Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạn chế tiêu cực trong việc cấp, quản lý thẻ bảo hiểm y tế

09:11, 08/11/2013

Chiều 8-11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu tiếp tục thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 – 2012

Chiều 8-11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu tiếp tục thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 – 2012

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường
Quốc hội thảo luận tại hội trường về BHYT

Bên cạnh việc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng điều trị, tăng cường xã hội hóa y tế, đa dạng các hình thức khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, vấn đề được đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều nhất trong phiên thảo luận buổi chiều là việc cấp phát, quản lý thẻ BHYT...

* Hạn chế tiêu cực trong việc cấp phát, quản lý thẻ...

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) dẫn chứng: tình trạng cấp trùng thẻ BHYT ở các đối tượng được ngân sách hỗ trợ xảy ra ở nhiều tỉnh, trong đó cá biệt có người nhận 4-5 thẻ BHYT.

[links(right)]Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo kết nối thông tin giữa các đơn vị trong ngành BHYT và những người dân tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội, chỉ sử dụng một mã số duy nhất.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) phân tích: Hiện nay BHYT phân ra quá nhiều nhóm đối tượng, có đến hơn 25 đối tượng dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Vì nhiều đầu mối nên quản lý chồng chéo, nhiều đối tượng nằm trong diện nhà nước hỗ trợ BHYT, nhưng không biết đầu mối quản lý ở đâu, không ai lập danh sách, nên họ bị bỏ sót, ngược lại có trường hợp cấp trùng một người nhận 3- 5 thẻ. Đối tượng này thường là đối tượng được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm nên gây thất thoát nguồn công quỹ khá lớn.

*Tăng cường quản lý quỹ BHYT

Nhìn nhận về tình trạng ép chi khi bội chi quỹ BHYT, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng hiện nay mức đóng BHYT của nước ta còn thấp nên tổng quỹ BHYT không nhiều, nếu không nâng mức đóng BHYT sẽ không đủ chi nhưng ngược lại, nâng mức BHYT sẽ ảnh hưởng đến người dân, do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội tìm mọi cách hạn chế người cung cấp dịch vụ y tế bằng việc khống chế số dịch vụ kỹ thuật áp dụng trên một người bệnh. Chính điều này đã làm cho các bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh phát hiện bệnh nhân chậm hơn, chất lượng điều trị kém hơn. Để giải quyết vấn đề trên, đại biểu đề nghị xem xét nâng mức đóng BHYT của người dân trong một chừng mực nhất định.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Phân tích một khía cạnh được cho là nghịch lý, đại biểu Huỳnh Nghĩa lập luận: Nghị định 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định 60% kinh phí kết dư hàng năm được sử dụng để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đào tạo nghiệp vụ... nhằm phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương; quỹ dự phòng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng để bổ sung cho những địa phương bội chi. Nguồn quỹ này hình thành từ 10% số thu bảo hiểm y tế và 40% kết dư trong năm cho các địa phương có kết dư chuyển về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Trên thực tế tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ bảo hiểm y tế kết dư cao còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được.

Có đại biểu đề nghị soát xét kỹ những hạn chế bất cập trong việc thực hiện các chính sách về giá thuốc trong khám, chữa bệnh, không để mất cân đối nguồn tài chính dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; cân nhắc việc giải quyết vượt trần và vượt quỹ khám, chữa bệnh, nguyên tắc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt trần tuyến hai được quy định cụ thể tại Điều 16 Thông tư liên tịch 09 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Đại biểu cũng đề nghị chỉ thanh toán cho những trường hợp chi hợp lý, hợp lệ, có đủ chứng từ, hóa đơn, kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng và xử lý nghiêm những hợp vi phạm trong việc giải quyết vượt trần trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Thứ hai, ngày 11-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và xem xét, quyết định về công tác nhân sự; buổi chiều, thảo luận ở tổ về dự án Luật xây dựng (sửa đổi) và dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

P.V (Tổng hợp)

 

Tin xem nhiều