(ĐN)- Ngày 31-5, trước sự chứng kiến của nhân viên hải quan và các ngành chức năng, Công ty CP Đồng Tiến đã cho tiến hành cắt bỏ trên 1.617 cây vải trị giá gần 7 tỷ đồng để đem đi đi tiêu hủy...
(ĐN)- Ngày 31-5, trước sự chứng kiến của nhân viên hải quan và đại diện các ngành chức năng, Công ty CP Đồng Tiến đã cho tiến hành cắt bỏ trên 1.617 cây vải, trị giá gần 7 tỷ đồng để đem đi tiêu hủy. Câu chuyện tưởng như đùa nhưng là sự thật! Tại sao lại có chuyện này?
Những cây vải còn nguyên đai, nguyên kiện bị cắt nát để tiêu hủy |
Số lượng vải nguyên liệu mà Công ty CP Đồng Tiến tiêu hủy nói trên là số nguyên phụ liệu mà công ty gia công hàng xuất khẩu cho khách hàng Dessipro PTE.LTD - Singapore theo hợp đồng số 03DT-Desipro/15, ngày 26-1-2015, có hiệu lực đến ngày 26-1-2017. Đến nay, một số đơn hàng đã kết thúc, còn một số nguyên phụ liệu dư không tiếp tục sử dụng, nên khách hàng xin hủy và Công ty CP Đồng Tiến đã thực hiện để thanh lý hồ sơ hải quan.
Ông Vũ Ngọc Thuần, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến bức xúc, hơn 6.000 công nhân của công ty làm việc cật lực cả năm cũng chỉ sản xuất trên 17 triệu sản phẩm xuất khẩu, lợi nhuận đạt khoảng 65 tỷ đồng, vậy mà ở đây chỉ trong vài ngày, một số lượng vải có giá trị lớn như thế phải tiêu hủy. Thật xót xa vì lãng phí, nhưng quy định là như vậy, nên doanh nghiệp buộc phải làm chứ không còn cách nào khác.
Cán bộ hải quan và đại diện các ngành chức năng chứng kiến việc cắt vải để tiêu hủy |
Còn ông Nguyễn Duy Hải, đại diện Công ty Dessipro PTE - chủ sở hữu số vải trên cho biết, đây là số vải nguyên liệu dư thừa, không sử dụng đến trong thời gian tới và Công ty Dessipro PTE cũng đã tính đến nhiều phương án xử lý, như: tặng từ thiện, xuất bán…Song, những quy định của hải quan liên quan đến việc này khá phức tạp, vì vậy tiêu hủy là giải pháp tối ưu nhất được công ty lựa chọn trong thời điểm này.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến Vũ Ngọc Thuần cho biết thêm, việc hủy vải như thế này không phải là duy nhất, mà là công việc thường xuyên. Năm ít thì vài tỷ đồng , năm nhiều thì 7-8 tỷ đồng. Tính ra, trên phạm vi cả nước với hàng chục ngàn doanh nghiệp may, nếu tất cả phải chấp hành quy định tiêu hủy tương tự, thì tốn kém xã hội ở mức vô cùng lớn.
Từ thực tiễn lãng phí nêu trên, ông Thuần cũng đang kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương nghiên cứu để có chính sách phù hợp, nhằm giải quyết hợp lý tình trạng này.
Minh Thanh – Lê Kiệt