Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động cần an cư lạc nghiệp

11:05, 13/05/2022

"Nhận được phần quà từ Công đoàn, tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng. Với tôi và nhiều lao động xa quê, chỉ cần một chút quan tâm của Công đoàn, doanh nghiệp là đong đầy tình cảm yêu thương, giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, sự cô đơn cũng như khó khăn trong cuộc sống", lời tâm sự mộc mạc của chị Lê Thị Mầu, một công nhân hoàn cảnh khó khăn, có 17 năm làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, khi được nhận quà trong Tháng Công nhân 2022 khiến mọi người xúc động, nhưng đồng thời cũng đầy trăn trở về việc chăm lo cho đời sống công nhân lao động (CNLĐ) thật sự tốt hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Nhận được phần quà từ Công đoàn, tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng. Với tôi và nhiều lao động xa quê, chỉ cần một chút quan tâm của Công đoàn, doanh nghiệp là đong đầy tình cảm yêu thương, giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, sự cô đơn cũng như khó khăn trong cuộc sống”, lời tâm sự mộc mạc của chị Lê Thị Mầu, một công nhân hoàn cảnh khó khăn, có 17 năm làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, khi được nhận quà trong Tháng Công nhân 2022 khiến mọi người xúc động, nhưng đồng thời cũng đầy trăn trở về việc chăm lo cho đời sống công nhân lao động (CNLĐ) thật sự tốt hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Từ đây, nhiều CNLĐ tạm thời ngừng việc, bị mất việc phải cùng gia đình tá túc trong những căn phòng trọ chật hẹp, chịu cảnh thiếu thốn nhiều thứ do cuộc sống khó khăn, những đồng tiền ít ỏi dành dụm đã dần tiêu xài hết và phải trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính địa phương và những tấm lòng thiện nguyện. Đến khi cảm thấy khó lòng trụ lại Đồng Nai, nhiều người đã dắt díu nhau về quê tránh dịch bất chấp quy định giãn cách xã hội. Hình ảnh những đoàn người rồng rắn chạy xe máy về quê trong bầu không khí ảm đạm của những ngày mưa ấy khiến nhiều người xúc động đến rơi nước mắt, đồng thời cũng khiến nhiều người cảm thấy có điều gì đó ray rứt.

Có thể nói, hàng vạn CNLĐ hằng ngày quần quật làm việc trong các nhà máy đã đóng góp cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đồng thời cũng đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Điều đó càng thể hiện rõ hơn khi những dòng người đổ xô về quê chống dịch thì các công ty bị thiếu lao động trầm trọng khi hoạt động sản xuất bắt đầu phục hồi trở lại. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 bùng phát đã chỉ ra một thực tế là những CNLĐ ấy vẫn chưa được chăm lo một cách tốt nhất về đời sống vật chất lẫn tinh thần theo đúng nghĩa của nó, đặc biệt là một nơi ở tươm tất để an cư lạc nghiệp, để tái sản xuất sức lao động mà tiếp tục đóng góp công sức cho sự phồn vinh của doanh nghiệp, sự phát triển của địa phương.

Thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, đặc biệt là tổ chức Công đoàn đã có nhiều chế độ, chính sách chăm lo cho CNLĐ. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó dường như vẫn là chưa đủ; sự chăm lo ấy dường như chỉ mang tính thời điểm mà không được thường xuyên, liên tục, dường như vẫn còn xuất phát từ trách nhiệm của doanh nghiệp mà pháp luật đã quy định hơn là sự quan tâm đúng nghĩa của những người gắn bó với mình như một gia đình, để CNLĐ cảm thấy mình có trách nhiệm gắn bó hơn nữa, đóng góp thật nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp.

Tháng Công nhân năm nay được Công đoàn các cấp trên địa bàn cùng với các doanh nghiệp tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi hướng đến người lao động đã phần nào mang lại nhiều niềm vui, sự động viên rất lớn đối với CNLĐ trong tỉnh. Mong rằng các hoạt động ý nghĩa này sẽ tiếp tục được duy trì và nâng tầm hơn nữa ở các doanh nghiệp để đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của CNLĐ, để họ an cư lạc nghiệp ở đất Đồng Nai và đóng góp nhiều hơn nữa cho nơi họ đã chọn để gắn bó.

Phạm Mai

Tin xem nhiều