Báo Đồng Nai điện tử
En

Phim truyện Việt Nam: Bao giờ hết xa rời thực tế?

09:08, 12/08/2011

Những năm gần đây, trong làn sóng ồ ạt của phim nước ngoài tràn vào Việt Nam, các nhà làm phim trong nước đã phải trăn trở tìm lối ra cho phim truyện.

Những năm gần đây, trong làn sóng ồ ạt của phim nước ngoài tràn vào Việt Nam, các nhà làm phim trong nước đã phải trăn trở tìm lối ra cho phim truyện.

Với sự học hỏi kinh nghiệm làm phim của nước ngoài kết hợp với thực tế điện ảnh trong nước, các nhà làm phim đã đa dạng hóa các loại hình phim truyện nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người xem. Chúng ta có phim giả tưởng (Nụ hôn thần chết), võ thuật (Dòng máu anh hùng), kinh dị (Giao lộ định mệnh), cổ trang (Long Thành cầm giả ca), hài (Kính thưa ô-sin). Và đặc biệt, chúng ta có hàng loạt bộ phim giàu tính hiện thực, tính chiến đấu (Ma làng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Cánh đồng bất tận). Những bộ phim được đầu tư công phu (từ kịch bản, đạo diễn, quay phim, khung cảnh, đạo cụ, diễn viên) đã tạo nên sự hấp dẫn cho người xem. Có thể kể đến một số bộ phim thành công như: Thung lũng hoang vắng, Chơi vơi,  Ma làng, Bí thư tỉnh ủy... Nhưng những bộ phim như vậy là quá ít. Vì vậy, đa số khán giả vẫn quay lưng với phim truyện của ta.

Chủ tịch tỉnh - một bộ phim nhận được nhiều ý kiến nhận xét trái chiều.
Chủ tịch tỉnh - một bộ phim nhận được nhiều ý kiến nhận xét trái chiều.

 

Không cần đến rạp, hãy mở truyền hình ra chúng ta thấy nhan nhản những bộ phim mờ nhạt, thiếu thực tế, người xem không muốn xem vì chẳng có gì để xem. Người làm phim dù với bất cứ thể loại gì cũng phải chú ý đến ý nghĩa xã hội của bộ phim. Mỗi bộ phim phải gửi tới người xem một thông điệp có ý nghĩa xã hội. Chúng ta hãy để ý đến những bộ phim thành công, như: Ma làng, Cánh đồng bất tận. Ở bộ phim Ma làng, chúng ta nhận ra một làng quê ngột ngạt với sự đấu tranh giành chức quyền, những mưu mô thâm độc, gian ác để hại nhau, sự hà hiếp người dân của một lớp cường hào mới ở nông thôn. Bộ phim đã bóc trần một mảng hiện thực đen tối ở một số làng quê hiện nay mà một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất đang nắm quyền, giúp người xem tỉnh ngộ và ý thức được rằng phải làm gì để xóa bỏ những tệ nạn nói trên. Bộ phim Cánh đồng bất tận đưa ta về với hiện thực nông thôn miền Tây Nam bộ. Cuộc sống vùng quê êm ả, đầy thơ mộng nhưng cũng đầy hoang dã và chứa đựng những bi kịch cá nhân. Nhưng vượt lên những bi kịch đó là tình yêu thương, nó xóa bỏ hận thù, hằn học, mặc cảm để vươn tới cuộc sống tốt đẹp, có ý nghĩa hơn.

Nhưng thực tế, nhiều phim truyện của Việt Nam xem xong không biết nói gì. Kịch bản lỏng lẻo, chi tiết vô lý, khung cảnh không ăn nhập với diễn biến của phim, diễn viên từ hành động tới lời thoại đều nhạt thếch, vô hồn. Xem diễn viên đóng phim hiện nay, người xem không khỏi nhớ tiếc một thế hệ vàng diễn viên Việt Nam: Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh... Thế hệ diễn viên trẻ ngày nay cũng có một số tài năng, như: Đỗ Hải Yến, Hồng Ánh, Tăng Thanh Hà..., nhưng đa số thiếu tâm huyết và tài năng. Họ không coi trọng nghề diễn, ít trui rèn, không coi trọng khán giả nên không đầu tư công phu cho vai diễn. Có diễn viên chạy sô cùng một thời gian đóng vài phim, không đọc kỹ kịch bản, quên lời thoại. Có một số ca sĩ, người mẫu, hoa hậu đã thử sức trong lĩnh vực điện ảnh nhưng thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Sự thất bại giúp cho họ nhận ra rằng họ đã “đá lộn sân”. Nghề diễn là một nghề nghiêm túc, có tính chuyên nghiệp cao, một diễn viên tài năng là phải biết hóa thân vào nhiều vai diễn, không học hỏi lao động sáng tạo thì không thể có vai diễn hay được.

Một cảnh trong phim Chủ tịch tỉnh.
Một cảnh trong phim Chủ tịch tỉnh.

 

Một điều khác khiến phim truyện Việt Nam thiếu tính hấp dẫn, thuyết phục chính là nhiều bộ phim quá xa rời thực tế cuộc sống. Ở nhiều bộ phim chúng ta chỉ thấy biệt thự, xe hơi, hồ bơi, sân gôn, chân dài, đại gia. Xem phim chỉ thấy được cuộc sống xa hoa với những mối quan hệ tình cảm, quan hệ làm ăn của lớp thượng lưu ở Việt Nam. Tầng lớp ấy chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít trong dân số Việt Nam. Cho nên nhiều khán giả là tầng lớp lao động đã quay lưng lại với những bộ phim xa rời thực tế cuộc sống.

Nếu không khắc phục, cứ sản xuất và công chiếu một cách tràn lan các bộ phim mờ nhạt, xa rời thực tế và thiếu tính giáo dục như thế thì phim truyện Việt Nam sẽ mất dần khán giả.

Bùi Quang Tú

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích