Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cuối năm

02:09, 16/09/2022

Gần đây, tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai đang có dấu hiệu chậm lại. Dự tính, trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp (DN) sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất như: giá nguyên liệu đầu vào, logistics tiếp tục tăng, đơn hàng giảm…

Gần đây, tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai đang có dấu hiệu chậm lại. Dự tính, trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp (DN) sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất như: giá nguyên liệu đầu vào, logistics tiếp tục tăng, đơn hàng giảm…

Sản xuất nến xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế Fleming ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG
Sản xuất nến xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế Fleming ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trên một số lĩnh vực như: giày dép, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử…, đơn đặt hàng hiện đã giảm từ 10-30% so với dịp đầu năm. Do đó, một số DN lớn đã điều chỉnh quy mô sản xuất, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật. Một số phân xưởng tạm dừng hoạt động do chưa có đơn hàng.

Công nghiệp chịu nhiều tác động…

6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh có bước tăng trưởng cao thì sang tháng 7 và 8 bắt đầu chậm lại. Cụ thể, trong tháng 8-2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Đồng Nai giảm gần 3% so với tháng trước đó. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu giảm sâu là máy tính, điện tử và linh kiện; sản phẩm gỗ; xơ sợi dệt; giày dép; dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng… Xuất khẩu giảm là do đơn hàng của các DN ít, theo đó sản xuất cũng bị ảnh hưởng.

Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh chia sẻ: “Giày dép là ngành sản xuất, xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, nhưng hiện đơn hàng đã giảm khoảng 30% nên DN buộc phải cho công nhân giảm giờ làm, công nhân lo lắng thu nhập sẽ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày. Ngành sản xuất gỗ, điện tử đơn hàng cũng giảm mạnh do chí phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu tăng cao, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 làm chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhiều DN lớn phải dừng sản xuất vì thiếu sản phẩm đầu vào…”.

Trong cơ cấu kinh tế của Đồng Nai thì công nghiệp - xây dựng chiếm gần 62%; vì thế, công nghiệp chững lại sẽ tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác và đời sống xã hội. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các nhà máy, cơ sở.

Giám đốc Sở LĐTB-XH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 42 ngàn lao động nghỉ do thất nghiệp, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các lao động thất nghiệp đa số thuộc các công ty nhỏ. Hiện Sở chưa nhận được phản ánh cho nghỉ việc hàng loạt từ các DN lớn, nhưng vẫn phối hợp với các địa phương để nắm bắt tình hình để nếu các DN, người lao động gặp khó khăn sẽ có hỗ trợ kịp thời”.

Tìm giải pháp vượt qua khó khăn

Dự báo bức tranh kinh tế những tháng cuối năm sẽ không mấy khởi sắc vì đến cuối tháng 8-2022, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn mới đạt hơn 927 tỷ đồng, bằng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký thành lập mới DN và bổ sung tăng vốn hơn 46 ngàn tỷ đồng, bằng 66% so với thời điểm năm 2021; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn 656 triệu USD, bằng 68%.

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa)
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại do thiếu đơn hàng. Các lĩnh vực trên tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước. Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh được xem là giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thì đến nay mới đạt gần 40% kế hoạch năm, Đồng Nai rất khó đạt 60% vào cuối tháng 9-2022 như cam kết với Chính phủ.

Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung cho hay: “Trong những tháng cuối năm, Sở Công thương sẽ liên kết với Bộ Công thương, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước hỗ trợ DN tìm thêm đối tác, thị trường để có đơn hàng mới, đảm bảo sản xuất và mở rộng xuất khẩu. Đồng thời, Sở sẽ giúp các DN tham gia thương mại điện tử kết nối giao thương có kênh tiêu thụ sản phẩm”.

Theo các DN thì xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ 1-2 tháng trở lại đây giảm sâu nên phải tìm thêm các thị trường khác để bù lại. Tuy nhiên, tìm được khách hàng, thị trường mới trong thời gian ngắn không dễ, vì nhu cầu tiêu dùng của mỗi quốc gia sẽ khác nhau. Sản phẩm muốn xuất vào nước nào, DN phải có thời gian tìm hiểu thị hiếu của người dân nơi đó, liên kết với các nhà phân phối. Sau đó, lên kế hoạch sản xuất mặt hàng cho từng thị trường...

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế Đồng Nai đánh giá: “Thu ngân sách nội địa của tỉnh đến hết tháng 8-2022 đạt 75% dự toán, tuy còn khoảng 4 tháng nữa để thu nốt phần còn lại nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì sản xuất công nghiệp giảm mạnh, đặc biệt một số ngành có đóng góp lớn như: giày dép, sản phẩm gỗ. Hiện ngành thuế đang rà soát lại các DN đặt nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh nhưng lại nộp thuế ở nơi khác, yêu cầu họ nộp thuế tại tỉnh để tránh Đồng Nai trở thành công trường sản xuất nhưng không có nguồn thu”.

Từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài của Đồng Nai lần đầu tiên rớt hạng khỏi nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước và lùi xuống vị trí gần 20. Một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do Đồng Nai đã không còn diện tích đất công nghiệp lớn để cho DN trong nước, nước ngoài thuê. Đất công nghiệp được Chính phủ quy hoạch nhiều nhưng đang vướng thủ tục nên chưa thành lập được các khu công nghiệp mới, các khu công nghiệp mở rộng thì vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, những dự án có liên quan đến đất đai đa số bị chậm tiến độ, trong đó cũng có phần trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong phối hợp giải quyết những vướng mắc để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

 Hương Giang


Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG:

Sẽ thành lập Tổ Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tình hình phát triển kinh tế hơn 3 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn và có khả năng ảnh hưởng đến năm 2023. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp để giúp kinh tế phát triển ổn định và hoàn thành các kế hoạch của năm 2022. Tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tham mưu để thành lập Tổ tháo gỡ khó khăn cho DN để giúp DN hoạt động hiệu quả, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân.

Các dự án thu hút vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không thuận lợi vì đất còn ít, một phần là do các sở, ngành chưa quan tâm tháo gỡ nhanh vướng mắc cho DN. Vì vậy, các sở, ngành nhanh chóng rà soát lại tất cả các dự án xem xét vướng mắc từ đâu để có kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời, khơi thông dòng vốn đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực.

Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN:

Tiếp tục các giải pháp phục hồi kinh tế

Thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, gia tăng khả năng có suy thoái ngắn hạn, việc tăng lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa của một số nước, khu vực có tác động, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế và tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định tài chính, tiền tệ toàn cầu. Ở trong nước và tỉnh, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn, áp lực lạm phát, giá nguyên - vật liệu đầu vào gia tăng, nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài do có độ mở lớn, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế. Dịch bệnh Covid-19 và nhiều loại dịch bệnh khác tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Trước bối cảnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế. Trong đó, tập trung giải phóng mặt bằng để thi công các dự án hạ tầng khu công nghiệp, sớm có đất thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn kịp thời để đẩy nhanh công tác giải ngân, sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác, tạo đột phá cho phát triển kinh tế.

Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ:

Ưu tiên giải quyết ngập nước, nhà ở xã hội

2 vấn đề được người dân quan tâm sẽ được Sở Xây dựng ưu tiên phối hợp với các sở, ngành, địa phương giải quyết trong thời gian tới là ngập nước tại các khu đô thị của TP.Biên Hòa và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trên địa bàn. Với tình trạng ngập nước tại TP.Biên Hòa, giải pháp tạm thời là địa phương tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước. Giải pháp lâu dài, các chủ đầu tiến hành đẩy nhanh tiến độ của những dự án thoát nước, chống ngập cho những khu vực thường xuyên xảy ra ngập nước.

Hiện nay, nhiều người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh rất cần nhà ở xã hội, vì thế các địa phương phải rà soát lại các dự án nhà ở xã hội, xem vướng mắc ở khẩu nào đề xuất tỉnh hỗ trợ giải quyết để sớm hoàn thành thủ tục khởi công xây dựng. Công nhân, người lao động có nơi ở ổn định sẽ yên tâm gắn bó làm việc trong các nhà máy, đơn vị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai.     

Uyển Nhi


 

Tin xem nhiều