố, đồng thời đi đầu trong việc cho quân đội khai khẩn đất hoang để tự cấp tự túc. Đây là những bài học rất lớn để lại cho hậu thế, vì vậy tôi mong muốn qua việc trao tặng sắc phong thần, người Đồng Nai sẽ hiểu biết thêm các nhân vật lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của xứ sở” - TS. Nguyễn Khắc Thuần bày tỏ.

Theo nghiên cứu của TS.Nguyễn Khắc Thuần, trong lịch sử Việt Nam có khoảng 13.069 sắc phong thần. Một số nhân vật có thể có nhiều sắc phong, như trường hợp của thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên - 2 nhân vật lịch sử có công tích rất lớn đối với sự hình thành vùng đất Đồng Nai trong thời mở cõi. Sắc phong truyền tải lại cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về tên, tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử).

Theo các sắc phong thần mà TS.Nguyễn Khắc Thuần vừa trao tặng, vào năm Minh Mạng thứ 21 (năm 1840) Nguyễn Hữu Cảnh được ban sắc gia phong Thượng đẳng thần, hiệu là Thác cảnh Uy viễn chiêu ứng thành cảm; năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1843) Trần Thượng Xuyên được gia phong Thượng đẳng thần, hiệu là Uy địch chiêu dũng hiển linh diệu cảm, còn Mai Vạn Long sắc phong Trung đẳng thần, hiệu là Bỉnh trung địch dũng mậu huân. Các thần đều được thờ ở miếu Hội đồng ở tỉnh Vĩnh Long, giao cho các quan địa phương thờ cúng hàng năm.

* Tiếng thơm còn để

Đối chiếu với lịch sử, các danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên, Mai Vạn Long đều gắn bó và có công lớn đối với vùng đất Vĩnh Long nói riêng và Nam bộ nói chung, có thể kể, năm Mậu Thìn (1688), phó tướng Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho, dời đồn sang Nan Khê (nay là sông Vàm Nao, thuộc tỉnh An Giang), đắp lũy, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân đi cướp bóc. Chính vương nước Chân Lạp là Nặc Ông Thu oán giận, bỏ việc triều cống và đắp ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam, Nam Vang, chằng xích sắt ngăn cửa sông làm kế cố thủ. Có ý đồ bất lợi Chúa Nguyễn Phước Trăn cử tướng Mai Vạn Long ở Dinh Thái Khương giả hiệp quân cùng Hoàng Tiến đi đánh dẹp Nặc Ông Thu, nhưng kỳ thực là kế để giết Hoàng Tiến. Tháng 7-1699, Nặc Ông Thu lại đắp lũy ở Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam. Trần Thượng Xuyên lúc bấy giờ đang đóng quân ở Doanh Châu (Vĩnh Long), cấp báo lên triều đình. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam hiệp quân, đánh dẹp. Tháng 3-1700, Trần Thượng Xuyên đích thân ra trận, giao chiến với quân Chân Lạp, rồi tiến đánh lũy Bích Đôi và Nam Vang khiến quân Chân Lạp tan vỡ...

Ngoài phương diện sử học, sắc phong cũng là những tài liệu quý có giá trị về mặt văn hóa, nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian. Như trong các sắc phong nói trên, có ghi rõ: Gần đây bởi có biến cố, đã chấp thuận lời nghị bàn của các quan tỉnh Vĩnh Long về việc xin cấp lại sắc phong, cho phép miếu Hội đồng ở tỉnh ấy thờ phụng như cũ. Theo TS.Nguyễn Khắc Thuần, biến cố được nhắc trong sắc phong là sự kiện quân Pháp đốt miếu Hội đồng vào năm 1867 khi chiếm được Vĩnh Long, khiến 85 tờ sắc phong cất giữ nơi đây đều bị thiêu hủy. Qua các sắc phong thần trên, cho thấy trong lịch sử 3 vị danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên, Mai Vạn Long không chỉ gắn bó mật thiết với Đồng Nai, mà ảnh hưởng của các vị còn lan rộng đến cả vùng đất Nam bộ.

Hà Lam

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều