Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác mạnh tiềm năng ngành thủy sản

07:05, 07/05/2022

Bộ NN-PTNT đang triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đây cũng là ngành hàng có thế mạnh về xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT đang triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đây cũng là ngành hàng có thế mạnh về xuất khẩu.

Đồ họa thể hiện sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2021. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2021. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân

Nhiều năm qua, ngành thủy sản của Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực khác như: trồng trọt, chăn nuôi. Đây cũng là ngành thế mạnh tỉnh tập trung phát triển trong thời gian tới.

* Tăng trưởng tốp đầu

Hai năm trở lại đây, ngành thủy sản đối mặt nhiều thách thức chung của ngành Nông nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và hàng loạt khó khăn như: lạm phát khiến chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp… Nhiều thời điểm, giá cá, tôm giảm sâu khiến người nuôi mất lợi nhuận. Tuy nhiên, nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn thuộc tốp đầu về mức tăng trưởng so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Cụ thể, năm 2021, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 71,2 ngàn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng ấn tượng này đều nhờ nuôi thủy sản phát triển tốt với sản lượng thủy sản nuôi đạt gần 65,4 ngàn tấn, tăng hơn 6,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt gần 5,9 ngàn tấn, giảm 0,21% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, vì năm 2021, sản xuất thủy sản chịu thiệt hại bởi thiên tai.

Ông LÊ TRẦN BÁ THÔNG, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành) đánh giá, chính quyền Đồng Nai rất quan tâm phát triển ngành nuôi thủy sản với nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt cho các nhà đầu tư. Theo đó, lĩnh vực thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, thuộc tốp đầu thế giới. Tiềm năng xuất khẩu con tôm Việt Nam còn rất lớn. Đồng Nai lại có lợi thế phát triển nuôi thủy sản, nhất là về con tôm; trong đó, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch là những vùng nuôi rất tốt.

“Đây là lý do để doanh nghiệp quyết định đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản quy mô lớn tại địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ đầu tư các nông trại nuôi tôm trình diễn làm mô hình điểm theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn đến hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm” - ông Thông cho biết.

Cụ thể, các cơn bão, mưa lớn, mưa đá làm nước dâng, gây ngập lụt tại các xã: Phú Hòa, Phú Vinh, Ngọc Định, Thanh Sơn (H.Định Quán) là nguyên nhân làm trên 2 ngàn tấn cá chết. Thiệt hại ước tính hơn 84 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, nuôi thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, không xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi. Chỉ tính riêng quý I-2022, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 19,9 ngàn tấn, tăng 8,76% so với cùng kỳ. Hiện nay, đa phần sản phẩm thủy sản được tiêu thụ cơ bản ổn định.

Tuy có nhiều thời điểm giá bán giảm, thị trường tiêu thụ chậm hơn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nuôi thủy sản vẫn thuộc tốp đầu về thu nhập cao so với các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khác. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm càng xanh nước ngọt đang cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ, nuôi tôm thẻ, tôm sú nước lợ cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Trung Hậu, chủ bè cá trên sông La Ngà (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cho biết, hơn 1 tháng trở lại đây, các loại cá nước ngọt đều đồng loạt tăng giá, tình hình tiêu thụ trên thị trường ổn định. Nhiều mặt hàng như cá lăng, cá chép… tăng cả chục ngàn đồng/kg so với hồi đầu năm. Với giá bán hiện nay, người nuôi cá đang đạt lợi nhuận tốt, yên tâm đầu tư.

Cùng quan điểm, ông Đặng Đức Thuận, nông dân tại xã Phú Điền (H.Tân Phú) chia sẻ: “Tôi mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang nuôi các loại cá đồng như cá lóc, cá trê. Nhiều người dân ở vùng này cũng đang chuyển đổi ruộng lúa thành ao nuôi cá vì đầu tư nuôi cá cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa và trồng các cây hàng năm khác”.

* Đa dạng các vùng đặc sản

Đồng Nai có diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ, nhiều thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản như có các hồ chứa thủy điện, hệ thống hồ đập, sông ngòi khá phong phú; hệ thống sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải với diện tích gần 70 ngàn ha mặt nước. Cơ cấu ngành thủy sản đang có sự chuyển dịch khá rõ rệt theo hướng tăng nhanh tỉ trọng nuôi trồng, giảm tỉ trọng khai thác.

Thu hoạch cá tại bè cá trên sông La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Thu hoạch cá tại bè cá trên sông La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Thời gian qua, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh không ngừng được mở rộng. Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản ao, hồ trên địa bàn tỉnh đạt gần 9 ngàn ha. Trong đó, diện tích nuôi cá trên 6,7 ngàn ha; diện tích nuôi tôm trên 2 ngàn ha. Nhiều địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh nuôi thủy sản, trong đó có những vùng nuôi các loại đặc sản đã được thị trường biết tiếng, cho thu nhập cao.

Ông Phạm Trí Tâm, chủ đại lý thu mua tôm tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú), cho biết vùng nuôi tôm này hình thành hơn 20 năm nay với diện tích hàng chục ha. Sản phẩm tôm càng xanh Trà Cổ được thị trường biết tiếng về chất lượng nên thường bán được với giá cao. Ngay cả những thời điểm thị trường gặp khó khăn về tiêu thụ, tôm càng xanh Trà Cổ cũng không lo cảnh rớt giá, tồn hàng, vì  người nuôi tôm ở Trà Cổ không tập trung thu hoạch vào từng đợt cao điểm mà thu hoạch cuốn chiếu từ những tháng cuối của năm nay đến tháng Giêng, tháng Hai của năm sau. Chính vì vậy, giá tôm khá ổn định suốt mùa thu hoạch.

Với hơn 2 ngàn diện tích mặt nước nuôi thủy sản, H.Nhơn Trạch là vùng nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh. Địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh nuôi các loại đặc sản như: tôm thẻ, tôm sú, cua, sò, hàu…

Bà Trần Phương Loan, nông dân nuôi hàu lâu năm tại xã Phước An (H.Nhơn Trạch) nhận xét, nghề nuôi hàu cho thu nhập khá ổn định. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư và đã hình thành nên tập trung nuôi chuyên canh mặt hàng này. Nhiều hộ gắn bó lâu năm nên có kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, con hàu đạt chất lượng tốt. Nhờ đó, thương lái khắp nơi biết tiếng tìm về thu mua nên đầu ra khá ổn định. 

Bình Nguyên

Tin xem nhiều