Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến nghị loại bỏ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

12:07, 04/07/2013

(ĐN)- Ngày 3-7, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã ký văn bản số 5222 về việc kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho dừng dự án thủy điện Đồng Nai (ĐN) 6 và 6A.

(ĐN)- Ngày 3-7, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã ký văn bản số 5222 về việc kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho dừng dự án thủy điện Đồng Nai (ĐN) 6 và 6A. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường có báo cáo và kiến nghị Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho dừng và loại bỏ hai dự án thủy điện này ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.

Vùng đất ngập nước (khu Ramsanr - Bàu Sấu). Ảnh: T.L
Vùng đất ngập nước (khu Ramsanr - Bàu Sấu). Ảnh: T.L

Việc dừng triển khai dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, phù hợp với Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ, phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường... và các Công ước quốc tế, phù hợp với ước vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Căn cứ theo bản đồ di tích Vườn quốc gia Cát Tiên thì vị trí dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư đã vi phạm các quy định luật pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế, cụ thể: Dự án vi phạm Luật Di sản - văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009: Dự án xâm hại trực tiếp vào khu vực (khu bất khả xâm phạm) - vùng lõi di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên tại địa phận tỉnh Lâm Đồng là 137,5 hécta, cách Bàu Sấu – khu Ramsar là vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới (trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) chỉ khoảng 25 - 30km, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.

Dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A đã vi phạm Luật Di sản văn hóa và làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù của Khu di tích Vườn quốc gia Cát Tiên.

Dự án vi phạm vào khung chiến lược của Khu dự trữ sinh quyển của MAB/UNESCO; vi phạm Luật Đa dạng sinh học.

Dự án vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004): Di tích Vườn quốc gia Cát Tiên là khu rừng đặc dụng, chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Theo các quy định tại Quyết định số 186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng thì Vườn quốc gia Cát Tiên cần phải được bảo vệ toàn bộ diện tích và tài nguyên đa dạng sinh học của vườn.

Dự án vi phạm Luật Bảo vệ môi trường (2005) và vi phạm Nghị định số 109/2003/ NĐ-CP ngày 23-9-2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.

Dự án làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc Việt Nam đang đề cử Vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới: Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia chuyên ngành gấp rút hoàn thành hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Sự đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên và bảo tồn vùng đất ngập nước (khu Ramsanr - Bàu Sấu) là một trong những địa điểm đáp ứng được tiêu chí về đa dạng sinh học đề cử Vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Việc xây dựng thủy điện ĐN6 và ĐN6A là một trong những tác động nghiêm trọng đáng lo ngại nhất đã làm ảnh hưởng tới quá trình xem xét và công nhận của UNESCO.

Vườn quốc gia Cát Tiên rất khó có thể trở thành di sản thiên nhiên thế giới nếu dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A được quy hoạch xây dựng ngay bên trong vùng lõi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của vườn, điều này vi phạm vào luật pháp của Việt Nam. Chính việc vi phạm Luật Bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn vùng đất ngập nước tại Việt Nam là nguyên nhân chính để Đồng Nai xin rút hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới...

P.V

Tin xem nhiều